Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Nội dung đầu tiên được thảo luận tại phiên họp là tình hình kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức; tăng trưởng có xu thế giảm, lạm phát có xu thế tăng cao, ngân hàng Trung ương của nhiều nước tăng lãi suất, tác động tới nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20-21/9 và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Tăng trưởng có xu hướng giảm, lạm phát có xu hướng tăng cao tại hầu hết các nước, trong đó có Mỹ, EU, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước ASEAN… Trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, dẫn tới hệ quả là lạm phát tăng cao, khiến ngân hàng Trung ương thời gian qua nhiều nước phải tăng lãi suất.
Việc các nước tăng lãi suất làm ảnh hưởng tới nhiều nước khác về nợ công, xuất khẩu, thất nghiệp… Với Việt Nam, nền kinh tế có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn, nên một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của các nước cũng tác động tới tỉ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền… của Việt Nam.
“Trong bối cảnh đó, chúng ta dứt khoát không hoang mang, dao động; cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động nắm bắt tình hình, giữ vững bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành. Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đây là ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, tổ chức thực hiện thật tốt Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
Về định hướng chính sách tiền tệ và tài khóa, Thủ tướng chỉ đạo việc thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên. Tích cực hơn nữa, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2%; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực.
Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; trong đó chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả cùng các chính sách khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác quy hoạch, rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề phát sinh và các vấn đề tồn đọng một cách hiệu quả.