Tuy nhiên, trong thời gian qua, các quy định của pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND đã có những bất cập, vướng mắc đối với sự phát triển của hệ thống QTDND, tiềm ẩn những rủi ro trong hoạt động tín dụng. Qua nghiên cứu thực tiễn, tác giả xin nêu thực trạng và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế pháp lý góp phần cho hoạt động của QTDND an toàn, hiệu quả.
Thứ nhất, Về tổ chức, nhân sự của QTDND
Năng lực quản lý, điều hành, kiểm soát và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên của quỹ vẫn còn bất cập so với yêu cầu đảm bảo hoạt động hiệu quả và phát triển an toàn, bền vững; chưa cập nhật với sự phát triển công nghệ thông tin như các tổ chức tín dụng khác. Nhiều cán bộ quỹ không đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn. Ngoài ra, do số lượng cán bộ, nhân viên ở các quỹ được đào tạo cơ bản về hoạt động tín dụng, pháp luật còn ít. Việc tự quản lý, kiểm soát chưa được nhiều QTDND thực hiện nghiêm túc. Công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chức năng còn hạn chế, có vi phạm kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại lớn nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Trên thực tế, hầu hết các QTDND bị đổ vỡ do rủi ro đạo đức, cán bộ quản lý quỹ buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cán bộ quỹ thông đồng, cấu kết với nhau làm trái quy định của Nhà nước. Vì vậy, đối với các chức danh quản lý QTDND (giám đốc, phó giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên) cần thiết phải quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn (gồm cả điều kiện về phẩm chất, đạo đức). Bởi đây là những chức danh trực tiếp điều hành và giám sát hoạt động, nếu thiếu nghiệp vụ, rất có thể sẽ dẫn đến hoạt động của QTDND kém hiệu quả.
Thứ hai, Về vốn góp, vốn huy động
Theo thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định về QTDND (Thông tư 04) thì mức vốn góp xác định tư cách thành viên (300 nghìn đồng/người) và phí duy trì thành viên tối thiểu là 100 nghìn đồng/năm/thành viên khiến cho nhiều thành viên xin rút khỏi quỹ vì thực tế họ chủ yếu là nông dân chỉ sản xuất nông nghiệp nên mức phí như vậy đối với họ hơi cao, khó duy trì. Đặc biệt, về huy động vốn phải đạt 50% vốn thành viên (đối với QTDND hoạt động trên địa bàn xã, phường, thị trấn), tối thiểu bằng 60% (đối với QTDND hoạt động liên xã, liên phường) đã hạn chế thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, hạn chế phát triển thành viên, gây khó cho sự phát triển của quỹ vì hầu hết các thành viên họ chủ yếu muốn đầu tư vốn để sản xuất, kinh doanh chứ ít khi có tiền nhàn rỗi để gửi.
Vì vậy, đề nghị NHNN xem xét sửa đổi mức vốn góp thành viên và tỉ lệ huy động vốn tối thiểu cho phù hợp.
Thông tư số 04/2015/TT-NHNN chưa có quy định cụ thể về quy mô vốn, bộ máy tổ chức hoạt động phù hợp đối với từng nhóm QTDND theo quy mô và địa bàn hoạt động vì thực tế hiện nay có QTDND có quy mô đến 500 tỷ, 1000 tỷ; hoạt động trên địa bàn rộng liên xã.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung về danh mục mức vốn pháp định đối với hệ thống QTDND theo hướng quy định riêng đối với từng nhóm QTDND có mức tương đồng về: nguồn vốn, điều kiện kinh doanh… tạo cơ hội cho các QTDND phát huy được lợi thế và đạt được mục tiêu tương trợ giữa các thành viên;
Việc ban hành Thông tư mới nhằm làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân là vấn đề rất cần thiết. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn cuộc sống, những vấn đề phù hợp đã phát huy tác dụng, bên cạnh đó những vấn đề mới nảy sinh làm cản trở sự phát triển cũng như tổ chức và hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân thì các ngành chức năng cần sớm nghiên cứu và sửa đổi cho phù hợp.
Thứ ba, Về Quỹ đảm bảo an toàn
Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 Quy định về Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống QTDND (gọi tắt là Quỹ bảo toàn), có hiệu lực từ ngày 15/3/2014. Quỹ bảo toàn được sử dụng để cho vay hỗ trợ các QTDND khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Thông tư 03 quy định hằng năm các QTDND cơ sở trích nộp về Ngân hàng HTX mức phí 0,08% dư nợ cho vay bình quân của năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12. Các QTDND có trách nhiệm trích nộp phí tham gia đầy đủ, đúng hạn vào Quỹ bảo toàn 1 năm/lần trước ngày 31/1 của năm tiếp theo. Số tiền trích nộp Quỹ bảo toàn được hạch toán vào chi phí, bắt đầu thực hiện từ năm tài chính 2014. Theo Thông tư 03, Ngân hàng HTX có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình hoạt động và tình hình tài chính năm của Quỹ bảo toàn cho các thành viên chậm nhất vào ngày 31/1 hằng năm; đồng thời chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình theo yêu cầu của các thành viên đối với các báo cáo này. Thông tư 03 cũng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thanh tra, giám sát Ngân hàng HTX trong việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn.
