Người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được bảo vệ với hạn mức 100.000 rand (tương đương 5.300 USD). Hạn mức này có thể bảo vệ toàn bộ cho 90% người gửi tiền tại Nam Phi. Trước khi thành lập CODI, Nam Phi không có cơ chế BHTG rõ ràng, buộc Chính phủ phải sử dụng nguồn thu ngân sách từ thuế để chi trả cho người gửi tiền trong từng trường hợp cụ thể.
Theo Đạo luật Quy định lĩnh vực Tài chính số 9 năm 2017 (Đạo luật FSR), CODI được thành lập với chức năng duy trì và quản lý Quỹ BHTG. Trong đó, Quỹ BHTG được hình thành từ phí bảo hiểm hàng tháng và đóng góp từ các ngân hàng thành viên, giúp giảm gánh nặng tài chính cho người nộp thuế.
CODI chính thức hoạt động từ ngày 1/4/2024, bảo hiểm cho các khoản tiền gửi đủ điều kiện và sẽ tiến hành chi trả cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ. Việc bảo hiểm là tự động và người gửi tiền không cần đăng ký bảo hiểm. Đối tượng được BHTG là người gửi tiền tại các ngân hàng, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác, ngân hàng tương hỗ và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
CODI bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ hoặc doanh nghiệp tư nhân phi tài chính sở hữu tiền gửi đủ điều kiện bảo hiểm, bao gồm: người gửi tiền cá nhân, doanh nghiệp phi tài chính, tổ chức từ thiện hoặc phi lợi nhuận, tổ chức tôn giáo, công đoàn, hiệp hội người tiêu dung, hiệp hội tín dụng luân phiên hoặc chương trình tiết kiệm hợp tác (stokvels).
Tiền gửi đủ điều kiện bảo hiểm bao gồm nhưng không giới hạn là các loại tài khoản tiết kiệm; tài khoản vãng lai; tài khoản giao dịch; tài khoản có kì hạn; sản phẩm tiền gửi Wadi'ah, Qard và Murabaha của đạo Hồi; và các tài khoản tiết kiệm miễn thuế (bao gồm cả gốc và lãi).
CODI là một trong những cải cách của mô hình giám sát lưỡng đỉnh (Twin Peaks) được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009. Cơ quan này là một phần của Mạng an toàn tài chính bao gồm Cơ quan giám sát an toàn (PA) chịu trách nhiệm giám sát an toàn của tổ chức tài chính; Cơ quan Quản lý Tài chính (FSCA) giám sát tính minh bạch và công bằng trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính; SARB với vai trò cho vay cuối cùng và chịu trách nhiệm xử lý có trật tự các tổ chức tài chính đổ vỡ.
Việc triển khai cơ chế BHTG tại Nam Phi sẽ góp phần tăng thêm niềm tin của người dân vào ngành ngân hàng và phù hợp với thông lệ quốc tế về BHTG.
TH