Tạo hành lang pháp lý đầy đủ
Theo Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN Phạm Huyền Anh, Luật PCRT (được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013) là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất về PCRT đáp ứng thực tiễn của Việt Nam và phù hợp với cam kết của Việt Nam đối với quốc tế trong quá trình hội nhập. Sau khi Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn được ban hành cho đến nay, công tác PCRT của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ông Ngọc cho biết, trước khi Luật PCRT được ban hành, các báo cáo giao dịch đáng ngờ (GDĐN) chủ yếu do các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài báo cáo, thì từ sau khi Luật PCRT có hiệu lực, các tổ chức tài chính, phi tài chính khác có liên quan như bảo hiểm, chứng khoán, công ty xổ số, casino đã thực hiện báo cáo GDĐN và số lượng báo cáo GDĐN tăng dần qua các năm.Báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Luật PCRT (2013-2018), Cục trưởng Cục PCRT NHNN ông Nguyễn Văn Ngọc nhấn mạnh, Luật PCRT đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện cho việc triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác PCRT trên toàn lãnh thổ Việt Nam cũng như đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về PCRT, góp phần làm tăng uy tín và sức hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài. Sau khi Luật PCRT được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN đã khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của luật.
Cụ thể, từ tháng 1/2013 đến tháng 1/2018, Cục PCRT đã tiếp nhận gần 6.000 báo cáo GDĐN tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước khi có luật (2005 – 2012). Hiện nay, mỗi ngày cơ sở dữ liệu của Cục PCRT tiếp nhận khoảng gần 200.000 giao dịch tiền mặt có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử ra/vào Việt Nam. Tính đến tháng 1/2018, hệ thống đang lưu trữ khoảng 250 triệu giao dịch, liên quan đến khoảng 11 triệu khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiên – Trưởng phòng phòng chống rửa tiền CitiBank cũng nhìn nhận trong vòng 5 năm trở lại đây, Luật PCRT là điểm sáng hệ thống pháp lý. Đặc biệt nhiều văn bản pháp lý ban hành thực hiện của NHNN trong PCRT. Không chỉ ban hành kịp thời, cách thức đưa văn bản phổ biến cập nhật thông tin đối với các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài rộng mở. Có những quy định chuẩn bị thực hiện NHNN đưa ra tham khảo đóng góp ý kiến của các TCTD và rất thiện chí giải đáp vướng mắc.
Luật PCRT góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hỗ trợ, tăng cường công tác phòng chống rửa tiền, trở thành “chốt chặn” quan trọng, hành lang pháp lý trong xử lý các hành vi, dấu hiệu hiệu rửa tiền là nhận định của ông Trần Tuấn Anh – Trưởng phòng Phòng chống tiền giả A84.
Với việc ban hành Luật PCRT, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là có những bước tiến đáng kể trong công tác PCRT và là một trong những yếu tố quan trọng giúp Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đưa Việt Nam ra khỏi danh sách đen (tháng 10/2013) và quy trình rà soát của Nhóm xem xét các vấn đề về hợp tác quốc tế (ICRG) thuộc FATF vào tháng 2/2014 sau gần 4 năm Việt Nam nằm trong quy trình rà soát của nhóm này.
Vẫn còn nhiều bất cập
Theo ông Phạm Huyền Anh qua 5 năm triển khai, Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn cũng bộc lộ những tồn tại, bất cập cần được chỉnh sửa, bổ sung. Một số chủ thể có hoạt động có thể bị lợi dụng để rửa tiền nhưng chưa được quy định vào đối tượng báo cáo hoặc một số quy định của Luật PCRT còn chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến bất cập trong quá trình triển khai. Một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền nhưng chưa có quy định hay như có một số quy định của Luật PCRT chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế mới về PCRT.
Bên cạnh đó, chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể đối với việc triển khai Luật PCRT cho từng đối tượng có hoạt động đặc thù trong lĩnh vực: Bất động sản, luật sư, công chứng, kế toán, kiểm toán, các tổ chức phi lợi nhuận... điều này làm cho đối tượng báo cáo tại các lĩnh vực này gặp nhiều lúng túng trong việc triển khai các biện pháp PCRT và dẫn đến hiện tượng việc triển khai thực hiện các quy định về PCRT chưa đồng đều, đầy đủ ở các lĩnh vực, ngành nghề...
Là một NH thực hiện khá thành công hoạt động PCRT, ông Lê Như Dương – Trưởng bộ phận PCRT đại diện của Vietcombank chia sẻ: giai đoạn 2013 – 2018 Luật PCRT tạo vòng bảo vệ vững chắc cho các NH hoạt động. Nhưng ông Dương cũng thừa nhận là trước một thế giới biến đổi mạnh mẽ như hiện nay, dù NH gần như đã “nghiền nát” luật, văn bản nhưng vẫn cảm thấy “chông chênh” đối với hoạt động PCRT. Không chỉ tuân thủ Luật PCRT trong nước mà NH còn phải tuân thủ quy định của quốc tế.
Có một thực tế hiện nay là việc tuân thủ PCRT ở mức độ khác nhau chưa đồng đều. Trong khi Nhà nước lại chưa có chế tài đủ mạnh, chưa có cơ chế giám sát hiệu quả nên động lực tuân thủ còn yếu. Các NH Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn từ định hướng phát triển, nhân lực, đầu tư đến việc các bộ phận nghiệp vụ trong NH không hiểu trách nhiệm của họ đối với tuân thủ PCRT.
Ông Trần Tuấn Anh đồng tình cho hay cần phải có hướng dẫn quy định cụ thể trong chế độ báo cáo tại Luật PCRT. “Mặc dù Điều 22 Luật có quy định về các thông tin GDĐN nhưng thời gian qua, ngoài luồng thông tin về GDĐN trong lĩnh vực NH thì những kênh thông tin còn lại hầu như không được trao đổi về các đơn vị nghiệp vụ chức năng của Bộ Công an”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Trước thực tế trên, ông Phạm Huyền Anh cho rằng, việc tổng kết 5 thực hiện Luật PCRT có ý nghĩa quan trọng để nhìn nhận, đánh giá lại một cách khách quan những kết quả đạt được, chưa đạt được trong quá trình thực hiện Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn để từ đó đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Luật PCRT góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hỗ trợ, tăng cường công tác phòng chống rửa tiền, trở thành “chốt chặn” quan trọng, hành lang pháp lý trong xử lý các hành vi, dấu hiệu hiệu rửa tiền |