Ba mối rủi ro chủ chốt đối với sự ổn định tài chính của khu vực đồng Euro được vạch ra như sau (i). Cuộc khủng hoảng nợ vẫn chứa đựng nhiều rủi ro đối với các quốc gia thuộc khu vực đồng Euro; (ii). Rủi ro về khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại xuất phát từ tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu kém đi kèm với các khoản thua lỗ tăng lên từ việc đánh giá tín dụng và tài sản; (iii). Việc cắt giảm tỷ lệ nợ với tốc độ quá nhanh của hệ thống ngân hàng do những thay đổi từ trước đối với mô hình kinh doanh của ngân hàng.
Việc xử lý các nguyên nhân cốt lõi của cuộc khủng hoảng và hành động đối phó toàn diện vẫn còn là chìa khóa để chấm dứt việc tái diễn tình trạng rủi ro hệ thống, cụ thể là phải quyết tâm thực hiện chính sách mạnh mẽ trong 5 lĩnh vực sau: (i). Cần phải tiếp tục hành động ở cấp quốc gia để vừa đảm bảo duy trì trật tự tài khóa, vừa đẩy nhanh tiến độ các cuộc cải cách cơ cấu vì mục đích tăng trưởng và tạo công ăn việc làm; (ii). Sử dụng hiệu quả các nền tảng hỗ trợ tài chính cần thiết để chấm dứt sự tái diễn xu hướng suy giảm tính năng động tự thân trong mối quan hệ giữa các lực lượng nhà nước, ngân hàng và kinh tế vĩ mô; (iii). Những thay đổi bền vững đối với mô hình ngân hàng phải bổ sung cho sự hỗ trợ tạm thời của hệ thống Euro và tạo ra nguồn tài trợ chắc chắn lâu dài song song với việc tăng cường cơ sở vốn của các ngân hàng Châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2012; (iv). Đẩy mạnh tiến trình xóa bỏ sự bất ổn về chính trị, kinh tế để ngăn chặn tình trạng lây lan và tạo ra cơ sở vững chắc hơn cho các thị trường thực hiện quản lý rủi ro; (v). Thực hiện các biện pháp tăng cường thanh tra kinh tế và tài khóa, thúc đẩy công tác quản trị điều hành và không được phụ thuộc vào sức ép thị trường để từ đó tạo ra sự đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng xảy ra đối với khu vực đồng Euro trong vài năm qua sẽ không tái diễn.
Mặc dù 5 lĩnh vực này tạo ra các cơ sở thiết yếu cần thiết cho một liên minh tiền tệ bền vững nhưng giờ đây cần phải vượt lên trên các lĩnh vực đó và coi một liên minh ngân hàng như là một đối tác không thể tách rời của Liên minh tiền tệ. Nỗ lực đó đòi hỏi phải có thời gian để thực hiện và thay đổi pháp lý. Nhưng khi thực hiện thì có thể đạt được 3 mục tiêu hết sức quan trọng là: Tăng cường thanh tra hệ thống ngân hàng của toàn bộ khu vực đồng Euro để thúc đẩy hội nhập tài chính, giảm thiểu mất cân đối vĩ mô và cải thiện việc thực hiện chính sách một đồng tiền duy nhất; Phá bỏ mối gắn kết giữa các ngân hàng với nhà nước là điều đã từng làm trầm trọng tác động của sự rối loạn tài chính, xây dựng một quỹ bảo đảm tiền gửi Châu Âu và các biện pháp xử lý; Giảm thiểu rủi ro cho người đóng thuế thông qua các khoản đóng góp của ngành tài chính.
Những diễn biến trong vài tuần qua tiếp tục cho thấy tác động tiêu cực kéo dài của các mối rủi ro chủ chốt và làm nổi lên sự cần thiết của việc thực hiện các quyết định thống nhất, toàn diện bởi các quốc gia thành viên nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn tác động khu vực đồng Euro trong 2 năm qua.