Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. Trên cơ sở đó, quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật như Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Đây chính là những cơ sở pháp lý cần thiết để công dân thực hiện tốt quyền làm chủ và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước đồng thời cũng qua đó phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thể hiện đúng bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thực tiễn hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có nhận được đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và quá trình giải quyết đơn thư được kịp thời, chính xác, khách quan và thống nhất trong toàn hệ thống BHTGVN, ngày 29/11/2016, Hội đồng quản trị BHTGVN đã có Quyết định số 934/QĐ-BHTG ban hành Quy chế giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Quy chế quy định cụ thể, đơn giản về trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền và quy định về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân thuộc BHTGVN trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Quy chế này quy định về tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi hoạt động của BHTGVN; quản lý công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và chế độ thông tin báo cáo.
Quy chế này có một số nội dung cơ bản như sau:
Nội dung cơ bản thứ nhất: Về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn
Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện bằng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc trực tiếp (Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trực tiếp thì người tiếp nhận đơn hướng dẫn người đó viết đơn hoặc ghi lại bằng văn bản và ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản).
Đơn tiếp nhận từ các nguồn và được chuyển đến Bộ phận tiếp nhận và xử lý đơn tại BHTGVN hoặc tại Chi nhánh.
Bộ phận tiếp nhận và xử lý đơn tại BHTGVN là Phòng Kiểm soát nội bộ. Người tiếp nhận đơn là nhân viên của Phòng Kiểm soát nội bộ. Người xử lý đơn tại BHTGVN là Trưởng Phòng Kiểm soát nội bộ.
Bộ phận tiếp nhận và xử lý đơn tại Chi nhánh là Phòng Tổng hợp. Người tiếp nhận đơn tại Chi nhánh là nhân viên của Phòng Tổng hợp. Người xử lý đơn tại Chi nhánh là Trưởng Phòng Tổng hợp.
Bộ phận tiếp nhận và xử lý đơn có nhiệm vụ tiếp nhận đơn, vào sổ; phân loại, xử lý đơn, đề xuất người có thẩm quyền giải quyết đơn thụ lý hoặc chuyển đơn hoặc trả lại đơn hoặc hướng dẫn; quản lý, mở sổ theo dõi, báo cáo kết quả về công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các nhiệm vụ khác theo quy định của Quy chế này.
Trách nhiệm của Bộ phận tiếp nhận và xử lý đơn: Tham mưu với người có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi hoạt động của BHTGVN và Chi nhánh BHTGVN.
Nội dung cơ bản thứ hai: Về thẩm quyền giải quyết
Trong Quy chế có ba loại thẩm quyền giải quyết: Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, thẩm quyền giải quyết tố cáo và thẩm quyền giải quyết kiến nghị, phản ánh.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 13 Quy chế, theo đó phân ra hai trường hợp:
Thứ nhất, Khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm tiền gửi
Theo quy định tại Điều 36 Luật BHTG năm 2012: BHTGVN chỉ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về BHTG. Do đó, Quy chế quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về BHTG thuộc Hội đồng quản trị BHTGVN (không phân cấp cho Tổng giám đốc, Giám đốc Chi nhánh BHTGVN).
Thứ hai, Khiếu nại đối với quyết định, hành vi không về bảo hiểm tiền gửi
Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, đối với khiếu nại về các vấn đề khác không phải về bảo hiểm tiền gửi (như khiếu nại về quyết định về lương, thưởng, kỷ luật người lao động…) thì BHTGVN có thẩm quyền giải quyết lần một và lần hai tất cả các đơn khiếu nại có liên quan đến BHTGVN. Do đó Quy chế phân cấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại thành 3 cấp gồm Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc Chi nhánh BHTGVN (trong đó chỉ có HĐQT có thẩm quyền giải quyết lần 2); cụ thể:
- Hội đồng quản trị BHTGVN: Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi không về bảo hiểm tiền gửi của Hội đồng quản trị BHTGVN, của thành viên Hội đồng quản trị (trừ Tổng giám đốc), của người lao động tại trụ sở chính thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Hội đồng quản trị BHTGVN, của người lao động thuộc bộ máy giúp việc Hội đồng quản trị BHTGVN; Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi không về bảo hiểm tiền gửi mà Giám đốc Chi nhánh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
- Tổng giám đốc BHTGVN giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi không về bảo hiểm tiền gửi của mình, của Phó Tổng giám đốc, của người lao động tại Trụ sở chính BHTGVN (trừ người lao động theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này).
- Giám đốc Chi nhánh BHTGVN giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi không về bảo hiểm tiền gửi của mình, của người lao động tại Chi nhánh mình.
Thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 24 Quy chế, gồm 3 cấp, cụ thể:
- Hội đồng quản trị BHTGVN giải quyết tố cáo mà Giám đốc Chi nhánh không giải quyết (đã quá thời hạn giải quyết) hoặc đã giải quyết nhưng người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng pháp luật; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người lao động thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Hội đồng quản trị BHTGVN, của người lao động thuộc bộ máy giúp việc Hội đồng quản trị BHTGVN.
- Tổng Giám đốc BHTGVN giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người lao động thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của mình, của người lao động tại Trụ sở chính (trừ tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐQT).
- Giám đốc Chi nhánh giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người lao động tại Chi nhánh mình (trừ tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐQT, TGĐ).
Thẩm quyền giải quyết kiến nghị, phản ánh được quy định tại Điều 30 Quy chế:
Theo đó, Hội đồng quản trị BHTGVN có thẩm quyền giải quyết kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động của BHTGVN.
Nội dung cơ bản thứ ba: Về Quy trình giải quyết đơn
Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra quyết định thụ lý và giao việc giải quyết đơn khiếu nại cho đơn vị có liên quan trực tiếp đến nội dung đơn khiếu nại (gọi là đơn vị giải quyết khiếu nại). Đơn vị giải quyết khiếu nại kết luận, đề xuất và trình phương án giải quyết khiếu nại lên người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại. đơn vị giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo và gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại biết và cho người xử lý đơn biết để tổng hợp, báo cáo.
Đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý: Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quyết định việc thụ lý và giao việc giải quyết đơn tố cáo cho đơn vị giải quyết tố cáo. Đơn vị giải quyết tố cáo đề xuất và trình phương án giải quyết tố cáo lên người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo ra kết luận bằng văn bản về nội dung tố cáo và tiến hành xử lý tố cáo theo quy định tại Điều 25 Luật Tố cáo năm 2011. Đơn vị giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo và gửi kết luận nội dung tố cáo cho người tố cáo, người bị tố cáo biết và cho người xử lý đơn biết để tổng hợp, báo cáo. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo theo quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo năm 2011.
Đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý: Trình tự và thủ tục giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
Ngoài các nội dung tóm lược nêu trên, Quy chế còn quy định về nguyên tắc giải quyết đơn, thời hạn giải quyết, hồ sơ giải quyết, quản lý công tác giải quyết đơn và chế độ thông tin, báo cáo, điều khoản thi hành và các Mẫu kèm theo Quy chế. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày 29/11/2016.
Kết luận
Trên đây là một số nội dung chính của Quy chế giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Quy chế được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của pháp luật, quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân và thống nhất việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong toàn hệ thống BHTGVN . Vì vậy, các đơn vị, cá nhân thuộc BHTGVN có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Quy chế. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, đề nghị các đơn vị, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về BHTGVN qua Bộ phận tiếp nhận và xử lý đơn của BHTGVN để được hướng dẫn.