Diễn đàn gồm 3 phiên xoay quanh các chủ đề nổi bật gồm: Chính sách tiền tệ và những lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay; Định hướng điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm 2018; Nhìn lại quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; Định hướng, giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian tới; Kết quả sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu; Giải pháp tăng cường an ninh bảo mật trong hoạt động thanh toán và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc diễn đàn
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho hay, ngành ngân hàng đã và đang quyết liệt triển khai cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, bền vững của tổ chức tín dụng, từ đó tạo tiền đề vững chắc để kiềm chế lạm phát, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Trong những năm qua, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đạt được những thành công nhất định trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và thị trường tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đã thiết lập nền tảng vững chắc của hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng ổn định, các cân đối kinh tế vĩ mô được giữ vững, vị thế Việt Nam dần được nâng cao.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó Moody đã nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực. Bloomberg đánh giá đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.
Hội đàm thảo luận và giải đáp thắc mắc tại diễn đàn
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Thanh Hà - Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng 5%, tương đương cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng của tín dụng cũng đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn, thanh khoản ổn định. 2 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng tăng đều từ đầu năm. Theo ông Hà, điều này khác với trước đây và phản ánh diễn biến của nền kinh tế.
Thực tế, tình hình hấp thụ vốn của nền kinh tế quý vừa qua có nhiều tín hiệu tốt. Tuy nhiên, đại diện NHNN cho biết, chỉ tiêu tín dụng hiện nay vẫn đang phù hợp. NHNN vẫn sẽ tiếp tục theo dõi và chưa thấy có yếu tố nào để điều chỉnh chỉ tiêu này.
Về tăng trưởng tín dụng, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho rằng, không tạo ra sức ép quá lớn cho hệ thống tín dụng khi tỷ lệ tín dụng/GDP hiện khá cao (130%). "Chúng ta vẫn mong muốn tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng lưu ý chỉ là một phần vì còn nhiều yếu tố tác động như chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động..." - TS Lực nói. Đặc biệt, IMF cũng đã đưa ra kiến nghị yêu cầu thận trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng, nhất là khi hoạt động tăng vốn của các ngân hàng vẫn còn hạn chế.
Các nhân tố tác động tới điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đòi hỏi toàn ngành phải theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Nợ xấu được kiểm soát duy trì dưới 3%, đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh, bước đầu đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua ngày 26/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nợ xấu bước đầu đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Mặc dù vậy, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, thách thức trong mục tiêu thực hiện đúng lộ trình đề ra, đòi hỏi quyết tâm của các bộ, ngành địa phương. Quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thách thức trong việc triển khai đúng mục tiêu, lộ trình đề ra, đòi hỏi sự quyết tâm của NHNN và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống pháp lý đồng bộ, thống nhất, tăng cường tính minh bạch, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam nhằm đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng.