Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt chính sách hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách nhà nước 2%/năm (tối đa 40.000 tỷ đồng) trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực.
Khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành chính sách
Thực hiện nhiệm vụ được giao, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo đúng quy trình, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chuyển Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ để ban hành theo kế hoạch.
Ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Nghị định 31)
Nghị định 31 nêu rõ, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất (gọi là khách hàng) thuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi (H), du lịch (N79), dịch vụ lưu trú, ăn uống (I), giáo dục và đào tạo (P), nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (A), công nghiệp chế biến, chế tạo (C), xuất bản phần mềm (J582), lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan (J-62), hoạt động dịch vụ thông tin (J-63); trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L) theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.
(ii) Có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.
Nghị định cũng quy định điều kiện để được hỗ trợ lãi suất gồm:
(i) Khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
(ii) Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.
(iii) Khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong các trường hợp sau: Khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả; Khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.
Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định trên.
Đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, ngân hàng thương mại thực hiện giảm cho khách hàng số lãi tiền vay phải trả bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong kỳ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nghị định nêu rõ, việc hỗ trợ lãi suất phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách.
Ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho khách hàng.
Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (20/5/2022) đến ngày 31/12/2023.
NHTM dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được thông báo, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Đảm bảo triển khai hiệu quả, đúng nguyên tắc, đúng đối tượng
Tại Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của NHNN hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 (Thông tư 03) cũng quy định rõ về phương thức hỗ trợ lãi suất.
Theo đó, đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, ngân hàng thương mại lựa chọn thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng theo một trong các phương thức sau: Giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất; Thực hiện thu của khách hàng toàn bộ lãi tiền vay trong kỳ và hoàn trả khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi. Trường hợp việc thu lãi vay trong kỳ thực hiện sau giờ làm việc của ngân hàng thương mại thì việc hoàn trả số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất có thể thực hiện vào ngày tiếp theo.
Thông tư 03 cũng quy định NHTM có trách nhiệm: Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư này để tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định tối thiểu các nội dung sau: Các nội dung về hỗ trợ lãi suất tại thỏa thuận cho vay, phụ lục sửa đổi, bổ sung thỏa thuận cho vay, chứng từ nhận nợ giữa ngân hàng thương mại và khách hàng; Nội dung thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng về các biện pháp thu hồi trong trường hợp phải thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; Xác định và ghi rõ nội dung về mục đích sử dụng vốn vay phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP tại thỏa thuận cho vay hoặc phụ lục sửa đổi, bổ sung thỏa thuận cho vay hoặc chứng từ nhận nợ giữa ngân hàng thương mại và khách hàng.
NHTM thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư này; trường hợp từ chối hỗ trợ lãi suất phải có văn bản thông báo cho khách hàng. Đồng thời NHTM có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay theo đúng mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất; Theo dõi, lưu trữ hồ sơ, hạch toán, thống kê riêng các khoản vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư này. Bên cạnh đó, cần thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất tại NHTM theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư này; Công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của NHTM thời điểm dừng hỗ trợ lãi suất.
Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất 2% trong giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ nhiều khả năng sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, bởi gói hỗ trợ lần này có nhiều hậu thuẫn của các chính sách khác và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp đang phục hồi.
Thời gian qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã luôn chủ động, sẵn sàng hỗ trợ với nhiều chính sách, giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, qua đó hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước tác động của dịch Covid-19, hơn hai năm qua, ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai các chính sách thâm chí là chưa từng có tiền lệ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ, miễn, giảm lãi, phí, kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 30/6/2022, cùng với các đợt giảm lãi suất và là một trong những ngân hàng trung ương có mức giảm lãi suất điều hành nhiều nhất trong khu vực.
Chính sách hỗ trợ lãi suất lần này là chủ trương lớn và ý nghĩa của Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh sự quyết liệt, chủ động triển khai của ngành Ngân hàng, sự phối hợp của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, chương trình hỗ trợ lãi suất được triển khai đúng nguyên tắc, minh bạch, tuân thủ các quy đinh, đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.