Theo kiến nghị của một số QTDND, hiện nay QTDND đồng thời đóng hai khoản phí với hai mục đích khác nhau. Một là, phí bảo hiểm tiền gửi 0,15%. Đây là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Mục đích của việc thu phí bảo hiểm tiền gửi là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền vào QTDND khi QTDND lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản. Hai là, phí đảm bảo an toàn hệ thống. Việc các QTDND nộp phí tham gia vào Quỹ bảo toàn là nhằm mục đích để cho vay hỗ trợ các QTDND khi khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, với quy định trích nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn bằng 0,08% trên tổng dư nợ bình quân hàng năm và được hạch toán vào chi phí hoạt động của QTDND để đóng vào NHHTX quản lý quỹ bảo toàn sẽ làm gia tăng chi phí hoạt động của Quỹ.
Vì vậy, để giảm bớt gánh nặng cho QTDND, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế phù hợp.
Thứ tư, Về cơ chế hỗ trợ đối với các QTDND yếu kém
Hiện nay, QTDND được hỗ trợ về vốn trong các trường hợp: (i) được NH HTX cho vay điều hòa vốn khi có nhu cầu hoặc khó khăn tạm thời về thanh khoản theo điểm b khoản 2, điều 41 Thông tư 31/2012/TT-NHNN ngày 26/11/2012 của NHNN Quy định về NH HTX; (ii) được cho vay hỗ trợ từ Quỹ bảo toàn khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường theo điểm 1 Điều 6 Thông tư 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của NHNN.
Ngoài ra, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 06/2012/TT-NHNN ngày 16/3/2012 quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD, theo đó khi TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, tác động đến sự ổn định của hệ thống các TCTD hoặc TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả do sự cố nghiêm trọng sẽ được NHNN hoặc các TCTD khác cho vay đặc biệt nhằm chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân tại TCTD.
Mặc dù đã có các quy định về việc hỗ trợ QTDND như trên, nhưng trong thực tế khi QTDND có những vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến hoạt động yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ thì việc được vay hỗ trợ là khó khăn, vì NHHTX chỉ cho vay hỗ trợ đối với những QTDND hoạt động bình thường để xử lý khó khăn tạm thời về thanh khoản; Quỹ bảo toàn chỉ cho vay khi QTDND đó được đánh giá có khả năng khắc phục trở lại hoạt động bình thường; Việc vay đặc biệt theo quy định tại Thông tư 06/2012 cũng có những vướng mắc, do Thông tư này là quy định chung đối với các TCTD, chưa có cơ chế đặc thù với QTDND.
Trong khi đó, giai đoạn trước khi Luật BHTG có hiệu lực thi hành, BHTGVN cũng được phép hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia BHTG dưới các hình thức cho vay, bảo lãnh, mua lại nợ. Tuy nhiên hiện nay Luật BHTG không có quy định BHTGVN được thực hiện hỗ trợ tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG.
Để cơ chế hỗ trợ vốn cho các QTDND yếu kém thực sự mang lại hiệu quả, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các QTDND yếu kém trong thời gian tới, đề xuất nghiên cứu cơ chế hỗ trợ vốn phù hợp, hiệu quả cho QTDND, trong đó nên có sự tham gia của BHTGVN- tổ chức có vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển, an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng là cần thiết như Dự thảo Luật tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu mà NHNN đang xin ý kiến.
Thứ năm, Các vấn đề khác liên quan đến hoạt động QTDND
Việc quản lý, nhập, xuất ấn chỉ trắng có giá tại các QTDND thực tế hiện nay cho thấy còn rất tùy tiện, lỏng lẻo; dẫn đến việc cán bộ của QTDND dễ lợi dụng để vi phạm pháp luật. Vì vậy, đề nghị NHNN xem xét, ban hành:
+ Quy chế in ấn, quản lý, theo dõi nhập – xuất ấn chỉ trắng có giá đối với cơ quan, đơn vị được phép in ấn chỉ trắng có giá;
+ Quy chế quản lý, theo dõi nhập – xuất ấn chỉ trắng có giá thống nhất tại các QTDND.
Quy trình, thủ tục thu, chi tiền mặt nói chung; quy trình thu, chi tiền mặt huy động tiền gửi tiết kiệm tại các QTDND hiện tại chưa có Quy chế, quy định thống nhất. Vì vậy cần được NHNN ban hành Quy chế, quy trình thủ tục thu, chi tiền mặt; quy trình thu, chi tiền mặt huy động tiền gửi tiết kiệm thống nhất tại các QTDND;
Quy trình hạch toán, luân chuyển chứng từ, mở sổ kế toán tại QTDND hiện nay chưa thống nhất, chặt chẽ. Vì vậy cần được NHNN ban hành Quy chế hướng dẫn quy trình hạch toán, luân chuyển chứng từ, mở sổ kế toán thống nhất tại các QTDND.
Trên đây là một số giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý, chế độ, chính sách an toàn và các cơ chế khác về QTDND giúp QTDND hoạt động an toàn, phát triển bền vững.