Góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Trải qua hơn 20 năm áp dụng tại Việt Nam, BHTG đã đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới đất nước, tái cơ cấu hệ thống các TCTD và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần gia tăng niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng quốc gia.
Đánh giá về vai trò chính sách BHTG đối với sự ổn định, an toàn của hệ thống tài chính, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhận định: BHTG là một trong những mắt xích thiết yếu của Mạng an toàn tài chính Quốc gia, bao gồm: các chính sách, quy trình; Ngân hàng Trung ương với vai trò là người cho vay cuối cùng; tiến trình tái cơ cấu có sự hậu thuẫn của Nhà nước; và cuối cùng là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền trong trường hợp TCTD mất khả năng thanh toán. Ngoài ra, BHTG tham gia vào quá trình giám sát đối với các TCTD, qua đó cảnh báo rủi ro để các tổ chức này hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.
BHTG còn góp phần duy trì ổn định và phát triển an toàn hệ thống các TCTD nói chung và QTDND nói riêng. Theo ông Lê Công Thành - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre, BHTG hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống QTDND, từ đó góp phần tạo dựng niềm tin của người dân đối với hoạt động của quỹ. Chứng nhận BHTG cũng thể hiện cam kết bảo vệ người gửi tiền của Chính phủ, NHNN, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN).
Đồng quan điểm trên, ông Bùi Văn Xưởng - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, BHTGVN là tổ chức từ khi ra đời đến nay đã có đóng góp tích cực đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng. Riêng đối với QTDND, BHTGVN đóng vai trò đặc biệt quan trọng, vì QTDND là loại hình tín dụng hợp tác hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tương trợ giữa các thành viên.
“Do đó, nếu không có sự đồng hành của BHTGVN thì chắc chắn hoạt động của hệ thống QTDND sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình huy động vốn nhàn rỗi từ dân cư để cho vay phục vụ sản xuất, phát triển kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là khu vực nông thôn” - ông Bùi Văn Xưởng nhấn mạnh.
Là người gửi tiền lâu năm tại QTDND, bà Lê Thị Nga (Hưng Hà, Thái Bình) bày tỏ: “Khi gửi tiền, điều tôi quan tâm nhất là sự an toàn của tiền gửi. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết quyền lợi của mình được BHTGVN bảo vệ, và nếu có vấn đề thì sẽ được trả tiền theo quy định của pháp luật. Như vậy, người gửi tiền như tôi rất yên tâm và tin tưởng vào chính sách BHTG cũng như hoạt động của quỹ”.
Xem xét sớm nâng hạn mức BHTG
Có thể nói, BHTG đã thực sự phát huy vai trò là công cụ quan trọng của Chính phủ, NHNN để an dân, từ đó góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu như hiện nay. Để vai trò đó ngày càng hiệu quả, thiết thực, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về BHTG cần tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện, chẳng hạn cần sớm tăng hạn mức BHTG lên trên mức quy định hiện hành 75 triệu đồng.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, tiền gửi là yếu tố quan trọng đảm bảo sự hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hoạt động ngân hàng. Do đó, việc xây dựng cơ chế bảo đảm phù hợp cho tiền gửi sẽ giúp tạo thêm lòng tin cho người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
“Với hạn mức BHTG hiện nay, tôi cho rằng còn thấp so với thông lệ quốc tế. Đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc nâng hạn mức này lên ở một chừng mực nhất định để đáp ứng nguyện vọng của người gửi tiền” - ông Lực đưa ra quan điểm.
Ông Lê Công Thành - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bến Tre cho rằng, mặc dù hạn mức BHTG 75 triệu đồng đã bảo vệ được số đông người gửi tiền. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để có lộ trình tăng hạn mức BHTG phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân của người dân cũng như tốc độ tăng của quy mô tiền gửi tiết kiệm.
Người đứng đầu QTDND Sao Đỏ (Chí Linh, Hải Dương) – Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Hiến đề nghị cần có lộ trình tăng hạn mức BHTG hoặc bảo hiểm 100% số tiền gửi (trong trường hợp xảy ra rủi ro).
Ông Ninh Quốc Chính - Giám đốc quỹ TDND Bảo Tín, TP. Hà Giang cho hay, theo thống kê tại quỹ, số tài khoản tiền gửi trên 75 triệu đồng hiện chiếm khoảng 80%. Như vậy, nếu xét trên mặt bằng chung hiện nay, hạn mức trả tiền bảo hiểm 75 triệu đồng là không còn phù hợp. Theo ông Chính, để kích thích quá trình huy động vốn nhàn rỗi, đồng thời gia tăng niềm tin của người dân khi gửi tiền vào các QTDND, đề nghị Chính phủ xem xét sớm nâng hạn mức BHTG.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Người gửi tiền ở Kim Long, Thừa Thiên - Huế, nếu nâng hạn mức BHTG lên thì những người gửi tiền tích cóp từ lương hưu nhiều năm như bà sẽ yên tâm hơn khi gửi tiền vào ngân hàng, thay vì cất giữ tại nhà hay cho vay không thể kiểm soát.
Chính sách BHTG đã góp phần tạo thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức tham gia BHTG, nâng cao niềm tin đối với người gửi tiền. Để chính sách tục phát huy hiệu quả trong cuộc sống, các cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.