Đảm bảo sự an toàn, lành mạnh hệ thống
Luật sưả đổi bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua (20/11) không chỉ áp dụng việc cho phá sản các ngân hàng yếu kém nhưng vẫn đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, mà còn có nhiều điểm mới như: đã là chủ doanh nghiệp thì không được làm chủ ngân hàng; không được đi vay vốn để góp vốn ngân hàng... Tất cả những quy định mới này đang được kì vọng sẽ tạo khung khổ pháp lý và công cụ đầy đủ hơn nhằm đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018 với các điều khoản bổ sung các phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, gồm phương án phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; phương án giải thể TCTD được kiểm soát đặc biệt; và cuối cùng là phương án phá sản các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, tại Điều 152a về xây dựng và phê duyệt phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt: Thứ nhất, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét. Trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.
Thứ hai, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, NHNN có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Nội dung phương án phá sản, theo Điều 152b gồm: Đánh giá thực trạng và quá trình xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản; Đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống TCTD; Phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân; và Lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.
Điều 152c quy định về tổ chức thực hiện phương án phá sản: NHNN chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu TCTD được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Trường hợp cần thiết, NHNN trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phá sản.
Việc Quốc hội chính thức thông qua việc áp dụng biện pháp phá sản đối với những ngân hàng yếu kém, được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi điều này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các ngân hàng. TS. Võ Trí Thành nhận định: “Nếu ngân hàng yếu kém, tức là anh không làm được thì anhh phải chấp nhận rời khỏi thị trường”. Phá sản ngân hàng, như nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, là hoạt động theo đúng cơ chế thị trường. Ngân hàng cũng giống như doanh nghiệp. Một doanh nghiệp yếu kém, không thể phục hồi được thì phải thực hiện phá sản.
Ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) nhận định: ”Đây là một trong những thay đổi lớn nhất của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD lần này, theo đó, NHNN sẽ được quyền áp dụng các biện pháp can thiệp sớm đối với các TCTD có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Việc này, được kì vọng sẽ ngăn ngừa rủi ro đối với các ngân hàng có dấu hiệu yếu kém để sớm có biện pháp xử lý”.
Phá sản chỉ là giải pháp cuối cùng
Trường hợp ngân hàng bị áp dụng biện pháp phá sản chỉ là giải pháp cuối cùng. Hàng loạt các biện pháp như phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thế; chuyển giao bắt buộc và cuối cùng mới là phá sản.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) Đoàn Thái Sơn, không có việc áp dụng ngay biện pháp phá sản đối với 1 TCTD khi bị đặt vào kiểm soát đặc biệt, NHNN sẽ áp dụng nhiều biện pháp để phục hồi TCTD này hay tìm kiếm các nhà đầu tư mới để bán hoặc chuyển nhượng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, phá sản ngân hàng phải thực hiện theo lộ trình, cần khoảng thời gian dài. Trong vài năm trước mắt, điều đó có có thể xảy ra vì hiện tại, chưa có ngân hàng nào yếu kém tới mức đó. Trước khi quyết định phá sản một ngân hàng, các cơ quan chức năng phải trải qua nhiều quá trình, công đoạn. Các ngân hàng sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, được giám sát thanh tra đặc biệt. NHNN có thể dùng nhiều biện pháp hỗ trợ như cho vay, hỗ trợ thanh khoản, giúp các ngân hàng thanh toán. Nếu ngân hàng yếu kém không có khả năng phục hồi, NHNN sẽ làm đầu mối để sáp nhập ngân hàng hoặc có thể cho mua lại. Nếu không khả thi nữa, thì phải phá sản ngân hàng. Và việc phá sản phải thông qua tòa án. Đây là giai đoạn cuối cùng.
Cho phá sản ngân hàng không phải là quy định mới
Thực tế, cho phá sản ngân hàng không phải là quy định mới, định hướng hay kế hoạch mới.Bởi trước đây, giải pháp phá sản ngân hàng đã từng được quy định, đề cập đến trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, rồi luật sửa đổi năm 2010. Ngay cả Luật Phá sản năm 2014 cũng đã có hẳn một chương riêng về phá sản các tổ chức tín dụng.
Nay Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD vừa thông qua tiếp tục sửa đổi để tạo sự đồng bộ, hoàn thiện về mặt pháp lý.
Hay gần nhất, như tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, cho phá sản ngân hàng yếu kém cũng là một trong những giải pháp đã được xác định.
Cụ thể, đề án nêu định hướng: "Tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính và cho thuê tài chính lành mạnh phát triển và kiên quyết xử lý dứt điểm các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính và cho thuê tài chính yếu kém có nguy cơ gây rủi ro lớn cho hệ thống các TCTD, bao gồm cả các biện pháp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, song đảm bảo không ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định của hệ thống các TCTD".
Nguyên tắc quan trọng là đảm bảo quyền lợi người gửi tiền
Trong tình huống xấu nhất và cuối cùng, phải thực hiện phá sản một TCTD nào đó trong tương lai, nguyên tắc đề ra là thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Và, giải pháp phá sản TCTD theo quy định của pháp luật chỉ được thực hiện khi việc phá sản không ảnh hưởng lớn đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTũng như quyền và lợi ích của người gửi tiền.
Ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) cho biết: “Một trong những mục tiêu mà chúng ta phải đạt được là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Bên cạnh việc người gửi tiền được hưởng quyền lợi của bảo hiểm tiền gửi chi trả, trong Luật cũng qui định trao quyền cho Chính phủ được áp dụng biện pháp đặc biệt như là chi trả vượt mức cho người gửi tiền để đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh trật tự an toàn xã hội”.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng khẳng định: “Phần tiền gửi tiết kiệm của cá nhân người dân, Nhà nước sẽ đứng ra tìm mọi cách hỗ trợ chi trả”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tuần qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: "Trong bất cứ trường hợp nào xử lý các phương án đối với các TCTD thì mục tiêu đầu tiên phải đảm bảo là an ninh kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ được lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Bất cứ khi nào chọn bất cứ giải pháp nào thì mục tiêu đó phải được đảm bảo".
Thống đốc cũng nhấn mạnh, trong những tình huống khác nhau, có những giải pháp và chính sách khác nhau, còn mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là luôn phải đảm bảo an toàn, lòng tin, quyền và lợi ích của người gửi tiền.