Trong hơn 9 tháng đầu năm, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, NHNN duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, thông qua các công cụ CSTT để đảm bảo thanh khoản, đưa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiện cho các TCTD giữ ổn định lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay. Đồng thời với việc điều hành linh hoạt các công cụ CSTT để hỗ trợ thanh khoản, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, trong đó điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các TCTD.
Điều hành cung tiền hợp lý đã tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất và giảm sức ép lên lãi suất cho vay, hỗ trợ ổn định tỷ giá và việc phát hành TPCP, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đến ngày 21/9/2016, huy động vốn tăng 12,17% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của hệ thống được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm và duy trì ở mức thấp đã hỗ trợ cho Ngân sách nhà nước (NSNN) phát hành thành công TPCP với chi phí thấp, đồng thời có điều kiện cơ cấu lại nợ công với thời hạn TPCP dài hơn (năm 2016, TPCP được bổ sung các kỳ hạn dài hơn là 7 năm, 20 năm và 30 năm).
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm đã ổn định trở lại và từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD lớn đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động khoảng 0,3-0,5%/năm. Trên cơ sở đó, lãi suất cho vay của một số TCTD đang có xu hướng giảm khoảng 0,5-1%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Cụ thể: Vietcombank giảm tối đa khoảng 1%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp khởi nghiệp; Agribank công bố lãi suất cho vay chương trình đối với nông nghiệp sạch thấp hơn khoảng 0,5-1,5%/năm so với mức trần 7%/năm; BIDV giảm khoảng 1%/năm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp khởi nghiệp, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 5,5%/năm đối với doanh nhiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung; HDBank giảm lãi suất cho vay tối đa đối với khách hàng cá nhân mới từ 11,5%/năm xuống còn 10,5%/năm; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt giảm từ 1-1,5%/năm đối với 1 số lĩnh vực nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì đã ổn định trở lại, và từ ngày 26/9, một số TCTD lớn đã điều chỉnh giảm từ 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động. Đối với lãi suất cho vay, từ cuối tháng 4/2016, các NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Tại Vietcombank, kể từ 15/10/2016, ngân hàng này chính thức điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể: Các khoản vay ngắn hạn hiện đang áp dụng mức trên 6% thì ngay lập tức sẽ được điều chỉnh xuống còn 6%. Và các khoản cho vay mới cũng được áp dụng tối đa 6%, giảm sâu 1% so với mặt bằng cho vay ngắn hạn cho các lĩnh vực ưu tiên (cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả sử dụng tổng thể sản phẩm dịch vụ của Vietcombank sẽ được xem xét với mức lãi suất cho vay còn 5%. Thời gian áp dụng từ 15/10 đến hết 31/12/2016. Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, trong năm 2017, căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô điều hành của Chính phủ cũng như điều hành CSTT của NHNN, Vietcombank sẽ xem xét áp dụng lãi suất tiền vay nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp, Vietcombank đảm bảo mặt bằng lãi suất tốt nhất đối với các doanh nghiệp. Dự kiến lãi suất cho vay áp dụng với doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ giảm 2%, doanh nghiệp khởi nghiệp vay trong ngắn hạn hiện lãi suất cho vay là 8%, nay điều chỉnh xuống 6% tức là giảm 2% so với mặt bằng vay hiện nay. Ngoài ra, Vietcombank sẽ nghiên cứu về chính sách, cơ chế, quy trình cho vay với doanh nghiệp khởi nghiệp, ví dụ: doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được chấm điểm, xem xét về điều kiện tài sản đảm bảo. “Vấn đề ở đây là phải có cơ chế chính sách tiếp cận vốn cho DN khởi nghiệp. Vì Doanh nghiệp khởi nghiệp rất mới, kinh nghiệm kinh doanh còn mới nên theo chủ trương của chính phủ vừa đảm bảo kiến tạo cho các DN khởi nghiệp vừa đảm bảo hiệu quả của ngân hàng” – Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhấn mạnh.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, trong những tháng cuối năm, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 27/01/2015, Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát. Trong đó tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các TCTD nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát; Tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.