Quy chế tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004, được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25/9/2006 (Quyết định số 47) quy định cụ thể, chi tiết quy trình, thủ tục nhận/chi trả tiền gửi tiết kiệm và các quy định có liên quan, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm của TCTD an toàn, chính xác. Cơ quan quản lý cũng thường xuyên nghiên cứu, rà soát lại các quy định liên quan đến tiền gửi để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.
Người gửi tiền khi giao dịch tại các TCTD cần nắm rõ thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm lần đầu. Cụ thể, Điểm a, Khoản 1, Điều 8 Quyết định số 47 sửa đổi, bổ sung như sau:
“Người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và xuất trình các giấy tờ sau:
- Đối với người gửi tiền là cá nhân Việt Nam phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực. Đối với người gửi tiền là cá nhân nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu được cấp thị thực còn thời hạn hiệu lực; nếu người gửi tiền đó nhập cảnh được miễn thị thực theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, thì xuất trình hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực.
- Đối với người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, ngoài việc xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực, phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tư cách của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Đối với cá nhân từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi nhưng có tài sản riêng, ngoài việc xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực phải xuất trình giấy tờ để chứng minh số tiền gửi ngân hàng là tài sản riêng của mình như giấy tờ về thừa kế, cho, tặng, hoặc các giấy tờ khác chứng minh số tiền gửi vào ngân hàng là tài sản của mình”.
Ngoài ra, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8 cũng quy định: Người gửi tiền đăng ký chữ ký mẫu lưu tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Trường hợp người gửi tiền không thể viết được dưới bất kỳ hình thức nào thì tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm hướng dẫn cho người gửi tiền đăng ký mã số hoặc ký hiệu đặc biệt thay cho chữ ký mẫu.
Về rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 15 Quyết định số 47 sửa đổi, bổ sung như sau:
"c. Đối với cá nhân Việt Nam phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực. Đối với người gửi tiền là cá nhân nước ngoài, phải xuất trình hộ chiếu được cấp thị thực còn thời hạn hiệu lực; nếu người gửi tiền đó nhập cảnh được miễn thị thực theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, thì xuất trình hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực".
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong giao dịch tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD, trong những năm qua, bên cạnh Quy chế tiền gửi tiết kiệm, NHNN đã tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng nói chung và giao dịch tiền gửi tiết kiệm nói riêng. Hàng năm, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị yêu cầu các TCTD tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính. Bên cạnh đó, NHNN tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai một số nội dung về công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; Ban hành công văn yêu cầu các TCTD tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo của NHNN liên quan đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch.
Để đảm bảo an toàn các giao dịch tiền gửi, các chuyên gia ngân hàng khuyến nghị người dân khi thực hiện giao dịch tại các ngân hàng cần thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục theo quy định của ngân hàng; đặc biệt là các giao dịch gửi tiền, rút tiền thực hiện trực tiếp tại trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng (không thực hiện giao dịch nằm ngoài các địa điểm trên); thường xuyên theo dõi, kiểm tra số dư các tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cũng như kịp thời thông báo đến bộ phận liên quan của ngân hàng, các đơn vị chức năng liên quan của các cơ quan nhà nước khi phát hiện các sự việc, dấu hiệu bất thường… để kịp thời xử lý và ngăn chặn các hành vi lợi dụng, làm giả chữ ký, con dấu để rút tiền chiếm đoạt tiền, tài sản gửi tại ngân hàng.
Với trình độ công nghệ thông tin hiện nay đa số ngân hàng đều sử dụng dịch vụ SMS, mỗi lần chuyển tiền thanh toán hay gửi tiền thì hệ thống SMS sẽ câp nhật trên hệ thống thanh toán đó. Do đó, để quan lý tiền trong tài khoản mình, người dân nên sử dụng dịch vụ này. Hoặc người dân cũng có thể sử dụng internet banking nếu thường xuyên làm việc trên máy tính. Ngoài ra, có thể yêu cầu ngân hàng gửi sao kê tài khoản, nhìn vào đó có thể biết ngay trong 1 tháng vừa qua cái nào đúng là mình giao dịch. Thông thường, các ngân hàng sẽ gửi sao kê qua email.
Trong thực tiễn, có một số trường hợp người gửi tiền bị mất hay thất lạc sổ tiết kiệm và lo lắng không hiểu có mất tiền hay không và họ phải làm gì khi mất sổ. Luật sư Chu Mạnh Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội, trưởng VP Luật sư Danh Chính cho biết, theo quy định của pháp luật, mất sổ tiết kiệm không đồng nghĩa với mất tiền. Trong trường hợp này, theo quy định tại quy chế về gửi tiền tiết kiệm thì có quy định về trách nhiệm của người gửi tiền.
Cụ thể là: Thông báo kịp thời về việc mất sổ tiết kiệm cho tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm khi phát hiện bị mất để tránh bị lợi dụng làm tổn thất tài sản; Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do không khai báo kịp thời việc mất sổ tiết kiệm với tổ chức nhận tiền tiết kiệm.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp bị mất sổ tiết kiệm thì người gửi tiền cần liên hệ ngay với ngân hàng nơi gửi tiền để thông báo việc mất sổ. Trong trường hợp ở xa, có thể thông báo bằng điện thoại, nhưng sau đó phải trực tiếp đến ngân hang để thông báo và làm các thủ tục cần thiết.
Mỗi ngân hàng sẽ có những quy định riêng liên quan đến việc giải quyết các tường hợp mất sổ tiết kiệm, ví dụ như có thể tạm thời phong tỏa tài khoản tiết kiệm, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai… Sau một thời gian, nếu xác định việc khách hàng mất sổ là đúng sự thực và không có liên quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của người nào khác thì sau một thời gian nhất định, ngân hàng sẽ cấp lại sổ mới cho người gửi tiết kiệm.
Ngày 23/02/2018, Thống đốc NHNN đã có văn bản số 1126/NHNN-TTGSNH gửi toàn hệ thống yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại TCTD; Yêu cầu các TCTD thực hiện một số nội dung: (i) chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo của NHNN liên quan đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch; (ii) rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; (iii) phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị của TCTD, các cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ, nhân viên của TCTD; (iv) đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; (v) tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với TCTD. Thực hiện tốt công tác truyền thông để khách hàng nắm, tuân thủ các quy định, quy trình, bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch tại TCTD đúng quy định; (vi) tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của TCTD; (vii) kịp thời báo cáo NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc sai phạm, các vi phạm quy định của pháp luật; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.