Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số Tiếp cận tín dụng (Getting credit) của Việt Nam xếp thứ 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, ngang với Singapore, cao hơn vị trí thứ 42 của Thái Lan, 55 của Indonesia, 77 của Lào, 142 của Philippines. Báo cáo đánh giá của WB cũng cho thấy, môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2017 tăng 14 bậc, từ 82 lên 68. Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại hội thảo
TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, chỉ số tiếp cận tín dụng tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, hiện đã ở góc độ rất khác, cao hơn nhiều so với 1 năm trước. Trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng tăng cao, cung ứng hơn 1,2 triệu tỷ vốn vay cho nền kinh tế. Phó Thống đốc cho biết, tại Việt Nam, vị trí của ngân hàng khá khác với các nước khi phải gánh nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế nhiều hơn. "Hoạt động tín dụng cũng được Đảng và Nhà nước chỉ đạo có nhiều chính sách ưu đãi cho những đối tượng đáng được ưu tiên, đây là điều mà nhiều nước khác không có" - ông Tú nhấn mạnh.
Trong 2 năm liên tục 2016 – 2017, NHNN được Bộ Nội vụ xếp hạng đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng vẫn luôn chú trọng nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm triển khai các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, cải cách chỉ số tiếp cận tín dụng, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong phối hợp thu nộp và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Trong vấn đề cải thiện giúp DN tiếp cận tín dụng dễ hơn có sự đóng góp của việc cải cách thủ tục hành chính. NHNN cho biết, kết quả cải cách hành chính của NHNN đã góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Theo TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kết quả về chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là tích cực, đáng mừng, song nhìn rộng và sâu hơn vẫn còn không ít trăn trở, lo âu. Ông Thành phân tích, điểm số tiếp cận tín dụng 75 là khá tốt song vẫn còn xa so với chuẩn 100 điểm. Con số này thấp hơn mức trung bình cả khu vực OECD, Đông Á-Thái Bình Dương và thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ số tiếp cận tín dụng có vẻ khả thi nhưng song song với đó là những rào cản cố hữu trong tiếp cận tín dụng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sự hài lòng và lợi ích mà cải cách hành chính đem lại cho người dân, doanh nghiệp mới chính là thước đo hiệu quả của công tác này. Theo nhiều ý kiến, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam vẫn còn thấp hơn Malaysia và Campuchia ở vị trí 20. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu là do những vấn đề nội tại của chính doanh nghiệp như: Năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý…. Hội thảo đã lắng nghe tâm tư cũng như những giải pháp mong muốn cải thiện hơn nữa việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp và người dân.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định ngành ngân hàng đã có đóng góp to lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ sự phát triển cho sản xuất kinh doanh của DN. Trong chiến lược của các nền kinh tế APEC thì động lực được xác định là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và DN do phụ nữ làm chủ. Cùng với đó, hai lĩnh vực được các nền kinh tế APEC đặc biệt quan tâm và cũng phù hợp với kinh tế Việt Nam, đó là nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. “Khi các nhà lãnh đạo APEC đặt hai lĩnh vực này là động lực phát triển, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là vấn đề tài chính cho các khu vực này. Chính vì vậy trong Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, chúng tôi có một nhóm nghiên cứu về tiếp cận tài chính cho nhóm đối tượng này” - TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trong phần kết luận hội thảo, TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cho biết, hội thảo này là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý lắng nghe những ý kiến đánh giá, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả những dịch vụ ngân hàng, cải tiến các thủ tục mang tính hành chính đang cản trở hoặc gây phiền hà trong quan hệ tín dụng…. Đây cũng sẽ là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tổ chức xây dựng và chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực về cải cách hành chính nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao hơn nữa chỉ số tiếp cận tín dụng, cũng như cải thiện hơn nữa quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng.