Sự kiện đất nước hai triệu dân chuyển sang sử dụng đồng tiền chung euro để lại không ít nuối tiếc cũng như lo âu về tương lai cho người dân, đồng thời nó cũng báo hiệu một năm xáo trộn nữa cho Eurozone trong bối cảnh khu vực này đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ và suy thoái kéo dài.
Mừng, lo xen lẫn
Trong thông điệp đầu Năm mới, Thủ tướng Latvia Valdis Dombrovskis nhấn mạnh đây là cơ hội lớn để Latvia phát triển kinh tế. Trong khi đó, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ, Olli Rehn, nói rằng gia nhập Eurozone - giờ đây là khu vực gồm 333 triệu dân - ghi dấu Latvia đã hoàn tất việc trở lại trung tâm chính trị và kinh tế của EU, sau khi nước này gia nhập NATO và EU năm 2004.
Việc Estonia trở thành thành viên Eurozone vào năm 2011, nay là Latvia và nước láng giềng Lithuania dự kiến gia nhập khu vực này vào đầu năm 2015 sẽ hoàn tất nỗ lực của các nước vùng Baltic trong việc kết nối về mặt kinh tế và chính trị với các nước phương Tây.
Cũng giống như Eurozone, Latvia bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc cuộc hoảng tài chính thế giới 2008-2009 với GDP giảm 17,7% trong năm 2009. Tuy nhiên, với nỗ lực tái thiết nền kinh tế bằng chính sách tài chính khắc khổ và gói hỗ trợ tài chính của Quỹ tiền tệ quốc tế và EU, “con hổ Baltic” một thời cũng đã hồi phục sau cuộc khủng hoảng với sự tăng trưởng dương trong năm 2011, 5,2% năm 2012 - mức tăng mạnh nhất trong số các nước EU - và ước tăng khoảng 4% năm 2013.
Tuy nhiên, nhiều người dân Latvia vẫn hoài nghi về triển vọng đồng euro, khi có tới một nửa số người tham gia cuộc thăm dò ý kiến gần đây không tán thành việc từ bỏ đồng lat, biểu tượng cho sự độc lập của Latvia, để chuyển sang đồng euro vốn đứng trước không ít nguy cơ đe dọa sự tồn tại trong năm vừa qua, dẫu rằng số người ủng hộ dần tăng lên.
Người dân không tránh khỏi quan ngại về các vấn đề tài chính của Eurozone trong những năm gần đây, lo lắng giá cả tăng vọt cũng như có tâm lý chán chường về các biện pháp khắc khổ mà Chính phủ Latvia đã triển khai để đáp ứng các tiêu chí gia nhập Eurozone được cho là khá ngặt nghèo. Nỗi lo ngại của người dân Latvia không phải không có cơ sở, bởi Estonia là một ví dụ. Sau khi quốc gia này gia nhập Eurozone hồi tháng 1/2011, tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng 5% trong cùng năm đó.
Một số chuyên gia cũng bày tỏ mối quan ngại về “danh tiếng” của Latvia là thiên đường thuế của các nước Đông Âu. Bởi cũng giống như Cyprus, nước chín tháng trước phải nhận sự cứu trợ của Eurozone, quốc gia nhỏ bé này đang thu hút lượng tiền gửi khổng lồ từ các nước Đông Âu, đặc biệt là từ Nga.
Eurozone ra sao với 18 thành viên?
Việc liên minh tiền tệ này vừa đón chào thành viên mới Latvia có thể coi là lời khẳng định về sự tồn tại và phát triển của khối này khi cách đây 18 tháng người ta còn đề cập nhiều đến nguy cơ tan rã của nó. Điều gì sẽ chờ đợi các nền kinh tế sử dụng đồng euro trong năm 2014 và tiếp sau đó.
Liệu kinh tế Eurozone sẽ phục hồi vững? Khối này chính thức thoát khỏi suy thoái trong quý 2/2013 với mức tăng trưởng 0,3%, tuy kể từ sau đó khu vực này chưa tăng trưởng đáng kể. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2014.
Ủy viên EU Olli Rehn thừa nhận rằng các điều kiện kinh tế sẽ vẫn gian khổ đối với nhiều người dân châu Âu. Mặc dù mức sống của người dân châu Âu là một trong những tiêu chí hàng đầu khi thành lập Eurozone, song chênh lệch về mức sống này thực tế ngày càng gia tăng trong 5 năm qua. Hơn nữa, sự phục hồi này cũng chưa đem lại lợi ích cho tất cả các nước. Báo cáo của EU mới đây cho hay thu nhập của các hộ gia đình ở các nước Eurozone ở khu vực miền Bắc và Trung Âu, song lại giảm khoảng 10% tại các nước thành viên yếu hơn, chủ yếu ở miền Nam.
Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước Eurozone vẫn cao, 12,1%, thậm chí lên tới trên 25% tại Hy Lạp và Tây Ban Nha trong những tháng cuối năm 2013. Tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ thực sự đáng lo ngại, khi có tới trên một nửa số thanh niên ở độ tuổi 15-24 tại Hy Lạp và Tây Ban Nha hiện không có việc làm.
Ủy viên EU phụ trách các vấn đề xã hội, Laszlo Andor, nhận định: “Sự phục hồi mà chúng ta đang chứng kiến vẫn rất mong manh. Kinh tế EU hiện còn xa mới có thể tạo đủ cơ hội việc làm và hàng triệu người muốn tìm việc làm vẫn chưa có được cơ hội đó."
Một câu hỏi được đặt ra là liệu kỷ nguyên cứu trợ đã kết thúc? Có lẽ là chưa thể. Mặc dù tháng trước Ireland trở thành nước đầu tiên ở Eurozone tuyên bố rút khỏi chương trình cứu trợ quốc tế, song Hy Lạp có thể vẫn cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để xử lý các khoản cho vay lớn trong khuôn khổ chương trình cho vay cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (330 tỷ USD) của EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế. Bồ Đào Nha cũng có thể phải cầu viện thêm sự trợ giúp nữa sau khi chương trình cho vay cứu trợ kết thúc trong năm nay.
Trong lĩnh vực ngân hàng, mặc dù EU đang nỗ lực giảm thiểu mối quan ngại về khu vực tài chính trong khu vực này, song tiến triển vẫn chậm. Mặc dù hồi tháng trước các nhà lãnh đạo nhất trí việc tạo lập Cơ chế Giải quyết chung (SRM) để giải thể các ngân hàng yếu kém nhằm tránh gây tác động xấu cho kinh tế toàn khu vực, song nhiều nhà phân tích lo ngại rằng việc thực hiện quyết định này có thể quá phức tạp vào thời điểm này cũng như cung cấp tài chính chưa đủ để giúp đối phó với khủng hoảng ngân hàng. Điều quan trọng hơn, Nghị viện châu Âu vẫn chưa thông qua kế hoạch này.
ECB sẽ bắt đầu công tác đánh giá các ngân hàng lớn nhất Eurozone nhằm tìm ra cũng như sửa chữa những điểm yếu trong bảng quyết toán của các ngân hàng, với hy vọng sẽ giảm bớt những nguy cơ trong hệ thống tài chính và khuyến khích các ngân hàng tích cực cho vay, một điều kiện tiên quyết để có được đà tăng trưởng mạnh hơn.
Liệu Eurozone có tiếp tục được mở rộng? Lithuania đang hướng tới gia nhập khu vực đồng tiền chung vào ngày 1/1/2015, còn sau đó triển vọng mở rộng hơn chưa rõ ràng. Theo thỏa thuận chung, toàn bộ 28 nước thành viên EU phải tham gia Eurozone, chỉ có Anh và Đan Mạch là hai trường hợp ngoại lệ. Thụy Điển vẫn đứng ngoài Eurozone một cách chủ ý với lý do nước này chưa đạt được yêu cầu về ngân sách và tiền tệ.
Mặc dù Chủ tịch EC, Jose Manuel Barroso, đưa ra lời mời với các thành viên EU mới, song các nước có khả năng đáp ứng được tiêu chuẩn gia nhập Eurozone vẫn chưa vội tiến hành các bước tiến cần thiết để xin gia nhập khu vực này.
Các tin khác
Tổng quan về Tổng công ty BHTG Đài Loan
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Đài Loan (CDIC, Trung Quốc) là một trong những mô hình tổ chức BHTG tiến bộ điển hình ở Châu Á. Được thành lập năm 1985 trên một nền tảng pháp lý vững chắc là Luật BHTG, CDIC là thành viên không thể thiếu của mạng an toàn tài chính quốc gia Đài Loan.
Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia chính thức hoạt động
Ngân hàng Trung ương Ethiopia (NBE) chính thức thành lập Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia (EDIF) từ tháng 11/2023 với tư cách là một thành viên của Mạng an toàn tài chính, bảo vệ cho cho người gửi tiền của các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, phòng ngừa việc rút tiền hàng loạt.
Campuchia: Nghiên cứu thành lập bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống tài chính quốc gia
Ngày 31/10/2023, tại Kampong Thom, trong sự kiện “Ngày Tiết kiệm Asian”, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã giới thiệu về bảo hiểm tiền gửi và vai trò đối với hệ thống tài chính quốc gia nhằm nâng cao niềm tin công chúng và thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Khmer Riel.
Uganda: Quỹ bảo hiểm tiền gửi tăng gấp 3 lần
Chính phủ Uganda vừa công bố tăng Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DPF) từ 400 tỷ Shs (tương đương 117 triệu đô la Mỹ) lên 1,3 nghìn tỷ Shs (tương đương 345 triệu đô la Mỹ).
PIDM tổ chức Hội nghị chuyên đề xử lý đổ vỡ quốc gia lần thứ nhất
Vừa qua, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)...