Ngày 20/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đó, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 12/12/2021, thay thế hạn mức trả tiền bảo hiểm 75 triệu đồng được quy định tại Quyết định 21/2017/QĐ-TTg được áp dụng từ ngày 5/8/2017 tới nay.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động với tôn chỉ bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Những năm đầu chính sách BHTG được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng, thực hiện từ năm 1999.Đến năm 2005, hạn mức này được điều chỉnh lên 50 triệu đồng và được duy trì tới 12 năm, đến ngày 5/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi được xem xét, điều chỉnh định kỳ
Theo Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), hạn mức BHTG áp dụng tại mỗi quốc gia nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền, phù hợp với mục tiêu chính sách công và đặc điểm liên quan của hệ thống BHTG của quốc gia đó. Một trong những khuyến nghị của IADI là hạn mức BHTG cần được điều chỉnh định kỳ (khoảng 5 năm một lần) để đáp ứng mục tiêu chính sách công.
Theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hạn mức bảo hiểm thực tế hiệu quả có thể giảm theo thời gian và phải được xem xét thường xuyên. Theo thời gian, lạm phát có thể làm giảm giá trị thực sự của bảo hiểm tiền gửi, cấu phần và quy mô của các khoản tiền gửi có thể thay đổi, và các công cụ tiền gửi mới có thể được cung cấp. Do đó, điều chỉnh phạm vi và hạn mức bảo hiểm định kỳ là cần thiết. Những điều chỉnh này có thể tiến hành mà không dự tính trước hoặc có thể được thực hiện tự động, chẳng hạn như thông qua các chỉ số. Thậm chí trong một hệ thống các chỉ số, hạn mức nên được xem xét định kỳ để tính đến những thay đổi về quy mô của thị trường tài chính và những thay đổi về giá trị thực của bảo hiểm tiền gửi.
Trên thế giới, hạn mức BHTG tại không ít quốc gia cũng được xem xét, điều chỉnh theo định kỳ, phù hợp tình hình thực tế. Chẳng hạn, tại Philippines, theo Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới đối với Philippines năm 2011, hạn mức chi trả BHTG của nước này được đánh giá định kỳ 2 năm 1 lần kể từ ngày được điều chỉnh theo luật định. Trong giai đoạn gần đây, hạn mức này sẽ được đánh giá định kỳ 5 năm. Việc xem xét để điều chỉnh hạn mức phù hợp ở nước này được căn cứ vào một số yếu tố, trong đó phải kể đến tình hình lạm phát (hạn mức trả BHTG thường được Philippines duy trì gấp 2 lần GDP/đầu người). Hay như Indonesia là một quốc gia đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á, có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như quy mô dân số, trình độ phát triển kinh tế, xã hội…Indonesia thành lập Tổng công ty BHTG Indonesia vào năm 2005 và hạn mức đã được xem xét thay đổi 3 lần do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và toàn cầu.Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng Công ty BHTG liên bang Mỹ (FDIC) đã có tổng cộng 08 lần điều chỉnh hạn mức chi trả tiền bảo hiểm bắt đầu từ khi thành lập đến nay. Tuy hạn mức chi trả có thể khác nhau nhưng việc thay đổi hạn mức chi trả của FDIC được căn cứ dựa trên các nguyên tắc: Thích ứng với tăng lạm phát theo thời gian; Kích thích tăng huy động vốn của các ngân hàng; Củng cố niềm tin của dân chúng đối với hoạt động ngân hàng.
Ở Việt Nam, Luật BHTG quy định, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Luật không quy định một hạn mức “cứng” mà giao Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Điều này bảo đảm việc điều chỉnh linh hoạt hạn mức BHTG khi cần thiết để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống của người dân trong từng thời kỳ, qua đó đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Như vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm được quy định linh hoạt. Thủ tướng Chính phủ quyết định thay đổi hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ để bảo đảm quyền lợi người gửi tiền.
Hạn mức BHTG được điều chỉnh phù hợp điều kiện Việt Nam
Những năm gần đây, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế khả quan, GDP và GDP bình quân đầu người liên tục tăng. Hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và có những bước phát triển mạnh mẽ. Số người gửi tiền trên toàn hệ thống cũng như tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trong hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng theo các năm. Trong khi đó, nguồn lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng ngày càng lớn mạnh.
