Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung chính sau: Đánh giá mức độ hiệu quả trong quản trị ngân hàng theo các chuẩn mực quốc tế thông qua việc phân tích cơ cấu Hội đồng quản trị của các NHTM Việt Nam và một số nước ASEAN; Xem xét những vấn đề liên quan tới kiểm soát hoạt động trong ngân hàng, cụ thể là phân tích việc đáp ứng các yêu cầu về minh bạch và công bố thông tin và giao dịch của các bên có liên quan của NHTM Việt Nam; Phân tích những thách thức và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát ngân hàng của các cơ quan quản lý theo chuẩn mực quốc tế.
Nhiều chuyên gia đánh giá, quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những chuyển biến tích cực như duy trì thanh khoản, ổn định tỷ giá và lãi suất, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu một số ngân hàng còn nhiều tồn tại cần xử lý dứt điểm nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến hoạt động của Ngành. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 là tập trung cải thiện năng lực quản trị của cácNHTM, nâng cao hiệu quả giám sát ngân hàng theo Basel II, hướng theo chuẩn quốc tế.
Với đặc thù là hoạt động kinh doanh có độ rủi ro cao và mức độ ảnh hưởng lớn nên vấn đề quản trị trong NHTM có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với một nước đang phát triển như Việt Nam khi ngân hàng là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho khu vực doanh nghiệp. Thực tiễn quản trị ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế nếu không khắc phục được các NHTM Việt Nam sẽ khó khăn khi cạnh tranh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Thứ nhất, khung khổ pháp lý cho hoạt động quản trị và giám sát hệ thống ngân hàng còn chưa đầy đủ mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định mới góp phần hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các TCTD tiếp tục đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.
Thứ hai, mô hình tổ chức và quản lý của các NHTM hiện tại còn có nhiều điểm bất hợp lý khiến cho hoạt động quản trị ngân hàng kém hiệu quả.
Thứ ba, việc tăng cường hoạt động quản trị nội bộ trong NHTM còn gặp nhiều khó khăn như vấn đề xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ, mối quan hệ giữa các bên có liên quan, bảo vệc lợi ích của người gửi tiền và cổ đông thiểu số….
Qua thảo luận tại hội thảo, nhiều đại biểu đã khẳng định: Quản trị và giám sát trong hoạt động ngân hàng luôn là vấn đề cần phải quan tâm khi muốn xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hình thức hợp tác kinh tế tài chính đa phương và song phương, đáng chú ý nhất gần đây là việc trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đòi hỏi phải gia tăng mức độ mở cửa thị trường tài chính trong nước. Điều này không chỉ đem lại những cơ hội lớn cho hệ thống NHTM Việt Nam mà đồng thời cũng đặt ngành Ngân hàng trước những thách thức cạnh tranh to lớn từ phía các ngân hàng trong khu vực. Bởi vậy, nâng cao hiệu quả quản trị và giám sát hoạt động kinh doanh ngân hàng là những trọng tâm đặt ra đối với các NHTM Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý hiện nay.