Theo Luật Bảo vệ người gửi tiền, KDIC thực hiện giám sát rủi ro đối với các tổ chức tài chính được bảo hiểm nhằm phát hiện sớm các rủi ro và ngăn ngừa tổ chức tài chính phá sản. Trong quá trình hoạt động, KDIC đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường hiệu quả của hoạt động giám sát rủi ro, từ đó góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng. Trong phạm vi bài viết, tác giả giới thiệu 3 biện pháp chính KDIC thực hiện trong thời gian qua là: Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại; Tăng cường năng lực giám sát rủi ro; Tăng cường thực hiện các cuộc kiểm tra tại chỗ.
Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại
Từ năm 2009, KDIC đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về việc chia sẻ thông tin với các tổ chức liên quan bao gồm Ủy ban Dịch vụ giám sát tài chính (FSS) và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK). MOU được sửa đổi vào năm 2012 và 2019 để làm rõ và mở rộng các thông tin được chia sẻ. Năm 2019, KDIC và FSS thống nhất chia sẻ với nhau kết quả phân tích yếu tố rủi ro của các tổ chức tài chính để làm căn cứ dự báo trường hợp mất khả năng thanh toán định kỳ hàng quý. Thông tin thu được là nguồn dữ liệu chính cho các mô hình giám sát của KDIC. Bằng cách mở rộng và sửa đổi phạm vi chia sẻ thông tin, tính kịp thời và chính xác của thông tin được cải thiện liên tục.
Năm 2017, KDIC nâng cấp hệ thống hồ sơ rủi ro để quản lý và phát hiện kịp thời các tổ chức tài chính được bảo hiểm có vấn đề bằng cách mở rộng kho dữ liệu để theo dõi liên tục; tự động quá trình tạo, quản lý và truy xuất thông tin phân tích; cải thiện khả năng phát hiện bất thường trong dữ liệu tài chính; xây dựng phòng tình huống đa chiều và thiết lập hệ thống phân tích vi dữ liệu dung lượng lớn. Việc cải tiến hệ thống tự động giúp KDIC giám sát liên tục, phân tích rủi ro từ nhiều khía cạnh, mở rộng phạm vi dữ liệu phân tích rủi ro và tiến hành giám sát rủi ro hiệu quả hơn với số lượng nhân sự hạn chế.
Năm 2018, KDIC xây dựng nền tảng thông tin rủi ro tích hợp. KDIC tổ chức đào tạo người dùng hệ thống để nâng cao hiệu quả của công việc phân tích rủi ro. Đến năm 2020, KDIC tiến hành dự án cải thiện hiệu suất của nền tảng thông tin rủi ro tích hợp nhằm tăng cường khả năng tự động hóa phân tích rủi ro và hệ thống giám sát rủi ro dựa trên kỹ thuật số.
Tăng cường năng lực giám sát rủi ro
Năm 2017, KDIC bắt đầu thực hiện phân tích theo chủ đề về các rủi ro chính mà mỗi lĩnh vực tài chính phải đối mặt để phát hiện, xử lý các yếu tố rủi ro nhanh chóng hơn và thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận để chia sẻ các kỹ thuật phân tích và thông tin rủi ro trong toàn tổ chức. KDIC cũng thành lập ủy ban đặc biệt cho từng lĩnh vực tài chính để cải thiện khả năng phát hiện các tổ chức tài chính được bảo hiểm dễ bị tổn thương và giúp hệ thống giám sát rủi ro trở lên đáng tin cậy hơn.
Vào năm 2019, nhằm nâng cao khả năng phân biệt ngân hàng yếu kém với ngân hàng khỏe mạnh của mô hình giám sát rủi ro cũng như bắt kịp với những thay đổi của môi trường, KDIC hợp tác với một nhóm chuyên gia thực hiện cải thiện các chỉ số, bổ sung các chỉ số mới trong mô hình giám sát rủi ro. Sau khi vận hành thử nghiệm vào nửa đầu năm 2020, mô hình mới đã được KDIC sử dụng đầy đủ từ tháng 6/2020. Đồng thời, KDIC phát triển một mô hình giám sát rủi ro cho các tổng công ty nhằm đánh giá các yếu tố rủi ro liên quan đến các tập đoàn tài chính và các tổ chức tài chính đơn lẻ. KDIC đã tiến hành tham vấn chuyên gia để cải thiện mô hình và chính thức thiết lập hệ thống mô hình giám sát rủi ro cho các tổng công ty.
Để tăng cường năng lực giám sát rủi ro, KDIC tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ về hệ thống phân tích rủi ro và tổ chức cuộc hội thảo phân tích chuyên sâu yếu tố rủi ro với các chuyên gia trong lĩnh vực. KDIC còn mời các chuyên gia độc lập với kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng thực hiện đánh giá khách quan về hiệu quả hoạt động giám sát rủi ro của mình và cải thiện năng lực hiện có để đối phó với những thay đổi về môi trường tài chính.
