Cơ sở pháp lý chưa đồng bộ
Sau ba năm thực hiện, Đề án 1058 “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, toàn hệ thống TCTD đã chuyển biến rất tích cực, có bước tiến lớn cả về quy mô tài chính, chất lượng tín dụng và chấn chỉnh, củng cố các mặt hoạt động. Cụ thể, năng lực tài chính, quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động, các chỉ số an toàn, tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD được cải thiện rõ rệt và ngày càng tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp thu hồi nợ được các TCTD nỗ lực thực hiện đạt kết quả tích cực …
Một trong những giải pháp của Đề án 1058 đó là: Bổ sung quy định cho phép BHTGVN được tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra giải pháp hỗ trợ liên quan đến BHTGVN: Tăng cường năng lực tài chính của BHTGVN để tham gia xử lý, cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu (trước mắt tập trung đối với QTDND, TCTCVM) và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống các TCTD.
Ngày 20/11/2017, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD (Luật các TCTD sửa đổi 2017), trong đó, BHTGVN được giao thêm một số nhiệm vụ mới như: phối hợp với Ban KSĐB đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi CTTC, QTDND, TCTCVM được KSĐB, phối hợp với Ban KSĐB xây dựng phương án phá sản TCTD được KSĐB, cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB và mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.
Như vậy, các quy định pháp luật về tham gia cơ cấu lại TCTD dù đã bước đầu tạo điều kiện cho BHTGVN phát huy vai trò trong tái cơ cấu hệ thống các TCTD, nhưng các quy định về quyền hạn của tổ chức BHTG tại Luật BHTG chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp lý hiện hành về tái cơ cấu, cản trở sự tham gia có hiệu quả của BHTGVN đối với tiến trình này. Cụ thể:
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG, tại khoản 2 Điều 148 và khoản 1 Điều 152a Luật các TCTD sửa đổi (2017) quy định, tổ chức BHTG tham gia vào quá trình xây dựng các phương án tái cơ cấu QTDND. Tuy nhiên, quy định quyền và nghĩa vụ tổ chức BHTG tại Luật BHTG chưa đảm bảo để tổ chức BHTG có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD (ví dụ như tham gia hỗ trợ kiểm tra, giám sát đối với QTDND, tham gia quá trình xây dựng các phương án tái cơ cấu QTDND, cho vay đặc biệt đối với QTDND bị KSĐB…).
Về cho vay đặc biệt đối với TCTD bị KSĐB, Luật các TCTD sửa đổi (2017) quy định BHTGVN cho vay đặc biệt đối với công ty tài chính, QTDND, tổ chức tài chính vi mô; BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của NHNN. Tuy nhiên Luật BHTG chưa quy định các nội dung này.
Luật BHTG cũng chưa có quy định NHNN quyết định việc BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ. Trong khi đó, nội dung này được quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi (2017).
Sửa Luật BHTG, nâng cao vai trò của BHTGVN trong tái cơ cấu TCTD
Tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra nhiệm vụ cần sửa Luật BHTG trong giai đoạn 2021 - 2025, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của BHTGVN, tạo điều kiện cho BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD.
Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 của Thống đốc NHNN cũng đề ra giải pháp nâng cao vai trò của BHTGVN. Cụ thể, tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào KSĐB theo quy định của Luật Các TCTD sửa đổi (2017).
Tiếp đó, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành có nội dung giao nhiệm vụ cho NHNN nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý các TCTD yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG là rất cấp bách trước yêu cầu hiện nay, để Luật được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời tạo nền tảng cho BHTGVN ngày càng phát huy vai trò trong quá trình tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, trước mắt là tập trung đối với QTDND, tổ chức TCVM để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền.
Cụ thể, liên quan đến việc tham gia xây dựng phương án phục hồi của QTDND, CTTC, tổ chức TCVM theo quy định tại Luật các TCTD sửa đổi (2017), để BHTGVN thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong Luật BHTG cũng cần quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG, bổ sung quy định theo hướng BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD, xử lý TCTD yếu kém như: xử lý, can thiệp sớm, đặc biệt đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt thông qua các hình thức như: tiếp quản trực tiếp, tham gia quản trị hoặc góp vốn để chi phối hoạt động của QTDND…
Đồng thời, Luật BHTG cũng cần quy định rõ vai trò giám sát, kiểm tra của BHTGVN để tổ chức BHTG có thể đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm đối với các TCTD có vấn thông qua việc trao quyền cho BHTGVN được tiếp cận sâu và đẩy đủ với các thông tin về đánh giá sự lành mạnh của các TCTD. Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN, như: quy định BHTGVN phối hợp với NHNN kiểm tra, giám sát QTDND trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo yêu cầu của NHNN...
Về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB, bổ sung quy định BHTGVN cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB để thống nhất với quy định tại Luật các TCTD sửa đổi (2017) và cụ thể một số nội dung để đảm bảo cơ sở pháp lý cho BHTGVN trong quá trình cho vay đặc biệt, ví dụ: nguồn vốn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD, cơ chế xử lý rủi ro…
Về mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, bổ sung quy định BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ để thống nhất với quy định tại Luật các TCTD sửa đổi (2017) và cụ thể một số nội dung để đảm bảo cơ sở pháp lý cho BHTGVN trong quá trình mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, ví dụ: nguồn vốn mua trái phiếu dài hạn, cơ chế xử lý rủi ro…
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về hoạt động đầu tư của BHTGVN theo hướng đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của BHTGVN và thống nhất với quy định tại Luật các TCTD sửa đổi (2017), ví dụ bổ sung quy định về bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN …
Để BHTGVN đồng hành hiệu quả cùng các tổ chức tham gia BHTG và bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền, cần sớm sửa đổi Luật BHTG bởi, chỉ với nền tảng pháp lý hoàn thiện, thống nhất, tổ chức BHTG mới có thể phát huy tối đa vai trò là “công cụ an dân” của Chính phủ, NHNN.