Trong tháng 6, hệ thống bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trong khu vực và trên thế giới chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách và luật pháp. Việc sửa đổi luật và trao thêm quyền hạn cho tổ chức BHTG, mở rộng chính sách chi trả tiền bảo hiểm và thực tiễn áp dụng cơ chế tự giải cứu (bail-in) là một số diễn biến mới và đáng chú ý.
Chính sách và quy định mới tăng cường năng lực, quyền hạn của tổ chức BHTG
Sửa đổi luật BHTG là một trong những vấn đề được công chúng ở mỗi quốc gia rất quan tâm. Việc sửa đổi luật nhằm trao thêm, tăng cường năng lực hoặc khôi phục quyền hạn cho tổ chức BHTG hay những điều chỉnh về chính sách chi trả để bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chính sách công của tổ chức BHTG.
Philippine: Đạo luật BHTG sửa đổi tăng cường quyền xử lý cho PDIC
Đầu tháng 06/2016, Tổng thống Philippines Benigmo Aquino III ký ban hành Đạo luật số 10846, sửa đổi Luật BHTG, áp dụng đối với Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC). Đạo luật được hoàn thành với sự phối hợp giữa các đại diện cấp cao từ Quốc hội, Ủy ban Thượng viện về Giám sát ngân hàng, tài chính và tiền tệ, Ủy ban Hạ viện về Ngân hàng và các tổ chức tài chính.
Luật BHTG sửa đổi giúp tăng cường quyền hạn của PDIC trong bảo vệ khoảng 50 triệu tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng. Luật sửa đổi cũng trao thêm quyền tự chủ về tài chính, quản trị và quyền hạn xử lý các ngân hàng có vấn đề khi vẫn đang hoạt động.
Đây là một nỗ lực của nước này nhằm hướng tới tuân thủ các thông lệ quốc tế, cụ thể là Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả. Tổng Giám đốc PDIC, Bà Cristina Q. Orberta nhận định, việc sửa đổi Luật sẽ giúp PDIC bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, phát hiện sớm rủi ro của các ngân hàng có vấn đề và tăng cường vai trò của PDIC trong ổn định tài chính và quản lý hiệu quả Quỹ BHTG.
Theo Luật sửa đổi, người gửi tiền sẽ nhanh chóng nhận được tiền chi trả khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng vì PDIC có thể thực hiện chi trả mà chưa cần trừ luôn nợ của người gửi tiền tại ngân hàng bị đóng cửa tại thời điểm chi trả. PDIC đảm bảo chi trả kịp thời cho người gửi tiền căn cứ trên chứng từ tiền gửi chứ không chỉ theo hồ sơ của ngân hàng bị đóng cửa.
Để bảo vệ người gửi tiền tại các ngân hàng yếu kém, Luật khôi phục quyền hạn của PDIC về chấm dứt BHTG đối với các ngân hàng này. Trường hợp bất khả kháng phải đóng cửa ngân hàng, Luật giúp tăng khả năng thu hồi nợ tại các ngân hàng bị đóng cửa của các chủ nợ thông qua ngăn chặn sự hao hụt tài sản trong quá trình từ thời điểm đóng cửa đến khi thanh lý. Đặc biệt, Đạo luật sửa đổi bỏ qua giai đoạn 90 ngày PDIC tiếp quản và chuyển sang thanh lý ngân hàng đổ vỡ.
Việc Ủy ban tiền tệ cho phép PDIC chuyển nhượng tài sản cho các chủ nợ, được mua tài sản và tiếp nhận nợ như một phương thức thanh lý, đồng thời nghiêm cấm tái mở ngân hàng đóng cửa sẽ giúp nâng cao tỷ lệ thu hồi nợ của các chủ nợ tại các ngân hàng này. Luật sửa đổi sẽ giúp tăng cường khung khổ pháp lý và năng lực quản trị của PDIC theo chuẩn quốc tế.
