Chủ tịch ECB, Mario Draghi, nói rằng ECB sẵn sàng hành động trong cuộc họp tới, song cần phải dựa vào báo cáo cập nhật về tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Eurozone dự kiến được công bố vào đầu tháng Sáu. ECB hiểu rõ không thể để tình trạng lạm phát thấp kéo dài và nhận thấy sự cần thiết phải hành động trong bối cảnh Eurozone đang đứng trước nguy cơ thiểu phát.
Lạm phát giá tiêu dùng trong Eurozone trong tháng 4/2014 đứng ở mức 0,7%, cao hơn so với ngưỡng 0,5% tháng trước đó, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% mà ECB đã đề ra.
Ông Draghi cho hay các số liệu kinh tế gần đây cho thấy kinh tế Eurozone tiếp tục đà phục hồi nhẹ song còn chậm và đối mặt với nhiều nguy cơ. Trong số những nguy cơ này phải kể tới những bất ổn địa-chính trị liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Chủ tịch ECB cũng lưu ý rằng đồng euro mạnh trong bối cảnh lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế yếu hiện là mối "quan ngại nghiêm trọng" đối với ngân hàng này. Đến nay, ECB cũng chưa đề ra mục tiêu nào cho tỷ giá euro và USD.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế ở châu Âu nhận định rằng cho dù ECB có hành động vào tháng Sáu tới, điều này cũng sẽ không tạo sự khác biệt lớn, trừ phi ECB khiến các thị trường ngạc nhiên bằng kế hoạch mua trái phiếu quy mô lớn.
Nhà kinh tế Tom Rogers thuộc hãng EY Eurozone Forecast cho rằng việc ECB cắt giảm lãi suất trong tháng tới cũng sẽ chỉ mang lại ảnh hưởng hạn chế, nhưng dẫu sao đây cũng là bước đi đúng, bởi ít nhất động thái này của ECB sẽ làm gia tăng sự tín nhiệm đối với ngân hàng này cũng như làm giảm sức ép lên đồng euro.
Trong phiên 8/5, đồng euro đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2011 sau quyết định giữ nguyên lãi suất của ECB. Tuy nhiên, tuyên bố sau đó của Chủ tịch Draghi rằng ECB sẵn sàng hành động trong cuộc họp tháng tới đã đẩy đồng euro giảm 0,4% xuống 1,384 USD.