Theo ông Grant Robertson - Bộ trưởng Tài chính Newzealand, cơ chế BHTG được đề xuất có thể được xây dựng trong 1 thập kỷ thông qua việc thu phí 5% trên lợi nhuận ngân hàng. Ông Grant Robertson cũng muốn giữ sự giám sát thận trọng dưới sự điều hành của Ngân hàng Dự trữ Newzealand và kỳ vọng kế hoạch thành lập cơ chế bảo vệ tiền gửi sẽ đưa New Zealand theo thông lệ phù hợp với các quốc gia phát triển khác.
Dự kiến, cơ chế này sẽ bảo hiểm toàn bộ cho khoảng 90% tài khoản ngân hàng cá nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, cơ chế này bảo hiểm toàn bộ cho khoảng 40% tổng số dư tiền gửi cá nhân, do số lượng cá nhân có khoản tiết kiệm lớn hơn hạn mức 50.000 đô la Newzealand chỉ là thiểu số. Giải pháp cho tiền gửi ngân hàng theo chương trình KiwiSaver cũng chưa được xác định.
“ Cơ chế BHTG có thể sẽ được cấp vốn thông qua việc thu phí từ ngân hàng, và được hỗ trợ bởi các quỹ của Chính phủ nếu các khoản phí thu được tại thời điểm ngân hàng đổ vỡ không đủ để đáp ứng việc trả tiền bảo hiểm. Hệ thống 'Giải pháp ngân hàng mở' (OBR) hiện New Zealand đã sử dụng sẽ tiếp tục hoạt động cùng với cơ chế BHTG” - ông Robertson cho biết.
OBR là một hệ thống cho phép tạm thời đóng cửa một ngân hàng yếu kém và người gửi tiền sẽ mất 1 khoản lỗ dự kiến trích từ tiền gửi của họ tương ứng với mức độ khó khăn của ngân hàng. New Zealand từng được coi là có chính sách bất thường khi chỉ có OBR và không có cơ chế BHTG cho người gửi tiền quy mô nhỏ hơn.
"Các ngân hàng của chúng tôi an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, OECD và IMF đã nói rằng hệ thống ngân hàng của chúng tôi có thể dễ bị tổn thương hơn trong một cuộc khủng hoảng vì chúng tôi không có cơ chế BHTG. Cơ chế này sẽ góp phần tăng niềm tin của công chúng vào các ngân hàng" - ông Robertson khẳng định trong một tuyên bố gần đây.
Cả Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ đưa ra các báo cáo đánh giá hoat động trong 6 tháng đầu năm của New Zealand trong những ngày sắp tới, và đưa ra khuyến nghị chính sách phù hợp hơn cho ngành tài chính ngân hàng.
Chính phủ muốn được các tổ chức này phản hồi về nội dung cách thức vận hành cơ chế BHTG. Báo cáo ước tính cần có quỹ BHTG ở mức 2-3 tỷ đô là Newzealand (tương đương từ gần 1,5 đến 2 tỷ đô la Mỹ), có thể được xây dựng trong một thập kỷ tới thông qua thu phí 5% đối với lợi nhuận ngân hàng, hoặc phí bảo hiểm 20 điểm cơ bản đối với tiền gửi được bảo hiểm.
Theo một nguồn tin khác, bất kỳ sự gia tăng quỹ hoặc chi phí hoạt động của ngân hàng theo cơ chế bảo vệ người gửi tiền đều có thể được quy đổi sang cho khách hàng của ngân hàng thông qua lãi suất thế chấp cao hơn hoặc lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thấp hơn, hoặc có thể dẫn đến việc giảm tín dụng cho nền kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến đầu tư và hoạt động kinh tế ở New Zealand.
Về nguyên tắc, ông Robertson cũng cho biết Ngân hàng dự trữ Newzealand (RBNZ) nắm quyền giám sát thận trọng, mặc dù quyết định đó không được đưa ra trong thông cáo báo chí. Ông từ chối các đề xuất để thành lập một cơ quan giám sát độc lập vì quá tốn kém và sao chép một cách không cần thiết một số chức năng của Ngân hàng Trung ương. Tương tự, ông Robertson không cho rằng việc hợp nhất các chức năng giám sát của RBNZ với vai trò điều phối thị trường của Cơ quan Thị trường Tài chính là kết quả đúng đắn.
Ông Robertson quyết định không đặt các mục tiêu ở mức cao như 'lành mạnh' và 'hiệu quả' đối với RBNZ để ủng hộ mục tiêu duy nhất là 'ổn định tài chính' và sẽ kết hợp các cơ chế quản lý riêng cho các ngân hàng và tổ chức nhận tiền gửi phi ngân hàng. Ông cũng sẽ thành lập một Hội đồng quản trị mới chịu trách nhiệm về tất cả các quyết định của RBNZ, ngoại trừ những quyết định dành cho Ủy ban Chính sách tiền tệ trong khi tăng cường trách nhiệm giám sát của Bộ Tài chính. Hội đồng sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức, sẽ thiết lập chiến lược và giám sát các hoạt động của cấp quản lý – gồm Thống đốc và nhân viên cấp cao, trong khi ban quản lý sẽ được giao trách nhiệm điều hành tổ chức theo các chỉ thị được thiết lập bởi hội đồng quản trị.
Vòng tham vấn tiếp theo trong việc xem xét Luật điều chỉnh của RBNZ sẽ bao gồm đánh giá hệ thống giám sát, công cụ điều tiết và quyền hạn mà Ngân hàng Trung ương nên có, vai trò trong chính sách thận trọng vĩ mô, các công cụ nên sử dụng trong bảng cân đối kế toán, các tính năng của chế độ quản lý khủng hoảng, cách thức cấp và giải ngân vốn.