Thụy Điển: Sửa đổi Luật BHTG nhằm bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền
Kể từ ngày 1/7/2016, Luật BHTG của Thụy Điển sẽ có những thay đổi quan trọng theo hướng tuân thủ Chỉ thị sửa đổi của EU nhằm hài hòa và tăng cường bảo vệ người gửi tiền. Những thay đổi bao gồm: i) Nâng hạn mức bảo hiểm từ 100.000 Euro lên mức 950.000 Kronor (tương đương 102.911 Euro); ii) Thiết lập hạn mức bảo hiểm tại các chi nhánh tổ chức nhận tiền gửi của Thụy Điển ở các nước khác như Iceland, Liechtensten, và Nauy bằng với hạn mức ở quốc gia nơi các chi nhánh này hoạt động; iii) Cho phép chi trả cho người gửi tiền lên tối đa 5 triệu kronor (hơn 500.000 USD) cho các tài khoản tạm thời có số dư cao có gắn với các giao dịch bất động sản; iv) Giảm thời gian chi trả bảo hiểm từ 20 xuống 7 ngày làm việc; và v) Minh bạch thông tin cung cấp cho khách hàng. Đối với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác áp dụng cơ chế BHTG, thay đổi cơ bản là áp dụng phương pháp tính phí theo rủi ro.
Những thay đổi trong chính sách BHTG tại Thụy Điển là thiết thực và cần thiết, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người gửi tiền. Thời gian chi trả giảm xuống 7 ngày, trách nhiệm giải trình thông tin cho người gửi tiền một cách công khai minh bạch và việc mở rộng chính sách chi trả áp dụng cho cả những tài khoản thanh toán/ không kỳ hạn có số dư cao gắn với các giao dịch bất động sản hứa hẹn sẽ củng cố vị thế của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, gia tăng niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng nước này.
Cơ chế giải cứu “bail-in”: Đề xuất, thực tiễn áp dụng và xu hướng mới
Trường hợp của Canada:
Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) vừa chính thức áp dụng đạo luật về phương thức cứu trợ “bail-in” (tạm dịch là “tự giải cứu”) trong đó nhà đầu tư và chủ nợ của các ngân hàng tự góp vốn/ huy động vốn để bù đắp các khoản thua lỗ của mình.
Cơ chế này là một công cụ quan trọng cho phép CDIC đảm bảo rằng các tổ chức đổ vỡ vẫn phải phục vụ người dân, trong khi tổn thất sẽ do các cổ đông và nhà đầu tư liên quan chịu. Bên cạnh đó, CDIC chịu trách nhiệm xử lý đổ vỡ các tổ chức thành viên từ nhỏ nhất đến lớn nhất để bảo vệ tiền gửi. CDIC được trao nhiều quyền hạn trong xử lý ngân hàng như yêu cầu sửa chữa sai sót, cấm tiến hành một số hoạt động, hỗ trợ ngân hàng mở và quản trị hoạt động xử lý tổ chức thành viên bị đổ vỡ.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, nhờ cơ chế giám sát ngân hàng chặt chẽ và hiệu quả, Canada không phải dùng đến “bail-in”. Và dù Canada không có tổ chức lớn đổ vỡ, cơ chế “bail-in”được xem như hình thức lập kế hoạch dự phòng để ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai bằng những quy định cụ thể trong luật.
Trường hợp của Indonesia:
Quay lại cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998, Indonesia đã từng phải vay nợ từ IMF để cứu trợ hệ thống ngân hàng. Đổi lại, họ đã phải chấp nhận điều khoản rất ngặt nghèo do IMF đặt ra, dẫn đến những xáo trộn trong xã hội do chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Để ngăn chặn điều này, Chính phủ Indonesia đã ban hành hẳn một đạo luật về quản trị khủng hoảng tài chính, trong đó cấm sử dụng vốn ngân sách nhà nước để ổn định hệ thống ngân hàng.
