Vốn tín dụng tạo ra những hiệu ứng tích cực
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 27/4/2023, trên toàn quốc huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) khá tốt (đạt 12,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng), thanh khoản hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng. Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ, với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh TCTD, phòng giao dịch, quỹ tín dụng nhân dân, đến hết quý I/2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%; tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%).
Về cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế, NHNN cho hay, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 900 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,4%), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 8,2 triệu tỷ (chiếm 66,6%). Tại khu vực Đông Nam Bộ, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 135 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,2% dư nợ tín dụng vùng), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 2,96 triệu tỷ (chiếm 70,8%). Cơ cấu tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ của vùng khá tương đồng với cơ cấu tín dụng của toàn quốc.
Tín dụng ngành ngân hàng 4 tháng đầu năm tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 3 triệu tỷ đồng (chiếm gần 25% dư nợ nền kinh tế), doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng (chiếm 18%). Trong đó, tại khu vực Đông Nam Bộ, tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 633 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 15% dư nợ khu vực), doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1,04 triệu tỷ đồng (chiếm 25% dư nợ khu vực).
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, các giải pháp điều hành chính sách nêu trên đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp, xuất phát chủ yếu do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát cao tác động đến doanh nghiệp, đồng thời thị trường bất động sản khó khăn tác động lên tín dụng.
Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc NHNN triển khai Nghị quyết.
Đồng thời, ngày 24/4/2023 NHNN đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo TCTD: Tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản...
Thông tin NHNN cho hay, đến 31/3/2023, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2022 (chiếm 21,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,12%). Trong đó, dư nợ bất động sản khu vực Đông Nam Bộ gần 1,1 triệu tỷ đồng, giảm 1,74% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 41,12% tổng dư nợ tín dụng bất động sản.
Về chương trình 120.000 tỷ đồng, NHNN đã khẩn trương có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ 01/4/2023.
Đánh giá cao vai trò tín dụng của ngành Ngân hàng đối với việc tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vùng Đông Nam bộ, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, các chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất của hệ thống ngân hàng đang tạo ra hiệu ứng khá tích cực. Nguồn vốn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh nên đã giúp nền kinh tế TP.HCM và các tỉnh lân cận duy trì được đà tăng trưởng và phục hồi sau nhiều tháng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Đồng quan điểm, ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, ngành Ngân hàng đang đáp ứng rất tốt nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp. Trong 4 tháng vừa qua, tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng tại Tây Ninh đạt trên 90.000 tỷ đồng. Trong đó hầu hết đổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. “Điều này cho thấy đóng góp của các ngân hàng là rất lớn” - ông Thắng nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP.HCM cũng cho rằng, ngành Ngân hàng đã rất tích cực trong việc kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. “Suốt 2-3 năm dịch bệnh, Hiệp hội chúng tôi đều được ngành Ngân hàng tại TP.HCM đồng hành, tổ chức nhiều hoạt động kết nối, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giãn hoãn nợ, giảm lãi suất. Vì thế có thể nói đến lúc này doanh nghiệp đã "dễ thở" hơn một chút” - bà Chi nói.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương
Mặc dù nhìn nhận những đóng góp tích cực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế khu vực Đông Nam bộ phục hồi và duy trì tốc độ tăng trưởng, tuy nhiên, tại Hội nghị nhiều đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và lãnh đạo các địa phương vẫn nhận định, nền kinh tế đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu; trong khi năng lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn đáng kể sau 2 năm chống chọi với dịch Covid-19. Vì thế rất mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục cân nhắc, duy trì các chính sách hỗ trợ lãi suất, nới hạn mức tín dụng, tăng cho vay tín chấp đối với sản xuất kinh doanh và giữ nguyên mức định giá tài sản thế chấp là bất động sản để các doanh nghiệp có thể tiếp tục vay được vốn duy trì hoạt động và khôi phục thị trường.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và điều hành lãi suất theo hướng tạo điều kiện tối đa để giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay. Trong đó, tập trung hơn nữa vào việc tăng vốn cho vay lưu động hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán đơn hàng ngắn hạn, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh hỗ trợ công nhân, sinh viên, người yếu thế trong việc tiếp cận vốn vay từ các TCTD chính thống, hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen.
Trong khi bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn NHNN tiếp tục đốc thúc hệ thống TCTD triển khai tích cực chương trình hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và triển khai giãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu theo Thông tư 02/2023 của NHNN. Bà Hoàng cho rằng, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay các thủ tục để nhận được các hỗ trợ này khá phức tạp. Vì thế, ngành Ngân hàng cần nghiên cứu để tiết giảm, cụ thể hóa, hướng dẫn các NHTM để tăng hiệu quả của các chính sách ưu đãi.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, địa phương, với cương vị người đứng đầu ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, nhìn chung, các giải pháp điều hành chính sách nêu trên đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp, xuất phát chủ yếu do các nguyên nhân: Cầu tín dụng của nền kinh tế giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp đối với nhóm bất động sản. Mọi năm, tín dụng bất động sản thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng, tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án.
Thống đốc cam kết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đó, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phấn đấu cân đối tất cả các mục tiêu của chính sách tiền tệ để giữ ổn định lãi suất, tỷ giá và giảm mặt bằng lãi suất cho vay khi có điều kiện. Thống đốc cũng cho rằng, để tháo gỡ toàn diện những khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động tiếp cận vốn thì các địa phương và các bộ, ngành Trung ương cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để chung tay cùng đưa ra các giải pháp hỗ trợ đồng bộ, từ tín dụng đến hỗ trợ tài chính, thuế phí, hỗ trợ thương mại, duy trì mở rộng thị trường và tháo gỡ các nút thắt pháp lý đầu tư, pháp lý kinh doanh…
Riêng đối với hệ thống TCTD, Thống đốc chỉ đạo hệ thống NHTM tại khu vực Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung tập trung triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Trong đó, tập trung kết nối với các sở, ban, ngành tại các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các khu chế xuất, khu công nghiệp để tìm hiểu nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; đồng thời tích cực tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, kết nối trực tiếp với từng khách hàng để cân nhắc tăng hạn mức tín dụng, tăng tỷ trọng cho vay không có tài sản đảm bảo nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.