Thách thức đối với chính sách BHTG
Tiền gửi không được bảo hiểm tại Mỹ đã tăng lên trong những năm gần đây, với mức 46% tổng số tiền gửi vào năm 2021. Các vụ việc rút tiền hàng loạt trong trường hợp Ngân hàng Sillicon Valley, Ngân hàng Signature, Ngân hàng Silvergate và Ngân hàng First Republic đã dẫn đến các vụ đổ vỡ và đặt ra những thách thức đối với chính sách BHTG.
Mới đây nhất, Kansas Heartland Tri-State vừa trở thành ngân hàng tiếp theo của Mỹ sụp đổ sau khi mất khả năng thanh toán kể từ đầu năm 2023. FDIC là cơ quan tiếp nhận và đã ký thỏa thuận bán lại Ngân hàng Heartland Tri-State cho Ngân hàng Dream First – một ngân hàng khác tại Kansas. Các chi nhánh của Heartland Tri-State sẽ hoạt động như là các chi nhánh của Dream First và khách hàng của Heartland Tri-State sẽ được tự động chuyển thành khách hàng của Dream First. Các khoản cho vay hiện tại cũng không chịu ảnh hưởng, do FDIC và Ngân hàng Dream First đã ký thỏa thuận chia sẻ các khoản lỗ và cùng chịu trách nhiệm về khả năng thu hồi nợ.
Tất cả các khoản tiền gửi được chuyển giao từ Ngân hàng Heartland Tri-State sẽ được bảo hiểm riêng biệt với bất kỳ tài khoản tiền gửi nào khách hàng đã có tại Ngân hàng Dream First trong ít nhất sáu tháng sau khi Ngân hàng Heartland Tri-State đổ vỡ. Các dịch vụ ngân hàng khác sẽ tiếp tục diễn ra như bình thường. Ngân hàng Heartland Tri-State có tổng tài sản khoảng 139 triệu USD và tổng số tiền gửi là 130 triệu USD. Đây là vụ ngân hàng sụp đổ mới nhất ở Mỹ kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Cải cách chính sách BHTG để ngăn ngừa rút tiền hàng loạt
Để ngăn ngừa tình trạng rút tiền hàng loạt khi xảy ra các vụ đổ vỡ, ổn định tâm lý người gửi tiền và đảm bảo an toàn hoạt động tài chính - ngân hàng, FDIC đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về chính sách BHTG.
Mặc dù BHTG giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt, nhưng cũng loại bỏ động cơ khuyến khích người gửi tiền được bảo hiểm theo dõi tình trạng sức khỏe tài chính của ngân hàng để có thể rút tiền gửi trong trường hợp ngân hàng gặp vấn đề. Việc người gửi tiền theo dõi tình hình hoạt động của ngân hàng và rút tiền như vậy được gọi là “kỷ luật thị trường”. Tất nhiên, việc giám sát như vậy vượt quá khả năng của đại đa số các cá nhân, nhưng không nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp.
Hiện nay FDIC đang bảo hiểm cho tiền gửi với hạn mức giới hạn là 250.000 USD. Người gửi tiền có tiền gửi lớn hơn 250.000 USD có thể tách tiền gửi thành nhiều tài khoản tại nhiều tổ chức tham gia BHTG để được bảo hiểm đầy đủ. Tuy nhiên, việc chia tách tiền gửi thành nhiều tài khoản có thể gây tốn chi phí và bất tiện cho người sử dụng, đặc biệt là đối với một số loại tài khoản doanh nghiệp được sử dụng cho mục đích thanh toán.
Những căng thẳng về tài chính và nguy cơ rút tiền hàng loạt đã thúc đẩy FDIC xem xét và đề xuất lựa chọn cải cách BHTG. Công nghệ và sự phát triển của cách mạng 4.0 trong ngành ngân hàng cũng tạo điều kiện cho việc lan truyền thông tin tiêu cực về ngân hàng có vấn đề tiềm ẩn thông qua phương tiện truyền thông xã hội và rút tiền một cách dễ dàng, nhanh chóng bằng cách sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. FDIC nhấn mạnh, BHTG nên được đưa vào danh mục chính sách, đặc biệt là quy định về giám sát ngân hàng, nhằm thúc đẩy ổn định tài chính.
Về giám sát ngân hàng, đây là những quy định đóng một vai trò quan trọng trong tăng cường ổn định tài chính, hạn chế rủi ro đạo đức từ chính sách BHTG và ứng phó kịp thời trước những rủi ro phát sinh. FDIC đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định đối với 5 lĩnh vực thuộc khuôn khổ giám sát rủi ro ngân hàng, đó là nguồn vốn, thanh khoản, nợ dài hạn, rủi ro lãi suất và giám sát tăng trưởng.
Về thu phí BHTG, phí BHTG phân biệt trên cơ sở rủi ro có thể giảm rủi ro đạo đức, thúc đẩy công bằng giữa các tổ chức tham gia BHTG – tổ chức có rủi ro cao thì đóng phí cao và ngược lại. Những thay đổi trong xác định phí BHTG phân biệt được xem xét dựa trên cấu trúc nợ và lãi suất.
