Châu Âu: EFDI công bố Thỏa thuận hợp tác về Cơ chế BHTG
Diễn đàn các tổ chức BHTG châu Âu (EFDI) phối hợp với Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) vừa công bố cơ chế Thỏa thuận hợp tác và Sổ tay quy tắc hỗ trợ nhằm đưa ra các khuyến nghị đối với Cơ chế BHTG Châu Âu (DGS), có hiệu lực từ ngày 08/12/2016.
40 thành viên của EFDI đã có đóng góp quan trọng cho việc hình thành thỏa thuận hợp tác và Sổ tay quy tắc hỗ trợ. Đây là một cột mốc lớn của EFDI trong việc chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm về hỗ trợ bảo vệ người gửi tiền và ổn định tài chính, đồng thời phản ánh tính hiệu quả trong cơ chế phối hợp giữa EU và DGS.
Theo Chỉ thị của EU, cơ chế BHTG được yêu cầu phải hỗ trợ chi trả cho người gửi tiền tại chi nhánh xuyên quốc gia thông qua tổ chức BHTG tại nước chủ nhà. Thỏa thuận trên cũng quy định khung khổ chi trả xuyên biên giới cho người gửi tiền và việc chuyển đổi hình thức hỗ trợ, cho vay giữa các hệ thống BHTG.
Được biết, sau hai năm hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên EFDI, DGS đặt ra một khuôn mẫu, phương pháp để hiện thực hóa các hoạt động hợp tác về nghiệp vụ và kỹ thuật phục vụ công tác chi trả xuyên biên giới - giải quyết các yêu cầu về dữ liệu và quy trình, truyền thông khủng hoảng và tài trợ.
Anh: Đồng Bảng lao dốc hậu Brexit, Ngân hàng TW Anh đề xuất điều chỉnh hạn mức BHTG
Hậu Brexit, giá trị đồng Bảng giảm mạnh gây ảnh hưởng đến giá trị của hạn mức BHTG của Anh (tính theo đồng Euro), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã đề xuất tăng hạn mức BHTG cho các tài khoản tiền gửi ngân hàng từ 75.000 Bảng lên 85.000 Bảng/người gửi tiền (tương đương 104.839 USD hay hơn 101.000 Euro) từ 30/1/2017.
Được biết, trước đó Anh đã tăng hạn mức BHTG lên 85.000 Bảng (xấp xỉ 100.000 Euro) để phù hợp với Chỉ thị của EU về BHTG. Tuy nhiên, từ 1/1/2016, Anh đã điều chỉnh hạn mức xuống mức 75.000 bảng do đồng Bảng tăng giá so với đồng Euro. Việc khôi phục hạn mức BHTG về mức 85.000 Bảng khi đồng tiền này giảm giá trị là một biện pháp điều chỉnh nhằm đảm bảo tính liên tục và nhất quán trong hạn mức BHTG của Anh trong bối cảnh đồng Bảng mất giá mạnh so với đồng Euro.
Mỹ: FDIC phê chuẩn Quy định về hỗ trợ người gửi tiền khi đổ vỡ ngân hàng, công bố Chương trình “Smart money” cho các doanh nghiệp nhỏ
Ngày 15/11/2016, Tổng công ty BHTG Liên bang Mỹ (FDIC) phê chuẩn Quy định về các yêu cầu lưu trữ hồ sơ đối với các tổ chức tham gia BHTG có số lượng lớn tài khoản tiền gửi (nhiều hơn 2 triệu tài khoản). Quy định yêu cầu các tổ chức thành viên duy trì dữ liệu đầy đủ và chính xác về người gửi tiền, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin của mình có khả năng tính toán số tiền bảo hiểm cho người gửi tiền trong vòng 24 giờ kể từ khi tổ chức đó bị tuyên bố đổ vỡ. Đồng thời, quy định này cho phép các tổ chức có 3 năm để xây dựng hệ thống lưu trữ hồ sơ và công nghệ thông tin cần thiết nhằm đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng trong tiếp cận nhanh và chính xác thông tin tài khoản của mình.
Quy định này cũng giúp đảm bảo việc FDIC có khả năng chi trả nhanh tiền bảo hiểm cho người gửi tiền trong trường hợp tổ chức đổ vỡ. Quy định sẽ có hiệu lực vào ngày 1/4/ 2017. FDIC sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cũng như hỗ trợ họ thiết lập hệ thống này trước khi Quy định có hiệu lực.
Trong một diễn biến khác, ngày 16/11/2016, FDIC và Cơ quan Quản lý kinh doanh nhỏ của Mỹ (SBA) công bố những cải tiến mới cho Chương trình “Money Smart” (Đồng tiền thông minh) dành cho doanh nghiệp nhỏ, bao gồm việc hướng dẫn, tư vấn về khởi nghiệp và hỗ trợ quản lý doanh nghiệp hiệu quả.
