Tính đến ngày 30/6/2017, các QTDND trên địa bàn tỉnh kết nạp được 6.606 thành viên, bình quân 1.652 thành viên/quỹ. Tổng nguồn vốn hoạt động đạt gần 158 tỷ đồng; Nguồn vốn huy động tiền gửi là 141 tỷ đồng, bình quân gần 36 tỷ đồng/quỹ, chiếm 89,48% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ cho vay đạt 96 tỷ đồng, bình quân 24 tỷ đồng/quỹ và tỷ lệ nợ xấu 0,50% tổng dư nợ. Số thành viên vay vốn là 2.501 người.
Địa bàn hoạt động của các QTDND tại tỉnh Khánh Hòa đa phần nằm ở nơi đông dân cư nên thuận lợi trong việc kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, dễ thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư, các thủ tục vay vốn của Quỹ đơn giản, nhanh gọn, không gây phiền hà nên đa số thành viên khi có nhu cầu vay vốn luôn tin tưởng đến làm thủ tục vay tại quỹ. Đồng thời, các QTDND hoạt động gần dân, sát với dân nên việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia thành viên cũng thuận lợi hơn. Khi có tiền nhàn rỗi, họ sẽ gửi tiết kiệm để vừa có lợi cho bản thân, vừa giúp vốn cho cộng đồng thành viên có cơ hội được vay vốn sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, tạo công ăn việc làm, giúp xoá đói giảm nghèo; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, QTDND cũng đóng góp một cách đáng kể các khoản thuế hàng năm cho ngân sách địa phương.
Về cơ sở vật chất: Các quỹ đã trang bị được các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh như két sắt, điện thoại, máy vi tính và phần mềm quản lý… Nhờ đó, hoạt động của QTDND ngày càng trở nên chuyên nghiệp, đáp ứng đựơc nhu cầu trong tình hình mới, góp phần phục vụ ngày càng tốt cho thành viên của quỹ.
Về lao động: Các quỹ đã từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phát triển an toàn, bền vững của các QTDND trên địa bàn. Công tác đào tạo cán bộ viên chức của các QTDND cũng được thực hiện thường xuyên, có bài bản và hệ thống. Nhờ đó, đến nay tất cả các thành viên Ban quản trị, Ban kiểm soát và giám đốc của các quỹ đều đáp ứng được tiêu chuẩn về trình độ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu hoạt động của QTDND trong giai đoạn hiện nay.
Những thành tựu đạt được trong thời gian qua vừa khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển mô hình QTDND, vừa là sự nỗ lực vươn lên của QTDND cùng sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ và chính quyền địa phương nơi các quỹ hoạt động. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã quản lý chặt chẽ, theo dõi, hướng dẫn các nghiệp vụ về hoạt động của QTDND và thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động của các quỹ, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, thiếu sót nên đã tạo điều kiện cho các quỹ hoạt động ổn định, đúng pháp luật, bộ máy quản lý và điều hành của QTDND theo đúng quy định của ngành. Bên cạnh đó, mặc dù Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn “đồng hành” cùng hệ thống QTDND trong đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của các quỹ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các quỹ còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Đội ngũ cán bộ nghiệp vụ chưa được ổn định do cán bộ được đào tạo xong hay thay đổi công việc; năng lực tài chính vẫn còn ở mức thấp; chưa có sự gắn kết giữa QTDND với các Hội đoàn của địa phương để mở rộng vay tín chấp đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, buôn bán nhỏ lẻ của các hội viên; các ngân hàng thương mại hoạt động trên phạm vi diện rộng, có nhiều hình thức huy động vốn cũng như cho vay cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các quỹ... Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống QTDND, từng bước tháo gỡ khó khăn, góp phần củng cố và phát triển hệ thống QTDND; trong thời gian tới, các QTDND cần tiếp tục:
- Tuân thủ nghiêm túc điều lệ hoạt động và phương án kinh doanh đã đề ra, chấp hành nghiêm túc các hệ số an toàn và quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước quy định;
- Trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị làm việc, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng và hoàn thiện website nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ, giao dịch, quảng bá hình ảnh cho các hoạt động của quỹ;
- Thực hiện đầy đủ cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; tham gia tuyên truyền về chính sách BHTG, vừa có tác dụng thu hút tiền gửi, vừa làm cho người gửi tiền được an tâm;
- Đầu tư các sản phẩm tiết kiệm phù hợp với nhu cầu gửi tiền của bà con, của thành viên, đa dạng hóa các loại hình tiền gửi, tiếp thị các sản phẩm tiết kiệm đến từng bà con, từng thành viên;
- Nghiên cứu đưa ra các sản phẩm tín dụng mới phù hợp, an toàn và hiệu quả đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các thành viên; kết hợp với Liên minh Hợp tác xã, đưa các sản phẩm tín dụng của QTDND vào các Hợp tác xã trên địa bàn nhằm tăng cường mối liên kết của các Hợp tác xã.
- Mở rộng hình thức vay tín chấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng, xây dựng đội ngũ cộng tác viên năng động bằng cách thông qua các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Ban quản lý chợ…
- Quản lý chặt chẽ chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực quản lý rủi ro của đơn vị, tạo điều kiện nhiều hơn cho cán bộ công nhân viên của quỹ được học hỏi, bồi dưỡng nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu công việc.
Nguyễn Phi Mai – Chi nhánh BHTGVN khu vực NTB &TN
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn số 567/HD-BHTG ngày 01/7/2016 của Tổng giám đốc BHTGVN về Hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền tại QTDND;
- Tài liệu triển khai nhiệm vụ ngân hàng Khánh hòa các năm 2014, 2015, 2016,2017 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng Khánh Hòa 6 tháng cuối năm 2017;
- /
- http://www.khanhhoa.gov.vn/