32 chi nhánh của Ngân hàng Republic First ở New Jersey, Pennsylvania và New York đã mở cửa hoạt động trở lại với tư cách là chi nhánh của Ngân hàng Fulton vào thứ Bảy ngày 27/4 (đối với các chi nhánh làm việc thứ Bảy), còn lại mở cửa vào thứ Hai 29/4 với thời gian làm việc bình thường.
Ngay từ 26/4, người gửi tiền tại Ngân hàng Republic First có thể tiếp cận tiền gửi của họ bằng cách rút séc, sử dụng thẻ ATM hoặc thẻ ghi nợ. Séc được rút từ Ngân hàng Republic First cũng như các khoản vay của khách hàng sẽ tiếp tục thực hiện thanh toán bình thường.
Người gửi tiền của Ngân hàng Republic First trở thành người gửi tiền của Ngân hàng Fulton và tiếp tục được tự động bảo hiểm tiền gửi. Khách hàng của Ngân hàng Republic First được khuyến nghị tiếp tục giao dịch với các chi nhánh hiện tại của mình cho đến khi nhận được thông báo từ Ngân hàng Fulton về việc có thể giao dịch với hệ thống chi nhánh Ngân hàng Fulton.
Khách hàng có thắc mắc về việc Ngân hàng Fulton mua lại Ngân hàng Republic First có thể gọi tới FDIC theo đường dây nóng miễn phí hoặc truy cập trang web của FDIC để biết thêm thông tin.
Tính đến ngày 31/1/2024, Ngân hàng Republic First có tổng tài sản khoảng 6 tỷ USD và tổng tiền gửi là 4 tỷ USD. FDIC ước tính, chi phí của Quỹ Bảo hiểm tiền gửi (DIF) liên quan đến sự phá sản của Ngân hàng này sẽ là 667 triệu USD. FDIC xác định, so với các lựa chọn xử lý khác, việc Ngân hàng Fulton mua lại Ngân hàng Republic First là giải pháp ít tốn kém nhất đối với Quỹ Bảo hiểm tiền gửi. Ngân hàng Republic First là ngân hàng Mỹ đầu tiên phá sản trong năm nay.
Đắc Thành