Về nguồn vốn, Đạo luật FDIC quy định FDIC cần đặt ra một tỷ lệ quỹ mục tiêu, được đo bằng tỷ lệ giữa số dư Quỹ BHTG (hoặc giá trị ròng của Quỹ) so với số dư tiền gửi được bảo hiểm ước tính. Tỷ lệ này thường không thấp hơn mức 1,35%. Kể từ năm 2010, FDIC đã đặt tỷ lệ quỹ mục tiêu dài hạn là 2%. Bất kỳ thay đổi nào về hạn mức sẽ dẫn đến ảnh hưởng tới tỷ lệ quỹ mục tiêu và thời gian để điều chỉnh theo tỷ lệ quỹ mục tiêu mới.
Về hạn mức bảo hiểm, FDIC đưa ra đánh giá đối với ba trường hợp, đó là: bảo hiểm có hạn mức giới hạn, bảo hiểm toàn bộ và bảo hiểm có mục tiêu.
FDIC coi bảo hiểm với hạn mức hiện nay là mô hình bảo hiểm "đã được thử nghiệm tốt nhất" và chỉ ra rằng việc không gia tăng hạn mức bảo hiểm dần dần sẽ làm giảm đáng kể các khoản tiền gửi không được bảo hiểm bởi vì phần lớn tổng giá trị của các khoản tiền gửi không được bảo hiểm hiện tại là các khoản tiền gửi rất lớn. Do đó, bất kỳ hạn mức bảo hiểm nào - ngoại trừ các hạn mức cực kỳ cao - sẽ không giảm thiểu được vấn đề người gửi tiền không được bảo hiểm có động cơ rút tiền nếu ngân hàng gặp khó khăn. Và việc tăng hạn mức bảo hiểm cũng sẽ không loại bỏ được nhiều vấn đề “kỷ luật thị trường” đối với giao dịch tại ngân hàng.
FDIC cho rằng "Mở rộng phạm vi BHTG không giới hạn cho tất cả các khoản tiền gửi...sẽ giải quyết trực tiếp và hiệu quả các mối quan ngại về ổn định tài chính". Nghĩa là, phạm vi bảo hiểm toàn bộ sẽ loại bỏ động cơ rút tiền hàng loạt và cũng sẽ đơn giản hóa quá trình xử lý, mặc dù đòi hỏi một quỹ bảo hiểm lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, FDIC cũng đánh giá phương án bảo hiểm toàn bộ sẽ làm tăng rủi ro đạo đức; tạo ra nguy cơ người gửi tiền đặt tiền gửi vào rủi ro thiệt hại cao hơn, đồng thời làm tăng một cách giả tạo sức hấp dẫn của việc nắm giữ tiền gửi ngân hàng so với các công cụ tài chính khác.
Phương án FDIC đề xuất áp dụng, đó là bảo hiểm theo hạn mức mục tiêu cho các tài khoản tiền gửi lớn phục vụ thanh toán, kinh doanh và khó chia tách thành các tài khoản được bảo hiểm với giá trị nhỏ hơn. Những tài khoản này đóng vai trò quan trọng trong các vụ việc rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng Silicon Valley và First Republic. Nếu áp dụng phương án bảo hiểm này, sẽ thúc đẩy sự ổn định tài chính bằng cách giảm động cơ rút tiền từ ngân hàng đối với các tài khoản tiền gửi lớn, không được bảo hiểm. FDIC nhấn mạnh: một thách thức quan trọng trong việc triển khai BHTG theo hạn mức mục tiêu là đảm bảo người gửi tiền hiểu các tiêu chí về tài khoản đủ điều kiện được bảo hiểm. FDIC lập luận rằng, cách tiếp cận bảo hiểm mục tiêu như vậy sẽ tạo ra ít động cơ bóp méo hơn đối với người gửi tiền trong việc lựa chọn tiền gửi ngân hàng thay vì các công cụ tài chính khác.
BOX: Rút tiền hàng loạt là hiện tượng khi một số lượng lớn người gửi tiền đồng thời rút tiền gửi khỏi tổ chức tín dụng. Việc rút tiền hàng loạt có thể khiến ngân hàng đổ vỡ nếu không thể đáp ứng các yêu cầu trả tiền cho người gửi tiền. Một tin đồn hoặc sự cố tại một ngân hàng cũng có thể gây ra tình trạng rút tiền hàng loạt, khiến ngay cả một ngân hàng có khả năng thanh toán tốt cũng bị phá sản, gây ảnh hưởng tiêu cực cho toàn bộ hệ thống tài chính.
TX
Tài liệu tham khảo:
https://www.fdic.gov/resources/resolutions/bank-failures/failed-bank-list/heartlandtristate.html
https://research.stlouisfed.org/publications/economic-synopses/2023/06/08/the-fdic-studies-options-for-deposit-insurance-reform