Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn tỉnh Thái Nguyên) nêu vấn đề về tội phạm công nghệ cao có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân, về tài khoản, các đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Đại biểu lấy ví dụ tại tỉnh Thái Nguyên có một vụ án liên quan đến các đối tượng đã xâm nhập vào tài khoản đánh cắp tiền trong tài khoản, gây khó khăn trong quá trình điều tra. Đại biểu đề nghị Thống đốc có giải pháp để đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân cũng như giải pháp để giảm thiểu loại tội phạm này, đặc biệt trong thời gian tới đây việc phối hợp với Bộ Công an tích hợp tài khoản thẻ căn cước để thanh toán tiền.
Trả lời về vấn đề tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, an toàn thông tin tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp.
Cụ thể, thông tin từ báo cáo thống kê của Bộ Công an và Bộ Thông tin truyền thông, ngành Ngân hàng thuộc nhóm phải chịu số lượng lớn các cuộc tấn công từ tội phạm mạng. Đặc biệt, giai đoạn 2019-2020, có khoảng 4.000 vụ tấn công an ninh mạng có chủ đích, sử dụng nhiều thủ đoạn như giả mạo website ngân hàng, đánh cắp tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền và cũng đã có ngân hàng bị tấn công xâm nhập hệ thống.
Trước những thách thức đó, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành chú trọng đầu tư cho ATTT và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống tấn công. Nhờ đó, các hệ thống thông tin trong ngành Ngân hàng luôn được đảm bảo, hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, không tấn công được các hệ thống thông tin của ngân hàng, tội phạm đã gia tăng tấn công vào các đối tượng dễ bị tổn thương hơn là khách hàng của ngân hàng bằng phương thức, thủ đoạn tấn công lừa đảo qua tin nhắn, website, giả mạo - phishing để đánh cắp tiền” - Thống đốc dẫn chứng.
Cụ thể, đã có trường hợp làm giả các hồ sơ, giấy tờ để giao dịch với ngân hàng; lấy cắp thông tin cá nhân của khách hàng, tiếp cận lấy tiền qua internet banking; lấy thông tin khách hàng để mua bán, đòi tiền chuộc; dùng giấy tờ giả để mạo danh lừa đảo…
Trước tình hình trên, năm 2021, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị riêng về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay; đầu năm 2022 tiếp tục có Chỉ thị số 02/CT-NHNN đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, trong đó tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, kiện toàn phương án bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng; xây dựng nguồn nhân lực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu quản lý; làm tốt công tác truyền thông về chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn trên không gian mạng và các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản qua các kênh giao dịch ngân hàng điện tử.
Thứ hai, triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các giao dịch đáng ngờ qua hệ thống dịch vụ ngân hàng điện tử, đặc biệt giao dịch liên quan đến người cao tuổi. Rà soát, hoàn thiện các biện pháp xác thực, định danh khách hàng điện tử, đảm bảo xác định chính xác khách hàng…
Thứ ba, triển khai tổng thể các giải pháp phòng, chống lộ lọt thông tin, dữ liệu mật, nhạy cảm, trong đó có thông tin khách hàng của ngân hàng qua hệ thống thông tin; tổ chức tốt việc phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN đã ban hành Hướng dẫn xử lý khủng hoảng khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng để nâng cao năng lực chung của toàn Ngành về khả năng ứng phó, sẵn sàng xử lý các sự cố an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro mất an toàn thông tin. Đồng thời, hàng năm sẽ tổ chức các đợt diễn tập, cuộc thi về điều tra, xử lý, ứng cứu sự cố an toàn thông tin nhằm nâng cao năng lực, trình độ và kinh nghiệm xử lý sự cố an toàn thông tin cho các đơn vị trong Ngành.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phối hợp với Bộ Công an, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra các tình huống để có biện pháp ứng phó, kịp thời ngăn chặn. Ngoài ra, các TCTD cũng đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phần mềm phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật thông tin cho khách hàng. Trong thời gian vừa qua, với sự tham gia của các bộ, ngành, tình trạng này đã suy giảm đáng kể.
Thống đốc cho biết, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng cường công tác đảm bảo ATTT cho các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng; tăng cường triển khai các giải pháp đang thực hiện, đặc biệt công tác quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và công tác phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm liên quan.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an triển khai mở rộng cho phép các ngân hàng kết nối, khai thác thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chíp để phục vụ xác minh chính xác thông tin nhận biết khách hàng, hạn chế hành vi gian lận, mạo danh, làm giả giấy tờ tùy thân khi thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử.