Trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (TCTD), pháp luật hiện hành quy định TCTD được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của TCTD (Điều 91 Luật Các TCTD 2010). Tuy nhiên, để thúc đẩy người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đặc biệt là thanh toán điện tử, thời gian qua, NHNN đã tham mưu ban hành nhiều cơ chế chính sách, trong đó có đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, miễn/giảm phí dịch vụ thanh toán trong giai đoạn đầu để khuyến khích và tạo lập thói quen TTKDTM đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Miễn, giảm hơn 1.000 tỷ đồng tiền phí cho khách hàng
Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, NHNN đã chủ động, tích cực, khẩn trương ban hành các chính sách; chỉ đạo các TCTD, Napas thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, NHNN đã 2 lần thực hiện giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) cho các TCTD. Lần 1: áp dụng từ ngày 1/4-31/12/2020 theo Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020; Lần 2: áp dụng từ ngày 1/1-30/6/2021 theo Thông tư 19/2020/TT-NHNN ngày 30/12/2020. Tổng số phí dịch vụ NHNN giảm cho các TCTD là 471 tỷ đồng (năm 2020 là 281 tỷ đồng và 6 tháng năm 2021 là khoảng 196,27 tỷ đồng). Đồng thời, NHNN đã thực hiện hoàn phí giao dịch cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện giải ngân cho vay theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, trước bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và nhằm thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, NHNN đang xây dựng Thông tư để tiếp tục lần 3 chính sách giảm 50% mức phí TTĐTLNH của NHNN (dự kiến áp dụng đến 30/6/2022). Dự kiến tổng số phí NHNN 6 tháng cuối năm 2021 giảm là 155 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, Napas và các TCTD đã 03 lần thực hiện giảm phí giao dịch thanh toán điện tử cho khách hàng. Lần 1: giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 VND trở xuống), áp dụng từ ngày 25/2/2020 Công văn số 727/NHNN-TT ngày 11/2/2020. Lần 2: điều chỉnh giảm phí dịch vụ đối với phí dịch vụ thanh toán cho các món thanh toán có giá trị từ 500.001-2.000.000VND cho khách hàng và giảm giá sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng với khách hàng, thời gian thực hiện từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020 (Công văn số 1680/NHNN-TT ngày 13/3/2020). Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong năm 2020 cho cả 02 lần giảm phí khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ đồng và lần 2 là 487 tỷ đồng). Lần 3: thực hiện giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử tương đương với mức giảm của NHNN theo Thông tư 19/2020/TT-NHNN, áp dụng từ ngày 1/1-30/6/2021. Công văn số 9499/NHNN-TT ngày 30/12/2020
Ngoài ra, theo chỉ đạo của NHNN, Napas và các TCTD còn thực hiện các chính sách miễn phí dịch vụ thanh toán như: Miễn phí dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương (Công văn số 727/NHNN-TT ngày 11/2/2020); Miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng; Miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị Quyết số 42 và Quyết định số 15/220/QĐ-TTg ngày 24/4/2020, Công văn số 3054/NHNN-TT ngày 28/4/2020.
Từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN đã 2 lần có chỉ đạo tới các TCTD và Napas thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân: (i) thực hiện miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 và nghiên cứu, chỉnh sửa ứng dụng, tạo mã QR cho phép khách hàng dễ dàng nhận biết và thao tác, thực hiện chuyển tiền ủng hộ Quỹ vaccine một cách nhanh chóng, thuận tiện; (ii) có các văn bản chỉ đạo, định hướng đối với Napas về việc tiếp tục giảm phí chuyển mạch năm 2021 và yêu cầu TCTD áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán với thời gian thực hiện tối thiểu từ ngày 1/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Theo đó, chỉ đạo Napas giảm 50% phí dịch vụ cho các giao dịch trên ATM, POS và giảm tối thiểu 75% phí dịch vụ cho các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 so với mức phí đang áp dụng; yêu cầu TCTD điều chỉnh giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua Napas và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng hoặc lớn hơn mức giảm phí mà Napas thực hiện, tiếp tục thực hiện các chính sách miễn phí giao dịch đang áp dụng.
