Với hệ thống mạng lưới rộng lớn nhất gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch khắp mọi vùng miền, là ngân hàng duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, trên 51.000 tổ vay vốn… Agribank không ngừng nỗ lực tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của bà con nông dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, để mọi người dân ai cũng được thụ hưởng lợi ích từ các chương trình tín dụng chính sách, tránh “bẫy” tín dụng đen, vốn “len lỏi” ở các vùng quê lâu nay.
Agribank tăng cường khả năng tiếp cận vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến người dân |
Đẩy lùi tín dụng đen
Tại phiên họp thứ 26 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ thêm lý do tín dụng đen vẫn đang len lỏi trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Theo lý giải của Thống đốc, bản chất của tín dụng đen là hoạt động cho vay dân sự, không qua các tổ chức tài chính tín dụng chính thức. Tín dụng đen hay tín dụng không chính thức thường phục vụ cho nhu cầu vay vốn rất nhanh, nóng và cần phải xử lý gấp về mặt thời gian nên các điều kiện cho vay rất nhanh gọn. Đặc biệt, lãi suất cho vay rất cao, dựa trên các thỏa thuận giữa các bên, không cần cam kết.
Về đối tượng đi vay tín dụng không chính thức, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, thường là người có nhu cầu rất cấp bách về vốn để xử lý các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Một số khoản vay trong số đó nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc…
Ở góc độ quản lý tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc xử lý những vấn đề bức xúc về tín dụng đen trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Nhận thức vấn đề này, trong nhiều năm qua, với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách, để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay của ngân hàng, thay vì tìm đến tín dụng đen.
Tính đến thời điểm này, Agribank đang chủ lực triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách gồm: Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch…
Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn.
Kết quả đầu tư tín dụng thời gian qua cho thấy, một đồng vốn tín dụng đã góp phần tạo ra xấp xỉ 1,2 đồng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản. Tín dụng gia tăng đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 tăng 2,9%, quý I/2018 tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011-2017).
Đại diện Agribank cho biết, hiện có gần 4 triệu khách hàng đang vay vốn Agribank, trong đó khách hàng hộ sản xuất và cá nhân chiếm tỷ trọng lên tới gần 70%/dư nợ cho vay nền kinh tế. Dư nợ cho vay của Agribank đối với đối tượng khách hàng này có sự tăng trưởng mạnh tại khu vực Tây Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên.
Trong tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1 triệu 120 ngàn tỷ đồng, có tới 73,6% dư nợ của Agribank “nằm” ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 51% thị phần tín dụng toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”. Trong khi đó, dư nợ tín dụng toàn ngành Ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Có thể thấy rõ, vốn tín dụng đã giúp người dân, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…) giúp người vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen ở khu vực nông thôn.
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho mọi người dân
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp, như đưa ra quy định lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực, trong đó, lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở mức ưu đãi.
Cùng với đó là các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn: Tạo điều kiện cho các tổ chứ tín dụng chính thức cung ứng nguồn vốn cho vay, mở các chi nhánh, địa bàn hoạt động ở vùng sâu, vùng xa...
Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại (trong số 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện có, Agribank phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ về vay tiêu dùng, vay tín chấp… phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng), đồng thời triển khai các gói ưu đãi lãi suất thu hút khách hàng.
Mỗi năm bằng tài chính của ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Agribank đã có rất nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí, có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank.
Cùng với kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ trực tiếp tại hơn 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng lưu động bằng 600 xe ô tô chuyên dùng, Agribank phát triển nhiều kênh phân phối ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.
Đặc biệt, sau 6 tháng triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, Agribank đã thực hiện được 1.081 phiên giao dịch, cung cấp dịch vụ cho hơn 111.000 khách hàng tại địa bàn nông thôn, tổng số tiền giải ngân đạt 624 tỷ đồng.
Một người dân bản Nà Mường 2, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La sau khi thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch lưu động của Agribank đã chia sẻ: Trước đây, mỗi lần cần giao dịch với ngân hàng, chồng hoặc con tôi phải chở bằng xe máy ra tận ngoài ngân hàng huyện, đi lại rất vất vả và mất rất nhiều thời gian. Bây giờ, có ngân hàng lưu động, người dân chúng tôi sẽ tiết kiệm được xăng xe đi lại cũng như thời gian. Nếu có thiếu giấy tờ gì liên quan có thể về nhà lấy được ngay…
Xác định “Tam nông” tiếp tục là địa bàn chiến lược, do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu Agribank ưu tiên đó là cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông”.
Mục tiêu đó được cụ thể hoá thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… để mọi người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đều có thể tiếp cận và sử dụng nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng trong giao dịch thanh toán.
Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đưa ra hàng loạt các giải pháp.
Thứ nhất, một mặt Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng như hệ thống Agribank, các quỹ tín dụng mở các chi nhánh, cung ứng các dịch vụ thanh toán, tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng qua hình thức ngân hàng lưu động, áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân.
Thứ hai, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô, các quỹ tns dụng nhân dân nâng cao chất lượng hoạt động để nâng cao chất lượng vốn vay.
Thứ ba, thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách tốt hơn; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thanh toán để giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Ngân hàng, hoạt động tín dụng không chính thức đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chứ không chỉ có hệ thống ngân hàng.
“Ở đây có trách nhiệm của Bộ Công an, chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động này. Vì vậy, thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo và tới đây các bộ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng để đảm bảo cung ứng vốn tốt hơn nữa cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đối tượng người dân ở vùng sâu, vùng xa”, Thống đốc bày tỏ.
Bản chất của tín dụng đen là hoạt động cho vay dân sự, không qua các tổ chức tài chính tín dụng chính thức. Tín dụng đen hay tín dụng không chính thức thường phục vụ cho nhu cầu vay vốn rất nhanh, nóng và cần phải xử lý gấp về mặt thời gian nên các điều kiện cho vay rất nhanh gọn. Đặc biệt, lãi suất cho vay rất cao, dựa trên các thỏa thuận giữa các bên, không cần cam kết. |