GDP bình quân đầu người danh nghĩa (chưa tính đến yếu tố lạm phát) của Việt Nam tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2010-2020, trung bình đạt mức 11%/năm. Năm 2019, GDP bình quân đầu người đạt 2.715 USD tương đương 63 triệu đồng, tăng 4,9% so với năm 2018. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng 29,7% so với năm 2019, đạt mức 3.521 USD tương đương 81 triệu đồng
Mục tiêu của chính sách BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Theo tính toán, hạn mức 75 triệu đồng hiện nay không còn phù hợp với điều kiện Việt Nam và theo thông lệ quốc tế. Với hạn mức 75 triệu đồng (từ năm 2017) đã bảo đảm bảo vệ toàn bộ đối với hơn 87% người gửi tiền. Hạn mức 75 triệu đồng hiện tại bằng 0,92 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2020 và bằng 1,19 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2019.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, theo thông lệ quốc tế cũng như khuyến cáo của IADI, mức bảo vệ toàn bộ cần đạt từ 90% đến 95% số người gửi tiền được bảo hiểm. Trên thế giới, tại nhiều quốc gia, tỷ lệ này thông thường trên 90%. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, hạn mức BHTG hiện tại có thể bảo hiểm toàn bộ cho 99,6% người gửi tiền tại Trung Quốc. Ngoài ra, hạn mức cao hơn gấp 12 lần GDP trên đầu người, trong khi các nước Châu Á thường cao hơn từ 2-5 lần GDP trên đầu người. Trong khi đó, theo khảo sát mới nhất của IADI năm 2018, tỷ lệ người gửi tiền được bảo vệ tại Nhật Bản lên tới 98,55%, tỷ lệ giá trị tiền gửi được bảo vệ là 74,01%. Còn tại Malaysia, hạn mức BHTG bảo vệ toàn bộ cho một tỷ lệ người gửi tiền rất cao, vào khoảng 99% số người gửi tiền. Tại Philipines, hạn mức BHTG bảo hiểm được 97,2% tổng tài khoản tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.
Tại Việt Nam, với hạn mức 125 triệu đồng, khoảng 91% người gửi tiền sẽ được bảo vệ toàn bộ tiền gửi. Hạn mức này nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI.
Như vậy, nâng hạn mức BHTG để thực hiện hiệu quả mục tiêu của chính sách BHTG, bảo vệ người gửi tiền và hỗ trợ cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Hạn mức này phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thực tế hoạt động của hệ thống các TCTD, đồng thời theo thông lệ, chuẩn mức quốc tế.
Điều chỉnh hạn mức bảo hiểm tiền gửi sẽ có tác động ra sao?
Việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm có tác động trực tiếp tới 3 nhóm đối tượng chính. Trong trường hợp hạn mức được tăng lên ở mức hợp lý sẽ có tác động làm tăng niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng và đối với tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Các tác động cụ thể có thể kể tới như sau:
Đối với hệ thống ngân hàng
Hạn mức trả tiền bảo hiểm là công cụ quan trọng của chính sách BHTG, trực tiếp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Hạn mức trả tiền bảo hiểm đủ lớn sẽ góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, từ đó khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm hợp lý giúp duy trì kỷ luật thị trường và giảm thiểu rủi ro đạo đức. Việc duy trì một số người gửi tiền lớn không được bảo hiểm sẽ góp phần duy trì kỷ luật thị trường. Ngược lại, hạn mức quá cao làm gia tăng rủi ro đạo đức và phá vỡ kỷ luật thị trường vì hạn mức quá cao sẽ khiến cho những người gửi tiền lớn, các cổ đông, chủ nợ của ngân hàng đầu tư vào những hoạt động sinh lời cao mà không quan tâm đến rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Đối với người gửi tiền
Hạn mức trả tiền bảo hiểm hợp lý giúp người gửi tiền yên tâm hơn khi gửi tiền tại ngân hàng, không lo lắng, rút tiền ra khỏi ngân hàng dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt khi có biến động trong hệ thống tài chính ngân hàng. Từ đó, giúp hạn chế tác động lây lan khi có ngân hàng đổ vỡ, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.Tuy nhiên, nếu hạn mức quá cao có thể dẫn tới rủi ro đạo đức về phía người gửi tiền, vì khi đó, một số người gửi tiền có mức tiền gửi thấp hoặc bằng với mức tiền bảo hiểm sẽ có xu hướng tùy tiện lựa chọn bất kỳ ngân hàng nào trả lãi suất cao để gửi tiền mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động của ngân hàng đó.
Đặc thù của chính sách BHTG là bảo vệ số lượng lớn người gửi tiền. Người gửi tiền được bảo hiểm thường là những người gửi tiền nhỏ, thiếu thông tin về hoạt động ngân hàng và là đối tượng dễ tổn thương. Đối với nhiều người, tiền gửi ngân hàng là phần lớn tài sản tích lũy được của họ, nên những thay đổi về chính sách bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là hạn mức trả tiền bảo hiểm, có ảnh hưởng nhất định đến quyết định gửi tiền của họ.
Đối với tổ chức bảo hiểm tiền gửi
Nếu hạn mức đủ cao, người dân sẽ quan tâm nhiều hơn đến chính sách BHTG từ đó sẽ góp phần nâng cao vị thế của tổ chức BHTG trong hệ thống ngân hàng và đối với người gửi tiền.Tuy nhiên, việc điều chỉnh hạn mức ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn vốn và Quỹ dự phòng nghiệp vụ của tổ chức BHTG vì việc tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm đồng nghĩa với việc số tiền chi trả khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm sẽ tăng lên. Do đó, việc điều chỉnh hạn mức cần cân nhắc kỹ về thời gian và mức độ điều chỉnh trên cơ sở năng lực tài chính và khả năng đáp ứng của tổ chức BHTG.Ngoài ra, tổ chức này cần tính toán chi phí tài chính, chi phí phát sinh từ việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm chủ yếu là chi phí in ấn, cấp lại chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi và chi phí tuyên truyền về hạn mức trả tiền bảo hiểm mới.
Tài liệu tham khảo