Tăng cường thực hiện các cuộc kiểm tra tại chỗ
Từ kết quả giám sát, KDIC lựa chọn tổ chức tài chính để thực hiện kiểm tra tại chỗ. Theo Điều 21 Luật Bảo vệ người gửi tiền, KDIC thực hiện kiểm tra tại chỗ bằng các cuộc kiểm tra chung với FSS và các cuộc kiểm tra độc lập, thực hiện phỏng vấn các nhà quản lý của các tổ chức tài chính được bảo hiểm khi cần thiết. Khi thực hiện kiểm tra tại chỗ, KDIC tập trung vào các yếu tố rủi ro có khả năng gây ra thiệt hại cho Quỹ BHTG chứ không phải về các vấn đề tuân thủ. KDIC nêu ra các hành động khắc phục và cải tiến nhằm giảm thiểu rủi ro của các tổ chức tài chính được bảo hiểm. Nội dung kiểm tra tại chỗ của KDIC bao gồm: Xác định yếu tố rủi ro của tổ chức tài chính; Phân loại chất lượng tài sản; Đánh giá khả năng quản lý rủi ro; Kiểm tra hoạt động kiểm soát nội bộ.
Năm 2020, KDIC cùng FSS thực hiện kiểm tra các ngân hàng tiết kiệm tiềm ẩn rủi ro tài chính do có nhiều khoản vay được đảm bảo bằng chứng khoán và đã phát hiện các vi phạm về việc cho vay cũng như các vấn đề bất cập của hệ thống kiểm soát nội bộ. KDIC và FSS đã yêu cầu các ngân hàng tiết kiệm này thực hiện các biện pháp khắc phục thích hợp để giảm thiểu rủi ro. Hơn nữa, KDIC đã đề xuất kế hoạch tăng cường quản lý rủi ro đối với các khoản cho vay được đảm bảo bằng chứng khoán thông qua cải tiến hệ thống với FSS và sau đó được áp dụng gồm quy định về giới hạn số tiền cho vay, tỷ lệ bảo đảm tài sản thế chấp, hạn chế tài sản đảm bảo… do đó góp phần chủ động quản lý rủi ro của các khoản cho vay rủi ro cao tại các ngân hàng tiết kiệm.
Đối với các tổ chức tài chính được bảo hiểm được xác định có rủi ro cao, có thể gây tổn thất cho Quỹ BHTG theo kết quả phân tích rủi ro và kiểm tra tại chỗ, KDIC đã cử các quản trị viên, cùng với FSS, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của rủi ro mất khả năng thanh toán tới hệ thống tài chính ngân hàng.
Những gợi ý đối với hoạt động giám sát rủi ro tại Việt Nam
Tại Việt Nam, hoạt động giám sát rủi ro các tổ chức tham gia BHTG của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được quy định tại Điều 13 Luật BHTG. Theo đó, BHTGVN “theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHTG; Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng”. Để có cơ sở dữ liệu cho hoạt động giám sát rủi ro, theo quy định tại khoản 5 Điều 13 và khoản 6 Điều 12 Luật BHTG, BHTGVN được yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm. Ngoài ra, đối với các thông tin báo cáo khác phục vụ cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của BHTGVN như Báo cáo tài chính, Chỉ tiêu và báo cáo thống kê… của tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN được tiếp cận, khai thác từ kho dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) theo quy định tại Điều 34 Luật BHTG, Điều 10 Nghị định 68/2013/NĐ-CP và Thông tư 34/2016/TT-NHNN.
Trong quá trình hoạt động, BHTGVN đã liên tục đổi mới và hoàn thiện hoạt động giám sát, kiểm tra, khai thác hiệu quả thông tin do các tổ chức tham gia BHTG cung cấp và dữ liệu từ NHNNVN, từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất kiến nghị với NHNNVN các vấn đề phát sinh, có thể gây rủi ro, mất an toàn trong toàn hệ thống theo nhiệm vụ được quy định tại Điều 13 Luật BHTG.
Tuy nhiên, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra yêu cầu đối với BHTGVN là: “Tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả bảo hiểm theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.” Như vậy, trong thời gian tới, BHTGVN cần tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát rủi ro để có thể phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG theo yêu cầu của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Từ kinh nghiệm của KDIC, BHTGVN có thể nghiên cứu một số biện pháp sau:
- Đề xuất sửa đổi Thông tư 34/2016/TT-NHNN để mở rộng phạm vi chia sẻ thông tin của NHNN đáp ứng nguồn dữ liệu đầu vào cho hoạt động giám sát rủi ro; Áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời;
- Liên tục cải tiến quy trình giám sát rủi ro, phương pháp giám sát rủi ro, mô hình giám sát rủi ro; Điều chỉnh bộ chỉ tiêu giám sát phù hợp với sự phát triển của thị trường trong từng thời kỳ;
- Tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ về hoạt động giám sát rủi ro và hội thảo phân tích chuyên sâu yếu tố rủi ro với các chuyên gia trong lĩnh vực nhằm nâng cao năng lực cán bộ thực hiện nhiệm vụ giám sát rủi ro;
- Mời các chuyên gia độc lập đánh giá khách quan về hiệu quả hoạt động giám sát rủi ro của BHTGVN, từ đó đề xuất biện pháp cải thiện năng lực giám sát rủi ro để đối phó với những thay đổi về môi trường tài chính;
- Tăng cường kiểm tra tại chỗ các tổ chức tham gia BHTG yếu kém để xác minh rủi ro, từ đó đưa ra những đề xuất khắc phục kịp thời.
Tài liệu tham khảo
Báo cáo thường niên của KDIC các năm 2017, 2018, 2019, 2020.