Cuối tháng 10 vừa qua, KiwiBank – ngân hàng New Zealand được thành lập từ năm 2002 đã thông báo rộng rãi tới công chúng rằng chương trình bảo lãnh tiền gửi do ngân hàng này tự triển khai sẽ chính thức kết thúc kể từ ngày 28/2/2017. Nguyên nhân chấm dứt chương trình bảo lãnh tiền gửi được KiwiBank giải thích là bởi với kinh nghiệm dày dạn, không chỉ sống sót mà còn lớn mạnh hơn sau thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngân hàng này tự tin vào năng lực tài chính của mình.
Như vậy, sau tháng 2/2017, không còn một ngân hàng nào tại New Zealand thực hiện bảo lãnh tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng. Ở bình diện quốc gia, New Zealand cũng không hề áp dụng bất cứ hình thức bảo hiểm tiền gửi nào.
Chuyên gia tài chính Geof Mortlock – cựu quản lý cấp cao của Ngân hàng Dự trữ New Zealand và Cơ quan giám sát tài chính Australia phân tích, hiện tại hệ thống ngân hàng của New Zealand đang ở tình trạng rất lành mạnh. Các ngân hàng hoạt động trên lãnh thổ New Zealand đều đạt và vượt các tiêu chuẩn quốc tế về vốn, đồng thời có các ngân hàng lớn của nước ngoài chống lưng. Cụ thể, 4 ngân hàng lớn nhất Australia đang chiếm thị phần áp đảo trong hệ thống ngân hàng New Zealand. Các ngân hàng này đều đang chịu sự giám sát chặt chẽ với các tiêu chuẩn cao của Cơ quan giám sát tài chính Australia, do đó, New Zealand gián tiếp được hưởng lợi.
Cơ chế xử lý đổ vỡ bằng chính quỹ tiền gửi
Không hẳn New Zealand chưa từng áp dụng chính sách bảo hiểm tiền gửi. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, Chính phủ New Zealand đã đưa ra chính sách tạm thời để bảo lãnh tiền gửi cá nhân. Tuy nhiên, ngày 11/3/2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính New Zealand đã tuyên bố rằng chương trình bảo lãnh tiền gửi sẽ chấm dứt vào ngày 31/12 cùng năm.
Để giữ gìn niềm tin của công chúng, đồng thời để đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (Ngân hàng Trung ương) đang áp dụng chính sách xử lý đổ vỡ ngân hàng được gọi là “Cơ chế xử lý mở”, áp dụng đối với các ngân hàng thành lập trong nước với quy mô tiền gửi từ 1 tỷ đô la New Zealand (tương đương gần 705 ngàn đô la Mỹ) trở lên. Theo chính sách này, ngay ngày làm việc tiếp theo sau khi được tuyên bố phá sản và đặt dưới sự quản lý theo luật định, ngân hàng sẽ tiếp tục vận hành một phần hoặc toàn bộ quy mô kinh doanh. Như vậy, khách hàng có thể truy cập vào một phần hoặc toàn bộ các tài khoản tiền gửi của mình cũng như các dịch vụ khác của ngân hàng, trong khi giải pháp xử lý đổ vỡ lâu dài của ngân hàng đang được cơ quan có thẩm quyền xác định.
Cơ chế xử lý mở được thiết kế để đảm bảo rằng thiệt hại do đổ vỡ trước hết phải do những cổ đông hiện hữu của ngân hàng đó gánh chịu. Thêm vào đó, một phần của quỹ tiền gửi và các chủ nợ không có đảm bảo khác sẽ được đóng băng để bù các khoản lỗ còn lại. Trong trường hợp ngân hàng có thể bù lỗ mà không sử dụng đến quỹ tiền gửi, các khoản tiền gửi sẽ được phá băng và trả lại cho người gửi tiền. Ưu điểm nổi bật của cơ chế xử lý mở là sau khi ngân hàng đổ vỡ, người gửi tiền có quyền truy cập đến một tỷ lệ lớn số dư tiền gửi của mình, trong khi cơ chế xử lý bằng cách thanh lý sẽ kéo dài hơn, và người gửi tiền không thể sử dụng các khoản tiền gửi tại ngân hàng đổ vỡ. Khác biệt với phương pháp giải cứu ngân hàng phổ biến tên thế giới, thay vì Chính phủ can thiệp bằng nguồn tài chính công, tại New Zealand chính người gửi tiền mới là những người ra tay giải cứu ngân hàng.
Việc áp dụng chính sách bảo hiểm tiền gửi được Ngân hàng Dự trữ New Zealand cho là sẽ “làm giảm kỷ luật thị trường”, bởi người gửi tiền sẽ không có động lực giám sát ngân hàng, chỉ lựa chọn nơi gửi tiền dựa trên lãi suất cao, và sẵn sàng rút tiền nếu tình hình trở nên xấu đi. Bên cạnh đó, phí bảo hiểm tiền gửi cũng sẽ là gánh nặng đối với các ngân hàng và người gửi tiền. Cơ chế xử lý mở được kỳ vọng sẽ nâng cao kỷ luật thị trường khi cả người gửi tiền lẫn ngân hàng đều có động lực mạnh mẽ để giám sát rủi ro, bởi nếu có đổ vỡ xảy ra, chính họ là những người phải gánh chịu hậu quả.
Những lời kêu gọi thiết lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi
Thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi KiwiBank tuyên bố chấm dứt chương trình bảo lãnh tiền gửi do chính ngân hàng này tự áp dụng, ngày càng có thêm nhiều dư luận về sự cần thiết thiết lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi cho New Zealand.
Cơ chế xử lý mở hiện chỉ được áp dụng với các ngân hàng lớn của New Zealand, trong khi giải pháp đối với các ngân hàng nhỏ hoặc các tổ chức tài chính phi ngân hàng có nhận tiền gửi vẫn còn bỏ ngỏ.
Đảng Xanh – chính đảng chiếm số ghế lớn thứ 3 Nghị viện nước này đang kêu gọi Chính phủ áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ. Theo quan điểm của Đảng Xanh, , hạn mức BHTG 100.000 đô la New Zealand (tương đương khoảng hơn 70,4 ngàn đô la Mỹ) sẽ là một hạn mức BHTG hợp lý để bảo vệ người gửi tiền tại New Zealand. Cơ chế BHTG sẽ hỗ trợ khả năng phục hồi của hệ thống tài chính, ngăn chặn khả năng rút tiền hàng loạt. Ngược lại, sự thiếu vắng cơ chế BHTG sẽ gây ra khó khăn trong việc giải cứu ngân hàng. Lãnh đạo đảng này cũng dẫn chứng hạn mức bảo hiểm tiền gửi tối đa khá cao đang áp dụng tại các nước phát triển, tiêu biểu là 100.000 Euro tại châu Âu và 250.000 USD tại Mỹ.
ĐTT
Nguồn:
https://www.beehive.govt.nz/release/maintaining-confidence-financial-system
http://rbnz.govt.nz/faqs/open-bank-resolution-policy-faqs
http://business.scoop.co.nz/2016/11/03/new-zealanders-bank-savings-need-protecting/
https://www.kiwibank.co.nz/about-us/more-about-us/?utm_source=ET&utm_medium=Email&utm_campaign=