SARB tuyên bố, mục tiêu công của cơ chế BHTG ở Nam Phi chính là bảo vệ người gửi tiền nhỏ trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ, qua đó bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sự ổn định của hệ thống tài chính.
Bằng việc bảo vệ tiền gửi trong hệ thống ngân hàng, cơ chế BHTG có thể góp phần phát triển một hệ thống ngân hàng bớt tập trung hơn, hỗ trợ tiến trình hòa nhập tài chính và sự chuyển dịch trong ngành. Hiện nay, 6 ngân hàng lớn nhất Nam Phi đang nắm giữ 94% tổng tài sản của các ngân hàng và ngân hàng nào trong nhóm này cũng đều quá lớn để bị đổ vỡ.
Tài liệu thúc đẩy việc thiết lập cơ chế BHTG với nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cũng như các đề xuất về thiết kế chủ yếu của cơ chế này như mục tiêu, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức BHTG; cơ chế quản trị; tổ chức tham gia BHTG và phạm vi BHTG; nguồn vốn. Tài liệu mới được công bố cũng mô tả cơ chế tương tác, phối hợp giữa tổ chức BHTG với các thành viên còn lại của mạng an toàn tài chính quốc gia, vai trò của BHTG trong việc xử lý đổ vỡ ngân hàng và các yếu tố quan trọng khác cần được cân nhắc khi thiết lập cơ chế BHTG.
SARB nhấn mạnh, đề xuất chính sách nói trên sẽ tích hợp hài hòa các yếu tố bản địa cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới góp phần xây dựng mạng an toàn tài chính đáp ứng nhu cầu của hệ thống tài chính Nam Phi.
Thực tế, Nam Phi đang sử dụng cơ chế BHTG ngầm. Chính phủ đứng ra chi trả cho người gửi tiền tại các ngân hàng bị đổ vỡ trên cơ sở từng trường hợp một. Sau chi trả, cơ chế này không có cơ chế bù đắp chi phí, do đó gánh nặng tài chính bị đặt lên ngân sách. Tháng 12/2014, IMF đã phát hành một báo cáo đánh giá mức độ ổn định của hệ thống tài chính Nam Phi. Báo cáo này khuyến cáo Nam Phi nên thiết lập cơ chế BHTG và áp dụng phương pháp tiếp cận “ưu tiên người gửi tiền”.
Đ.T.T
Nguồn:
https://www.moneymarketing.co.za/deposit-insurance-scheme-for-sa-proposed/