Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại cuộc họp
16 ngân hàng đã cam kết giảm lãi cho vay khoảng 3.500 tỷ đồng
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng (HHNH) cho biết, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3 – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
Theo lãnh đạo HHNH, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm, cụ thể:
Thứ nhất, một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng (do người dân có hiện tượng thiếu niềm tin vào NHTM quy mô nhỏ nên có xu hướng gửi tiền đến các ngân hàng có vốn nhà nước), chứ không hẳn gặp vấn đề thanh khoản;
Thứ hai, giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó. Các NHTM có quy mô vừa và nhỏ buộc phải thực hiện giao dịch tiền tệ có tài sản đảm bảo như giấy tờ có giá để đáp ứng nhu cầu thanh khoản hàng ngày, tuy nhiên, khối lượng giấy tờ có giá sẵn có để phục vụ cho nhu cầu trên không nhiều;
Thứ ba, áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn (tỷ lệ này đã bị giảm từ 37% xuống 34% vào tháng 10/2022, theo lộ trình thì tháng 10/2023 sẽ giảm tiếp tục xuống 30%) - dẫn đến các NHTM đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định. Mặt khác, đối với tài khoản vốn chuyên dùng của khách hàng, đây là nguồn tiền tương đối ổn định, bền vững nhưng theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN không được tính vào tổng tiền gửi phục vụ cho việc tính tỷ lệ LDR (Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi).
Thứ tư, các NHTM tham gia thị trường liên ngân hàng không nắm bắt được thông tin của NHTM tham gia, do vậy, không có thông tin đánh giá ngân hàng đối tác, để cân nhắc, ra quyết định cho vay/gửi tiền tại NHTM khác, dẫn dến có thời điểm một số NHTM gặp khó khăn về thanh khoản và phải nâng lãi suất huy động để đảm bảo thanh khoản.
Trước tình hình đó, với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại tệ, tỷ giá bớt căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao, phổ biến từ 9 - 10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5%/năm. Việc một số NHTM điều chỉnh tăng lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.
“Do đó, ngày 7/12/2022, HHNH họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp” – ông Nguyễn Quốc Hùng thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, sau khi điều chỉnh room tín dụng từ 1,5-2%, đã có 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.
Không để ngân hàng thương mại nào rơi vào tình trạng mất thanh khoản
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, các ngân hàng đã tích cực hỗ trợ nền kinh tế. Gần đây, NHNN đã nới room tín dụng, tạo điều kiện để các TCTD tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế đi đôi với bảo đảm thanh khoản.
“NHNN sẽ không để NHTM nào, kể cả ngân hàng nhỏ, rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Chính sách tiền tệ hiện nay vừa đảm bảo cung ứng vốn, vừa đảm bảo thanh khoản, đồng thời kiểm soát lạm phát cho cả năm nay và năm 2023” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Về cơ chế chính sách, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang tích cực nghiên cứu điều chỉnh cơ chế phù hợp, linh hoạt tạo điều kiện hơn cho các TCTD hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng Thống đốc NHNN đã quán triệt tinh thần là hướng tới các mục tiêu lớn, chứ không chạy theo mục tiêu nhỏ. Về lâu dài, không để tiền lệ chấp nhận 1, 2 đơn vị đặc thù trong trường hợp đặc biệt biến thành cơ chế chung cho cả hệ thống.
“Các chương trình hỗ trợ của NHTM hết sức có ý nghĩa, không chỉ lãi suất giảm mà quan trọng là xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, khẳng định sự đồng hành của ngân hàng với nền kinh tế, do đó, thời gian qua lãnh đạo Chính phủ quan tâm tới vấn đề này. Khi trao đổi tại cuộc họp với các ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã có phân tích rất đúng bản chất, đó là, các ngân hàng cần xác định có lợi nhuận là nhờ nền kinh tế, bà con, doanh nghiệp, nên khi khó khăn cần chia sẻ, hỗ trợ nhau,”- ông Đào Minh Tú nói.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hỏa tốc yêu cầu Thống đốc NHNN về cung ứng vốn cho nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
“Các ngân hàng khi cam kết nên công bố công khai trên báo chí, truyền thông, vì đây là vinh dự và trách nhiệm, ngân hàng nào đã cam kết thì cần quyết tâm thực hiện đúng.” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp
Mặc dù áp lực tăng lãi suất từ thế giới là không nhỏ, nhưng đại diện nhiều ngân hàng cũng thống nhất sẽ cố gắng kiềm chế đà tăng của lãi suất. Đại diện NamABank cho biết, ngân hàng quán triệt tinh thần chỉ đạo của NHNN, đồng thuận với các TCTD và HHNH về việc duy trì lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm.
