Theo yêu cầu của Đạo luật Dodd-Frank, còn được biết đến với tên gọi “living wills” (tạm dịch là di chúc sống) hay Luật bảo vệ người gửi tiền và cải cách phố Wall, kế hoạch dự phòng xử lý của các ngân hàng phải mô tả chi tiết chiến lược của tổ chức trong xử lý kịp thời và có trật tự trong trường hợp tổ chức bị đổ vỡ hoặc phá sản do khó khăn về nguồn lực tài chính.
Đối với các tổ chức ngân hàng nước ngoài, kế hoạch dự phòng xử lý phải hướng trọng tâm vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng trên đất Mỹ.
Nhóm ngân hàng trong nước được đánh giá gồm American Express Company, Ally Financial Inc., BB&T Corporation, Capital One Financial Corporation, Comerica Incorporated, Discover Financial Services, Fifth Third Bancorp, Huntington Bancshares Incorporated, KeyCorp, M&T Bank Corporation, Northern Trust Corporation, Regions Financial Corporation, SunTrust Banks, Inc., The PNC Financial Services Group, Inc., U.S. Bancorp, và Zions Bancorporation.
FDIC và FED không nhận thấy bất kỳ kế hoạch dự phòng xử lý đổ vỡ do các ngân hàng đệ trình vào tháng 12/2015 có vấn đề về độ tin cậy. Do vậy, FDIC và FED sẽ chưa phải áp dụng biện pháp xử lý có trật tự theo Luật phá sản Mỹ với các tiêu chuẩn được thiết lập trong Luật Dodd-Frank.
Các cơ quan quản lý và giám sát ngân hàng Mỹ mới chỉ xác định có thiếu xót trong kế hoạch dự phòng xử lý đổ vỡ của Northern Trust Corporation (NTC) và yêu cầu NTC phải điều chỉnh và đệ trình bản kế hoạch sửa đổi 2017 chậm nhất vào ngày 31/12/2017.
FDIC và FED kỳ vọng rằng các kế hoạch dự phòng xử lý đổ vỡ 2017 phải phản ánh được quy mô và tính phức tạp của những tổ chức ngân hàng. Theo đó, FDIC và FED sẽ hạn chế lượng thông tin mà các tổ chức ngân hàng được yêu cầu phải đệ trình vào hạn chót 31/12/2017.
Riêng đối với 04 ngân hàng nước ngoài gồm Barclays PLC, Credit Suisse, Deutsche Bank AG, và UBS AG, cơ quan quản lý giám sát ngân hàng Mỹ đã ban hành hướng dẫn riêng với mục đích giúp những ngân hàng này cải thiện kế hoạch dự phòng xử lý đổ vỡ và phản ánh được kế hoạch nội dung các biện pháp mà các ngân hàng đã thực thi để thành lập các công ty sở hữu trung gian. Hướng dẫn dành cho 04 ngân hàng tập trung vào hàng loạt vấn đề dễ bị tổn thương như vốn, thanh khoản và cơ chế quản trị.
Theo đúng thời hạn đối với những hồ sơ của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ nộp trong tháng 4/2016, FDIC và FED cũng sẽ gia hạn thêm 1 năm cho các ngân hàng nước ngoài và bản kế hoạch dự phòng xử lý đổ vỡ tới sẽ phải nộp đúng hạn chót vào ngày 1/7/2018.
Mỗi ngân hàng nước ngoài trong tổng số 04 ngân hàng trên được kỳ vọng phải đưa ra vào bản kế hoạch dự phòng xử lý đổ vỡ nội dung về những giải pháp ứng phó với những vấn đề dễ bị tổn thương hoặc những trở ngại có thể phát sinh từ cấu trúc, hoạt động kinh doanh hay chiến lược xử lý của các ngân hàng. FDIC và FED sẽ đánh giá từng kế hoạch dựa trên tiêu chuẩn được quy định tại Luật Dodd-Frank. Nếu cả hai cơ quan giám sát đều thống nhất quyết định rằng những vấn đề dễ bị tổn thương trong hướng dẫn không được giải quyết, họ có thể đánh giá kế hoạch không đáng tin cậy và do vậy không thể thúc đẩy xử lý đổ vỡ có trật tự theo Luật phá sản Mỹ.
FDIC và FED cũng ban hành thư gia hạn chính thức đối với 04 ngân hàng nước ngoài và thư phản hồi cho 16 ngân hàng trong nước kèm theo nội dung hướng dẫn chi tiết các vấn đề cần phải cải thiện. Quyết định công bố bởi hai cơ quan quản lý đều nhận được sự đồng thuận của Hội đồng chính sách của FED và Hội đồng quản trị của FDIC.
M.H.P
Theo FDIC