Phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018 mới đây, Thống đốc NHNN đã định hướng, năm 2018 ngành Ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiêp và nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN sẽ xem xét, cân nhắc điều chỉnh linh hoạt lãi suất trên thị trường mở (OMO) để hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD) có điều kiện giảm lãi suất cho vay với thời điểm và liều lượng phù hợp. Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các TCTD vào cuộc cùng NHNN phát thông điệp mạnh mẽ về việc ngành Ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau Hội nghị, trên cơ sở cân đối tổng thể cung - cầu, NHNN đã điều chỉnh giảm mức niêm yết lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Các chỉ đạo và chính sách nói trên đã được thị trường phản ứng tích cực, cụ thể là ngay sau Hội nghị, 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước (Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV) đã thực hiện điều chỉnh giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, và NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng cũng điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường. Theo đó, sau khi điều chỉnh, lãi suất cho vay của khối NHTM nhà nước (chiếm khoảng trên 48% thị phần cấp tín dụng của toàn hệ thống TCTD) phổ biến ở mức 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung, dài hạn.
Việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/1/2018 chỉ đạo toàn hệ thống các TCTD triển khai nhiệm vụ kế hoạch ngành ngân hàng; trong đó yêu cầu các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) hỗ trợ TCTD thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Ngân hàng cũng đã tích cực triển khai trong năm 2017 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2017, việc điều hành CSTT về cơ bản đã ổn định được mặt bằng lãi suất, tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Hiện mặt bằng phổ biến lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: ngắn hạn 6-6,5%/năm và trung dài hạn 9-10,5%/năm; đối với sản xuất kinh doanh thông thường, khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.
Tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên
Trong điều hành, NHNN đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho SXKD, tăng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, như chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm; mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ban hành các văn bản chỉ đạo TCTD thực hiện có hiệu quả và thực chất Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm khắc phục khó khăn do thiên tai, sự cố môi trường, giá cả nông sản sụt giảm đột biến...
Trên thực tế, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như chương trình tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ (tính đến ngày 31/12/2017, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 36.000 tỷ đồng với hơn 6.400 khách hàng); cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (tính đến 31/12/2017, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.120 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 11.000 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 10.200 tỷ đồng, dư nợ đạt 9.900 tỷ đồng. Giải quyết 93% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu)...
Đồng thời, NHNN kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các TCTD thực hiện có hiệu quả và đi vào thực chất Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm khắc phục khó khăn do thiên tai, ngập mặn, sự cố môi trường, giá cả nông sản sụt giảm đột biến... Trong năm 2017, đã có trên 350 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức. Qua đó, các ngân hàng cam kết cho vay các doanh nghiệp mới gần 570.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 800.000 tỷ đồng cho 50.000 khách hàng doanh nghiệp và trên 190.000 đối tượng khác. Ngoài ra, hệ thống các TCTD cũng đã tích cực đổi mới, đưa ra trên 70 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 15 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay; tích cực yêu cầu các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, công khai các thủ tục giao dịch với khách hàng, cắt giảm các khoản phí, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay của TCTD.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế; đến cuối năm 2017, tín dụng tăng 18,17% so với cuối năm trước. Đáng chú ý tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực SXKD (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực. Đến cuối tháng 11/2017, tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 22,13%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%; ước đến tháng 12/2017, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 23% so với cuối năm 2016. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại.
Chính sách tỷ giá và cho vay ngoại tệ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, trong đó có đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu, Thống đốc NHNN đã quyết định ban hành Thông tư số 18/2007 ngày 27/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 về cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng vay là người cư trú. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2018. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Chính sách cho vay ngoại tệ được nới thêm 1 năm nữa, thực hiện đến ngày 31/12/2018, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu không phải lo chi phí vay vốn đội lên.
Bên cạnh đó, với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, diễn biến tỷ giá thời gian qua tương đối ổn định, hệ thống TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, từ đó NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tiếp tục tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục; các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng được kiểm soát tốt đã đảm bảo duy trì lạm phát cơ bản bình quân cả năm ở mức 1,41%; thanh khoản của các TCTD đảm bảo và có dư thừa, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, mặt bằng lãi suất ổn định và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm. Thanh khoản thị trường ổn định, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; đồng thời, góp phần thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. Tỷ giá ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối được nâng lên mức kỷ lục đã góp phần tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Tín dụng chính sách góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, với chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Lê Minh Hưng, ngành Ngân hàng nói chung, NHCSXH nói riêng đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện phát triển KT-XH, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng hành với người nghèo và đối tượng chính sách, hoạt động tín dụng chính sách của ngành Ngân hàng đã thu được những thành tựu nổi bật, tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Kết quả này được các đại biểu Quốc hội ghi nhận là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25,82%. Sau 15 năm hoạt động (2002-2017), nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn... đóng góp quan trọng để thực hiện được các mục tiêu đặt ra tại chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình… Tính đến 31/10/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH tăng 7,67% so với 31/12/2016, với hơn 8,3 triệu khách hàng còn dư nợ (tính theo chương trình vay). Dư nợ tập trung ở một số chương trình như cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn nợ; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn...
Hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại do thiên tai
Năm 2017, tình hình mưa lũ diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tình trạng lũ quét, lũ ống, sạt lở tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung ảnh hưởng nhiêm trọng đến đời sống người dân, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Để hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại, NHNN đã chỉ đạo các TCTD yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát tổng thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Hỗ trợ khắc phục khó khăn của khách hàng vay vốn do cơn bão số 12, NHNN đã thành lập 02 đoàn công tác (đợt 1 từ ngày 14-15/11/2017, đợt 2 từ ngày 18-19/12/2017) trực tiếp làm việc với UBND, các sở ban ngành, các huyện bị thiệt hại và các TCTD trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên để nắm bắt tình hình và trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 12. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thống kê đến ngày 30/11/2017, có 54.981 khách hàng bị thiệt hại từ các đợt mưa lũ với tổng số dư nợ vay vốn bị thiệt hại là 3.738,8 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại từ cơn bão số 12 và mưa lũ đầu tháng 11 là nặng nề nhất với hơn 29.200 khách hàng bị thiệt hại với tổng dư nợ là 2.455 tỷ đồng. Các TCTD đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra như: Cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh (doanh số cho vay mới 885,9 tỷ đồng), gia hạn nợ (dư nợ 445,7 tỷ đồng), điều chỉnh kỳ hạn trả nợ (300,5 tỷ đồng), miễn giảm lãi vay (số tiền lãi miễn giảm 2,4 tỷ đồng), thực hiện khoanh nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ (dư nợ 397,6 tỷ đồng). Tổng số tiền ngành ngân hàng thực hiện an sinh xã hội cho khách hàng bị thiệt hại do cơn bão số 12 là 14,43 tỷ đồng, trong đó Công đoàn ngành Ngân hàng 6 tỷ đồng, các TCTD 8,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để triển khai Đề án hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, NHNN có công văn hướng dẫn các TCTD và chi nhánh NHNN 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển thực hiện cho vay để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề và xử lý nợ. Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.996 khách hàng với số tiền 223,7 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi cho 570 khách hàng với dư nợ 897,6 tỷ đồng (số tiền lãi được miễn, giảm là 2,86 tỷ đồng), đồng thời tiếp tục cho vay mới đối với 5.623 khách hàng để phục vụ SXKD với số tiền 625,2 tỷ đồng. NHCSXH đã thực hiện khoanh nợ cho 34 khách hàng với số tiền 709 triệu đồng.