Có thể nói, sự chỉ đạo kịp thời và việc triển khai nhiều chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử trong thời gian qua cho thấy, ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân và tích cực vào cuộc cùng Chính phủ, các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, thúc đẩy thanh toán điện tử.
Thanh toán điện tử tăng trưởng mạnh mẽ
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các NHTM đã triển khai nhiều đợt giảm phí dịch vụ thanh toán. Cùng với chính sách về phí, từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người tiêu dùng cũng hạn chế sử dụng tiền mặt, theo đó, thanh toán điện tử tăng trưởng mạnh mẽ.
Từ ngày 1/8/2021 đến hết 31/12/2021, Vietcombank giảm hàng loạt các loại phí dịch vụ trên toàn bộ các kênh: quầy giao dịch, ATM, ngân hàng số VCB Digibank, VCB_iB@nking và VCB Money cho các tất cả các đối tượng khách hàng.
Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm đến 80% phí chuyển tiền trong cùng hệ thống và 25% phí chuyển tiền ngoài hệ thống Vietcombank; giảm đến 33% phí các gói tài khoản, áp dụng cho các gói tài khoản VCB Eco và VCB Plus; giảm 17% phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống Vietcombank. Đối với khách hàng tổ chức, giảm đến 50% phí chuyển tiền ngoài hệ thống Vietcombank. Với các giao dịch thuộc phạm vi được ưu đãi giảm phí đợt này mà khách hàng thực hiện từ ngày 1/8/2021 đến ngày 3/8/2021, Vietcombank sẽ thực hiện thống kê và hoàn phí cho khách hàng vào tài khoản thanh toán mở tại Vietcombank trong thời gian sớm nhất. Như vậy, trong năm 2021, Vietcombank đã và sẽ giảm hàng trăm tỉ đồng tiền phí cho các khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên khắp cả nước.
Ngoài ra, Vietcombank tiếp tục áp dụng chính sách miễn phí với các giao dịch chuyển tiền đến ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid - 19 với tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước, Vietcombank, các NHTM và các tài khoản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp mở tại địa phương.
Tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, bắt đầu từ ngày 3/8/2021 cũng tiếp tục triển khai chương trình giảm, miễn phí dịch vụ thẻ thanh toán nội địa, phí tin nhắn áp dụng trong toàn hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã điều chỉnh giảm phí giao dịch trên ATM/POS xử lý qua Napas và phí chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng với mức giảm lớn hơn mức giảm phí mà Napas điều chỉnh giảm.
Bên cạnh việc thực hiện chỉ đạo của NHNN, nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán thời gian qua đã áp dụng nhiều chính sách miễn phí giao dịch chuyển tiền thanh toán điện tử (Techcombank, Agribank, MB..) hoặc đưa ra các gói sản phẩm miễn phí (zero fee) có điều kiện (Vietinbank, VCB, BIDV, TPbank, VIB, Seabank, PVCombank, VPBank, UOB, Hongleong,…).
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), trong 6 tháng qua, hầu hết ngân hàng lớn đều có chương trình miễn phí dịch vụ chuyển tiền, 81% thị phần các lệnh chuyển tiền đã được miễn phí. Tổng số phí dịch vụ thanh toán ngành ngân hàng giảm để hỗ trợ khó khăn do dịch Covid trong năm 2021 dự kiến khoảng 1.453 tỷ đồng. Đây là điểm đáng ghi nhận của ngành ngân hàng thời gian qua trong nỗ lực hỗ trợ, chia sẻ với người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các chỉ số TTKDTM cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước như tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,84% về số lượng và tăng 38,76% về giá trị, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 62,5% về số lượng và 32,03% về giá trị, giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng 82,71% về số lượng và 115,11%, giao dịch qua kênh QR code tăng tương ứng 79,93% về số lượng và 164,85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử được xử lý thành công đạt xấp xỉ 802,56 triệu món với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 302,16 nghìn tỷ đồng (tăng lần lượt là 85,38% về số lượng giao dịch và 91,57% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020).