Thời điểm đó, Chính phủ đã quy định việc bảo hiểm trách nhiệm của quỹ tín dụng nhân dân đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn đã được ban hành (Quyết định 101/TCQĐ-BH ngày 1/2/1994 của Bộ Tài chính), Bảo Việt là đơn vị triển khai nghiệp vụ này. Tuy nhiên hoạt động của Bảo Việt thể hiện một số hạn chế như: số lượng quỹ tín dụng nhân dân tham gia ít, các tổ chức nhận tiền gửi khác quỹ tín dụng không tham gia, thiếu tính chuyên nghiệp và không theo thông lệ quốc nên không hiệu quả.
Đứng trước thực trạng đó Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/1999/QĐ-TTG ngày 9/11/1999 thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức duy nhất thực hiện chính sách BHTG tại Việt Nam, là công cụ tài chính được Chính phủ sử dụng để thay mặt Chính phủ bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. BHTGVN ra đời đã luôn tích cực triển khai các hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, nâng cao kỷ cương thị trường; qua đó giúp củng cố niềm tin của người dân, khiến họ yên tâm khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng để phục vụ phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Luật BHTG ra đời càng khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong việc bảo vệ người gửi tiền đồng thời nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Bảo vệ người gửi tiền để đảm bảo cân bằng giữa phát triển và quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân. Bên cạnh đó việc xây dựng niềm tin, củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng đó là trách nhiệm, yêu cầu quan trọng mà Chính phủ, NHNN đặt ra cho BHTGVN.
Để góp phần củng cố hơn nữa niềm tin người gửi tiền vào chính sách BHTG và hệ thống tài chính - ngân hàng, bài viết xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Tăng cường hiệu quả nghiệp vụ kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tham gia BHTG
Trong bối cảnh tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt như hiện nay; việc BHTGVN được tham gia sâu vào quá trình này cũng giúp BHTGVN triển khai hiệu quả hơn các hoạt động nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát; qua đó đưa ra những cảnh báo kịp thời đối với các tổ chức tham gia BHTG có dấu hiệu vi phạm quy định về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng, từ đó báo cáo NHNN để có phương án xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, việc gửi cảnh báo đến các tổ chức tín dụng có vấn đề sẽ giúp các đơn vị có những hành động điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền tại các tổ chức này.
Đảm bảo công tác chi trả kịp thời, hiệu quả cho người gửi tiền khi xảy ra sự cố
Có thể nói, chi trả tiền gửi là biện pháp cuối cùng mà BHTGVN tiến hành để bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo sự phát triển an toàn lành mạnh hệ thống. Sau khi chi trả, BHTGVN trở thành chủ nợ của tổ chức tín dụng đó, được phân chia giá trị tài sản theo thứ tự thanh toán như đối với người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị giải thể, phá sản. Bên cạnh đó, BHTGVN được quyền tham gia vào quá trình quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, việc đảm bảo công tác chi trả kịp thời, hiệu quả cho người gửi tiền khi xảy ra sự cố tại các tổ chức tham gia BHTG sẽ giúp củng cố niềm tin của người gửi tiền, giúp họ an tâm và tin tưởng hơn vào chính sách BHTG, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách BHTG, giúp người dân tiếp cận và đến gần hơn với chính sách BHTG, không có phản ứng tiêu cực khi xảy ra những tin đồn thất thiệt đe dọa an toàn hệ thống.
Đẩy mạnh phổ biến kiến thức tài chính, cung cấp thông tin cho người gửi tiền
Tuyên truyền chính sách BHTG là một nghiệp vụ quan trọng trong hoạt động của BHTGVN và được quy định tại Luật BHTG. Để đưa chính sách BHTG đi vào cuộc sống, BHTGVN cần tập trung vào một số nội dung: nâng cao nhận thức về chính sách BHTG và tổ chức BHTG. Triển khai hiệu quả các nội dung này sẽ giúp củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính - ngân hàng, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển thông qua hiệu quả của công tác huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư.
Để đạt được mục tiêu trên, BHTGVN cần xác định đối tượng của công tác tuyên truyền là cộng đồng, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn và miền núi, nơi ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin tài chính. Một kênh thông tin nữa có thể tiếp cận và mang lại hiệu quả mạnh mẽ đó là các Trường Đại học, Cao đẳng, đặc biệt là các Khoa Kinh tế - Ngân hàng. Các thế hệ tương lai này có cái nhìn đúng đắn, tích cực về tổ chức BHTG; từ đó có thể giới thiệu đến gia đình và người thân có ít điều kiện tiếp xúc hơn với kiến thức tài chính - ngân hàng. Các tài liệu giáo dục tài chính phải dễ dàng tiếp cận được với cộng đồng, bằng nhiều hình thức, định dạng khác nhau và được cung cấp miễn phí. Các tài liệu về kiến thức tài chính có thể để tại các địa điểm công cộng và các điểm giao dịch của các tổ chức tham gia BHTG, các điểm mua sắm như siêu thị, trung tâm thương mại, các khu vực sinh hoạt chung ở các chung cư... để người dân có thể cập nhật kiến thức dễ dàng.
Đa dạng hóa các chương trình truyền thông
Chiến lược truyền thông của BHTGVN giai đoạn 2015-2020 được xây dựng, phù hợp với chiến lược phát triển chung của ngành ngân hàng. Hiện nay, các thông tin về cơ chế BHTG, tổ chức BHTG được chuyển tải đến công chúng thông qua các ấn phẩm như Bản tin BHTG, website của BHTGVN cũng là một kênh truyền thông quan trọng được cập nhật thông tin chính xác, kịp thời hàng ngày đến công chúng. Bên cạnh đó, chính sách BHTG cũng đến với công chúng thông qua các kênh như: báo, đài, truyền hình với các chuyên mục phóng sự, tài liệu, hỏi đáp,... Tại các Chi nhánh BHTGVN trong hệ thống, các hoạt động tuyên truyền như Hội nghị khách hàng, tọa đàm ở các Trường Đại học. các Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội nông dân.. cũng mang lại hiệu quả truyền thông rõ rệt.
Để nâng cao hiệu quả truyền thông trong thời gian tới, việc xây dựng thêm một số kênh tuyên truyền chính sách và về tổ chức BHTGVN cần được triển khai đa dạng hơn, cụ thể là trên các sóng phát thanh (radio), trên các phương tiện công cộng (xe buýt) và truyền thông online để tăng số lượng công chúng có thể tiếp cận với chính sách BHTG cũng như hình ảnh của BHTGVN. Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn cho các cán bộ tại các tổ chức tham gia BHTG hiểu đủ, hiểu đúng. Đây thực sự là những “tuyên truyền viên” gần gũi và có tác dụng nhất đối với người gửi tiền tại đơn vị, có thể ổn định tâm lý người gửi tiền, giảm thiểu tác động của những thông tin tiêu cực. Những hoạt động được thực hiện thường xuyên sẽ giúp người dân tạo thành thói quen ứng xử phù hợp khi có những tin đồn thất thiệt trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.
Thu thập ý kiến công chúng
Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức công chúng, BHTGVN đã thực hiện khảo sát ý kiến công chúng định kỳ để thu thập các thông tin, sử dụng làm cơ sở khi đề nghị, áp dụng bất kỳ sự thay đổi về chính sách tài chính. Thường xuyên thực hiện và đánh giá nhận thức của công chúng và thu thập các ý kiến cộng đồng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, có thể giúp điều chỉnh những chiến lược truyền thông và có thể thu được nhiều sáng kiến ứng dụng mang lại hiệu quả với chi phí thấp nhất.