Phát biểu tại Hội nghị Ủy ban BHTG châu Phi (thuộc Hiệp hội BHTG Quốc tế - IADI) tại Victoria Falls vừa qua, bà Jesimen Chipika - Phó Thống đốc RBZ nhấn mạnh cơ chế BHTG sẽ giúp tạo dựng niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính – ngân hàng với sự minh bạch, bảo đảm và tạo điều kiện cho việc chi trả các yêu cầu bồi hoàn một cách trình tự, đặc biệt là trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng.
Bà Chipika nhấn mạnh, trong vài năm qua, công nghệ số đã phát triển mạnh mẽ với đa dạng loại hình cũng như cơ chế phân phối của các dịch vụ tài chính – ngân hàng trên toàn cầu. Thay vì các dịch vụ ngân hàng truyền thống, hiện nay, sự mở rộng của ngân hàng trực tuyến cùng các dịch vụ thông qua điện thoại thông minh và máy tính bảng ngày một phổ biến.
Sự cần thiết phải xây dựng cơ chế BHTG xuất hiện khi khủng hoảng tài chính thế giới gây áp lực lớn lên các quốc gia phải giải cứu các ngân hàng và quyền lợi của người gửi tiền cần phải được bảo vệ. Từ đó, nhiều quốc gia đã thiết lập cơ chế BHTG nhằm dự phòng khủng hoảng.
Mô hình BHTG lần đầu xuất hiện ở Mỹ sau cuộc Đại suy thoái kinh tế kéo dài nhất của nước này, kéo theo đó là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1929.
Theo Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), vào năm 2014, khoảng 113 quốc gia đã và đang xây dựng cơ chế BHTG trong khi vào năm 1974 con số này mới chỉ là 12. IADI là nơi quy tụ khoảng 71 tổ chức BHTG trên toàn thế giới, có trụ sở tại Basel, Thụy Sĩ.
Trên thực tế, sự nổi lên của các tổ chức dịch vụ tài chính mới dựa trên nền tảng công nghệ (thường được gọi là fintech) giúp mở rộng khả năng tiếp cận với một loạt các dịch vụ tài chính, có tác động đáng kể đến vai trò ổn định tài chính của tổ chức BHTG.
Các tổ chức tín dụng Zimbabwe đã và đang phải rà soát lại mô hình hoạt động của họ và khai thác thêm các kênh phân phối dịch vụ tài chính mới và sự hợp tác giữa các tổ chức tín dụng truyền thống và các tổ chức fintechs.
Trong khi sự phát triển này tác động tích cực đến động lực thúc đẩy sự mở rộng tiếp cận tài chính. Các cơ quan giám sát và quản lý thừa nhận xu hướng này mang lại những rủi ro mới và nhu cầu cấp thiết phải rà soát để bảo đảm ổn định khuôn khổ mạng lưới an toàn tài chính.
Vào đầu những năm 90, Zimbabwe xem xét lại một loạt những quy định trong ngành tài chính – ngân hàng vốn đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong cơ cấu tổ chức và quản lý rủi ro. Cũng vào thời điểm đó, quốc gia này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải xây dựng cơ chế BHTG sau khi có nhiều ngân hàng lớn đổ vỡ như: ngân hàng Universal Merchant Bank, ngân hàng United Merchant Bank, ngân hàng Xây dựng xã hội Zimbabwe Building Society and và ngân hàng First National Building Society.
Quỹ BHTG Zimbabwe do Tổng công ty BHTG Zimbabwe quản lý được thành lập theo Mục 13 của Đạo luật Tổng Công ty BHTG. Mục tiêu ban đầu là nhằm bảo hiểm một phần hoặc toàn bộ các khoản tiền gửi trong trường hợp tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán. Tổng công ty BHTG Zimbabwe đi vào hoạt động kể từ 1/7/2003 với sứ mệnh bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền Zimbabwe tại các tổ chức được cấp phép hoạt động kinh doanh ngân hàng như: ngân hàng thương mai, ngân hàng thương nhân, ngân hàng xã hội, các công ty tài chính, các tổ chức tài chính trung gian, các tổ chức tài chính vi mô. Hạn mức chi trả BHTG của Zimbabwe hiện tại là 1,000 đôla Mỹ/người gửi tiền tại mỗi tổ chức tài chínhvà 250 đôla Mỹ đối với người gửi tiền tại các tổ chức tài chính vi mô
Đ.T.T
Nguồn: https://www.dailynews.co.zw/articles/2017/11/08/rbz-applauds-deposit-insurance