Ngoài tiết giảm chi phí đầu vào, ngân hàng cắt giảm một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-2%/năm tùy kỳ hạn, lĩnh vực. Tuy nhiên, để ngân hàng có thêm dư địa hỗ trợ khách hàng, đại diện NamABank bày tỏ mong muốn NHNN tăng cường hỗ trợ trên thị trường OMO, đặc biệt là duy trì các kỳ hạn dài hơn, quy mô lớn, tạo thanh khoản ổn định cho hệ thống.
Ở khối NHTM Nhà nước, Phó Tổng giám đốc BIDV Nguyễn Thiên Hoàng cũng bày tỏ sự thống nhất quan điểm chỉ đạo của NHNN, HHNH về việc giảm lãi suất đầu vào. Còn lãi suất đầu ra các NHTM Nhà nước sẽ bàn bạc để đưa ra mức lãi suất tốt cho thị trường. Ngoài ra, lãnh đạo BIDV cũng đề xuất NHNN hỗ trợ thanh khoản tối đa trên kênh OMO và tái cấp vốn cũng như đánh giá xem xét linh hoạt tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) trong điều kiện huy động vốn khó khăn để các NHTM có thêm điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cũng khẳng định, Agribank hoàn toàn đồng thuận và đang cố gắng tiết giảm chi phí, giữ mặt bằng lãi suất ổn định để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. “Chi phí đầu vào lớn nhất của ngân hàng là chi phí huy động vốn. Việc tiết giảm chi phí hoạt động giới hạn. Do đó, ngân hàng mong muốn cố gắng duy trì mức lãi suất như cam kết, nếu có điều kiện thì giảm thêm. Có như vậy, mới có điều kiện hỗ trợ khách hàng nhiều hơn” - bà Phượng bày tỏ.
Đánh giá cao tinh thần đồng thuận của các TCTD, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú biểu dương một số NHTM đã có những cam kết bằng hành động khi vừa thực hiện giảm lãi suất, triển khai nhiều gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi, củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó góp thêm sự ủng hộ của ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế. Phó Thống đốc cho biết, NHNN luôn chỉ đạo các NHTM quan tâm và tạo điều kiện một cách tối đa giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM xây dựng lại kế hoạch từ nay đến Tết Nguyên Đán. Ngân hàng nào đã cam kết giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động thì thực hiện đúng và nghiêm túc; những ngân hàng chưa cam kết thì sau hội nghị này khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản cam kết theo tinh thần kêu gọi của HHNH. Đồng thời, các NHTM công khai cam kết giảm lãi suất; tiếp tục giảm chi phí hoạt động một cách tích cực nhất.
“Các NHTM giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí; Tiếp tục quan tâm giải ngân vào những lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế… Các NHTM coi đây là trách nhiệm của ngân hàng mình”, Phó Thống đốc lưu ý và khẳng định.
Kết luận cuộc họp, Tổng Thư ký HHNH Nguyễn Quốc Hùng cho biết ngay sau cuộc họp, HHNH sẽ có văn bản gửi tới tất cả các tổ chức hội viên và báo cáo Thống đốc NHNN về kết quả của cuộc họp. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá cao các kiến nghị mang tính thực tiễn của các TCTD. HHNH sẽ tiếp tục kiến nghị NHNN hỗ trợ tối đa cho các tổ chức tín dụng, phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục chức năng để đưa ra những chích sách thiết thực, thực sự hỗ trợ cho các TCTD, từ đó có những hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.