Vào tháng 3 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã ngừng việc cứu trợ ngân hàng từ nguồn vốn ngân sách (bail-out) khi gặp vấn đề về tài chính, thay vào đó là yêu cầu các ngân hàng sử dụng tài sản riêng của mình hoặc của các cổ đông để hỗ trợ vốn theo Luật về quản trị khủng hoảng tài chính. Trong trường hợp tài sản không đủ để trợ giúp cho ngân hàng gặp khó khăn, Tổng công ty BHTG Indonesia có thể hỗ trợ tài chính cho ngân hàng gặp khó khăn. Luật mới cho thấy chính quyền cấm sử dụng vốn ngân sách quốc gia cho ổn định ngân hàng.
Trường hợp Nhật Bản:
Luật BHTG sửa đổi năm 2011 của Nhật Bản đã thông qua việc cơ quan chức năng cưỡng chế miễn giảm nợ hay chuyển thành cổ phiếu thông thường đối với trái phiếu thứ cấp, cổ phiếu ưu tiên, nợ thứ cấp - khoản nợ được quy định có thể chuyển thành cổ phiếu thông thường nhờ hợp đồng - có thể yêu cầu chủ nợ của các loại nợ và cổ phiếu đó gánh chịu các khoản lỗ phát sinh trong quá trình xử lý phá sản. Đây xem như một động thái chuyển sang cơ chế “bail-in”.
Có thể thấy, xu hướng đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng là việc chuyển từ cơ chế các tổ chức tài chính đổ vỡ nhận hỗ trợ từ ngân sách chính phủ, tức là từ tiền thuế của người dân sang cơ chế các nhà đầu tư, cổ đông của các tổ chức tài chính đó tự góp vốn, hay bằng cách nào bù đắp thua lỗ. Xu hướng này giúp hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, hạn chế rủi ro đạo đức do ngân hàng không nâng cao khả năng quản trị rủi ro và các nhà đầu tư không hành động cẩn trọng. Đây là thời điểm để các quốc gia có thêm nghiên cứu và áp dụng phù hợp hình thức “bail-in” theo điều kiện của nước mình.
|
IADI chào đón hai thành viên mới, Brazil và Iran
Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) có thành viên thứ 81 và 82 là Quỹ BHTG Brazil (Cooperative Credit Guarantee Fund – FGC) và Quỹ BHTG Iran (Iran Deposit Guarantee Fund - IDGF).
* FGC được thành lập năm 1995 và trực thuộc Hiệp hội tiền tệ quốc gia (CMN) là một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân. FGC có nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền tại các tổ chức tài chính tại Brazil đối với các loại tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có/ không có giấy chứng nhận, hối phiếu… Hạn mức BHTG hiện khoảng 74.787 USD.
* Quỹ BHTG Iran (Iran Deposit Guarantee Fund - IDGF) được thành lập năm 2015 dưới hình thức tổ chức phi chính phủ hoạt động dưới mục đích chi trả tiền gửi khi các tổ chức tài chính đổ vỡ. IDGF bảo vệ toàn bộ người gửi tiền bằng đồng nội tệ hoặc ngoại tệ tại tất cả các tổ chức tài chính tại Iran với hạn mức chi trả tối đa khoảng 32.600 USD.
Hội nghị thường niên APRC 14 và Hội thảo quốc tế về nâng cao nhận thức BHTG
IADI phối hợp với PDIC tổ chức Hội nghị thường niên của Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương (APRC) lần thứ 14 và Hội thảo quốc tế với chủ đề “Nâng cao nhận thức công chúng về BHTG” từ ngày 15-17/6/2016 tại thành phố Iloilo, Philiipines.
Hội thảo diễn ra với mục đích trao đổi thông tin, tầm nhìn, phương thức thực hiện và các kiến thức khác về thông tin truyền thông đối với các chương trình nâng cao nhận thức công chúng có hiệu quả phù hợp với các nguyên tắc cốt lõi của IADI.
Hội thảo khuyến khích các tổ chức BHTG trao đổi kinh nghiệm, thách thức và bài học kinh nghiệm trong việc phát triển và thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức công chúng hiệu quả. Các nước thành viên APRC giới thiệu các công cụ và các chương trình nâng cao nhận thức công chúng tại triển lãm. Đặc biệt, hội thảo quốc tế trùng với Tuần lễ nâng cao nhận thức và bảo vệ người gửi tiền lần thứ 14 (DPAW) của Philippines từ ngày 16-22/6/2016. DPAW năm nay có chủ đề “Được thông báo, được bảo vệ và hãy là người gửi tiền thông minh".
Tin vắn BHTG
Mỹ: Cơ quan quản lý đồng ý gia hạn nộp Kế hoạch dự phòng xử lý
Cục dự trữ Liên bang (Fed) và Tổng công ty BHTG Liên bang Mỹ (FDIC) vừa đồng ý kéo dài thời gian nộp Kế hoạch dự phòng xử lý đổ vỡ của 4 tổ chức ngân hàng nước ngoài (FBOs) bao gồm Barclays PLC, Tập đoàn tài chính Credit Suisse, Deutsche Bank AG và UBS thêm 1 năm đến trước ngày 1/7/2017.
FDIC chi 190 triệu USD để bồi thường cho các tài sản nợ thế chấp bằng nhà
Trong vai trò cơ quan tiếp nhận 5 ngân hàng đổ vỡ bao gồm Colonial Bank of Montgomery, Franklin Bank, Guaranty Bank of Austin, Security Savings Bank of Henderson, và Strategic Capital Bank of Champaign trong giao đoạn 2008-2009, FDIC vừa bỏ ra 190 triệu USD để chi trả cho các yêu cầu bồi thường của khách hàng đối với các tài sản nợ có thế chấp bằng nhà được chính các ngân hàng đổ vỡ nói trên mua trước đây. Số tiền 190 triệu USD sẽ được phân bổ cho các quỹ tiếp nhận, xử lý các ngân hàng đổ vỡ.
Bulgaria: Quốc hội chấp thuận khoản vay 685 triệu USD cho Quỹ BHTG
Quốc hội Bulgaria đã thông qua hai khoản vay mới trị giá tổng cộng 1,2 tỷ BGN (khoảng 685 triệu USD) nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của Quỹ BHTG (BDIF). Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) sẽ cho vay thêm tổng cộng 343 triệu USD. Các khoản vay này sẽ bổ sung khả năng dự trữ của Quỹ BHTG vốn đã bị cạn kiệt đáng kể sau khi Quỹ này chi trả cho các yêu cầu bồi thường của khách hàng tại Ngân hàng thương mại KTB bị phá sản vào năm 2014.
Sự kiện chính về BHTG quốc tế đã và sắp diễn ra
Ngày 1/6
|
IADI chào đón Đối tác thứ 14, Nhóm tư vấn hỗ trợ các nước nghèo (The Consultative Group to Assist the Poor (CGAP) |
Ngày 6/6 |
IADI tham vấn ý kiến cộng đồng quốc tế về Kế hoạch nghiên cứu “Mục tiêu chính sách công đối với các hệ thống BHTG” |
30/6-2/7 |
Hội nghị thường niên Ủy ban khu vực Á-Âu của IADI (EARC) và Hội thảo tại Bishkek, Kyrgyzstan |
Ngày 15-17/8 |
Hội thảo kỹ thuật Ủy ban Khu vực Châu Á-TBD của IADI (APRC) về Cải thiện phục hồi tài sản tại Ulaanbaatar, Mông Cổ |
Ngày 1-3/9 |
Hội nghị thường niên Ủy ban khu vực Châu Phi của IADI dự kiến được tổ chức tại Tanzania |