Đây là chương trình giảng dạy miễn phí trên website của FDIC, được FDIC và SBA xây dựng từ năm 2012. Chương trình bao gồm 13 mô-đun bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Trong lần cải tiến này, 03 mô-đun mới đã được bổ sung, tập trung vào nội dung như: quản lý dòng tiền, lập kế hoạch để doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hỗ trợ người học xác định liệu việc sở hữu doanh nghiệp đã phù hợp chưa. Ngoài ra, chương trình “Train-the-Trainer” (Đào tạo cho giảng viên) được thiết kế để giúp các tổ chức đào tạo giảng viên đứng lớp của các mô-đun. Chương trình đào tạo có thể được giảng dạy theo yêu cầu hoặc độc lập, với thời lượng 60-90 phút. Mỗi mô-đun và chương trình đào tạo cho giáo viên đều có giáo trình hướng dẫn đầy đủ, bao gồm bài tập và bài giảng PowerPoint theo yêu cầu của học viên. Những tính năng và tính linh hoạt trong chương trình “Money Smart” cho doanh nghiệp nhỏ có giá trị quan trọng đối với các nhà khởi nghiệp. Hơn nữa, những cải tiến trên sẽ giúp nghề kinh doanh dễ tiếp cận hơn với mọi người cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu về quản lý tài chính của các doanh nhân.
Philippines: PDIC tư vấn người gửi tiền cách tiết kiệm thông minh
Trong tháng 11, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Philippines (PDIC) đã giới thiệu đến người gửi tiền những thói quen tiết kiệm thông minh nhân sự kiện Triển lãm về Giáo dục tài chính của Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP).
Để là một người tiết kiệm thông minh, PDIC khuyến khích người gửi tiền tìm hiểu thông tin về hoạt động ngân hàng như: thông tin về chủ sở hữu và đội ngũ nhân viên, tình hình tài chính, các sản phẩm của ngân hàng (các loại hình tiết kiệm, kỳ hạn gửi). PDIC lưu ý người gửi tiền cần chắc chắn ngân hàng đó đã đăng ký với BSP và là thành viên của PDIC.
Bên cạnh đó, PDIC khuyến nghị người gửi tiền tìm hiểu các thông tin cần thiết về ngân hàng qua các kênh như: PDIC, BSP, Ủy ban Chứng khoán & Hối đoái, website, báo giấy, tạp chí, các kênh phát thanh và truyền hình.
Một người gửi tiền thông minh nên hiểu rõ nhu cầu của mình để lựa chọn dịch vụ ngân hàng phù hợp, và điều quan trọng là cần tìm hiểu kỹ về các mức phí ngân hàng áp dụng. Các thông tin cá nhân và hồ sơ ngân hàng như sổ tiết kiệm, thẻ ATM, chứng chỉ tiền gửi, séc… cần được duy trì bảo mật mọi lúc và cập nhật thường xuyên. PDIC khuyến cáo người gửi tiền nên thường xuyên kiểm tra sao kê tài khoản.
Người gửi tiền chỉ nên giao dịch tại ngân hàng với nhân viên được ủy quyền và trong quá trình thực hiện giao dịch, cần yêu cầu các nhân viên xuất trình thẻ cán bộ và đảm bảo mỗi giao dịch đều có đầy đủ chứng từ giao dịch xác nhận phiếu gửi tiền/rút tiền đi kèm.
Ngoài ra, mỗi người gửi tiền phải cần hiểu rõ về các loại tiền gửi được bảo hiểm và hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi của PDIC là 500.000 Peso (khoảng 10.314 USD). Cũng theo khuyến nghị của PDIC, lãi suất quá cao thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây là những tư vấn thiết thực, bổ ích của PDIC để giúp người gửi dân đảm bảo tốt nhất lợi ích của mình khi gửi tiền vào ngân hàng.
Một số tin vắn đáng chú ý về hoạt động BHTG trong tháng 11 · Tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) được tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc, Tổng công ty BHTG Kenya (KDIC) được nhận giải thưởng “Tổ chức BHTG của năm 2016” do IADI trao tặng với những thành tựu và đóng góp nổi bật trong lĩnh vực BHTG trong nước và quốc tế. · Cũng tại Hội nghị trên, Quỹ BHTG Kosovo nhận giải thưởng tổ chức tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản và tăng cường hợp tác quốc tế năm 2016 của IADI. Giải thưởng nhằm tôn vinh những nỗ lực của tổ chức tham gia BHTG trong việc tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản về phát triển BHTG hiệu quả thông qua việc đánh giá tuân thủ và sửa đổi cho phù hợp với các nguyên tắc, đồng thời khuyến khích cũng các hoạt động hợp tác quốc tế của các tổ chức thành viên. Tổng công ty BHTG Philippine (PDIC) cảnh báo người gửi tiền và công chúng về việc có những kẻ lừa đảo tự xưng là cán bộ của PDIC hoặc các cơ quan Chính phủ liên quan có thể hỗ trợ cho việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm được nhanh chóng hơn. PDIC khuyến cáo những người gửi tiền của các ngân hàng đóng cửa nên làm việc trực tiếp với các cán bộ của PDIC tại các chi nhánh của các ngân hàng này và tại các địa điểm chi trả tại thời điểm ngân hàng đóng cửa, hoặc tại trụ sở chính của PDIC. |