Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy TTKDTM và tăng cường an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Trong đó có việc chủ động ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước và của Ngành về lĩnh vực công nghệ thông tin; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng; quản lý và vận hành các hệ thống công nghệ thông tin của NHNN hoạt động an toàn, thông suốt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hiện đại hóa hành chính.
Để tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn và hạn chế thấp nhất rủi ro trong hoạt động thanh toán, ngay từ đầu năm 2017, NHNN đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi của khách hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai tiêu chuẩn thẻ chíp để phòng tránh ăn cắp, giả mạo thông tin thẻ; triển khai các hệ thống giám sát, cảnh báo online để kịp thời phát hiện các giao dịch bất thường...
Ngày 11/10/2017, NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị 07/CT-NHNN về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chỉ thị nhằm tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; kiên quyết xử lý kịp thời các vi phạm nhằm tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, tín dụng lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động (KHHĐ) của Ngành thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW của Trung ương, trong đó, KHHĐ xác định những nhiệm vụ chủ yếu, lộ trình và thời gian thực hiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình mới. Ngay sau khi ban hành Chỉ thị và KHHĐ, NHNN đã tổ chức Hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng để quán triệt đến tất cả các đơn vị trong toàn Ngành, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, chấp hành đầy đủ các quy định về an ninh, an toàn, phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động ngân hàng; qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng đơn vị đối với an toàn của từng tổ chức cũng như an toàn hoạt động của hệ thống, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.
Đối với thanh toán thẻ, để nâng cao hiệu quả sử dụng thẻ, trong thời gian qua, NHNN đã và đang tập trung chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ, nhằm khuyến khích người dân sử dụng thẻ cho các giao dịch thanh toán thay vì rút tiền mặt, qua đó góp phần vào thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế.
Đặc biệt, ngày 25/9/2017, NHNN đã ban hành Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017-2020 (Kế hoạch số 10/KH-NHNN ngày 25/9/2017). Tại Kế hoạch này, NHNN đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ. Cụ thể như: Tiếp tục phát triển, hoàn thiện hạ tầng chấp nhận thanh toán thẻ tại điểm bán; áp dụng các công nghệ thanh toán thẻ mới, hiện đại, có tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện lợi, trong đó bao gồm thanh toán sử dụng công nghệ thẻ chíp (tiếp xúc và không tiếp xúc), thanh toán bằng thiết bị di động sử dụng công nghệ NFC, thanh toán qua QR Code...; sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS; phát triển mạng lưới POS dùng chung, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác; Tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán; áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến, như tiêu chuẩn thẻ chíp, 3D Secure, xác thực sinh trắc học, sử dụng QR Code, Tokenization,… phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán...
Công tác truyền thông, quảng bá, phổ biến kiến thức, giáo dục kỹ năng tài chính thời gian qua được đẩy mạnh cũng tạo chuyển biến rõ nét hơn về nhận thức của công chúng trong thanh toán thẻ, thanh toán qua POS, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác tại điểm bán bằng các biện pháp và cách thức phù hợp. Đến nay, nhận thức chung của xã hội về thanh toán thẻ qua POS, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn và một số tỉnh có lợi thế về du lịch đã có chuyển biến rõ nét và tích cực; số lượng, giá trị thanh toán qua POS tăng nhanh, hiệu quả và chất lượng hơn.
Đối với dịch vụ ATM, NHNN đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, rà soát, bổ sung các quy trình, quy định cần thiết trong lắp đặt, sử dụng ATM, sắp xếp lại mạng lưới ATM và phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố phát sinh.
Để đảm bảo an toàn trong thanh toán thẻ, NHNN chỉ đạo các ngân hàng triển khai thí điểm Bộ tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa; triển khai tiêu chuẩn quốc tế về an toàn dữ liệu thẻ PCI/DSS; công nghệ số hoá thẻ Tokenization.
NHNN đã cho phép 24 tổ chức không phải là ngân hàng thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TTGT) nhằm phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ, giá trị thấp. Hiện đã có hơn 40 NHTM tham gia hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT để triển khai dịch vụ. Các đơn vị cung ứng dịch vụ TGTT cũng cung cấp một hệ thống hạ tầng công nghệ tiên tiến, quan trọng hỗ trợ cho hoạt động thanh toán.
Như vậy, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công nghệ thanh toán tiên tiến, hiện đại, phục vụ tốt cho việc cung ứng và ứng dụng các dịch vụ, phương tiện TTKDTM mới, hiện đại và phục vụ thương mại điện tử phát triển.
Các NHTM đã cung ứng thêm nhiều dịch vụ thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ mới, hiện đại để phục vụ các nhu cầu thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến...; chất lượng và dịch vụ thanh toán thẻ tiếp tục được cải thiện, góp phần thúc đẩy TTKDTM trong khu vực dân cư. Ngân hàng cũng tích cực phối hợp với Ngành tài chính triển khai thanh toán điện tử trong thu nộp NSNN. Tính đến cuối tháng 10/2017, đã có 46 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng Cục thuế trên 63 tỉnh/thành phố, đáp ứng yêu cầu thanh toán điện tử phục vụ thu chi ngân sách của ngành Tài chính. Toàn ngành đã và đang mở rộng việc thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) qua máy chấp nhận thẻ (POS)...
Ngoài ra, trong năm 2017, triển khai Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, NHNN đã ban hành Kế hoạch của ngành; Thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính của NHNN nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech (công nghệ tài chính) ở Việt Nam ra đời và phát triển.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN và sự nỗ lực của các NHTM, hoạt động thanh toán tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Vụ Thanh toán (NHNN), tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, từ 19,02% năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và đến thời điểm 31/12/2016 là 11,49 %. Đến cuối tháng 9 năm 2017, toàn quốc có gần 17.400 ATM và hơn 260.100 POS đang hoạt động; số lượng thẻ phát hành lũy kế đạt mức trên 127,28 triệu thẻ (tăng 14,43% so với cuối năm 2016); giao dịch tài chính qua điện thoại di động tăng 51% về giá trị giao dịch; qua internet tăng 32% về giá trị giao dịch. Đến nay, có khoảng 76 TCCUDVTT triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và trên 40 TCCUDVTT cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.