Giảm lãi suất cho vay, giúp vơi bớt khó khăn cho DN
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho cả khoản vay cũ, mới. Thống kê sơ bộ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho DN, nền kinh tế của các TCTD khoảng 18.830 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn trước tình trạng dịch căng thẳng nên nhiệm vụ đặt ra giảm lãi suất cho DN là rất căn cơ, thiết thực. Chính vì thế, NHNN đã chỉ đạo các NHTM trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm, đồng hành cùng DN giảm tích cực hơn nữa lãi suất cho DN bằng hai cách: Một là, tiết giảm chi phí hoạt động. Hai là, chia sẻ từ nguồn lợi nhuận.
Xác định ngân hàng cũng là DN, nhưng trong lúc này trách nhiệm chia sẻ với DN, người dân là trách nhiệm chung của xã hội. Trên tinh thần đó, NHNN đã chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi 16 NHTM có quy mô lớn thống nhất đồng thuận cam kết giảm thêm khoảng 20.300 tỷ đồng lãi suất cho vay. Con số chi phí hỗ trợ thực tế tuỳ thuộc quy mô mỗi ngân hàng và từng đối tượng khách hàng. Đối tượng khách hàng nào khó khăn nhiều, giảm lãi suất nhiều, đối tượng nào ít thì giảm ít.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, quan điểm của NHNN đối với việc giảm lãi suất lần này rất quyết liệt, đảm bảo phải làm thật. Do đó, từ nay đến cuối năm, bên cạnh yêu cầu các ngân hàng báo cáo thường xuyên kết quả, NHNN sẽ giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng có thực chất không, số lượng giảm như thế nào, có thực hiện theo cam kết không. Việc triển khai quyết liệt giảm lãi suất thể hiện trách nhiệm cao đối với xã hội và thực hiện tinh thần của Thủ tướng Chính phủ trước sự cấp bách của nền kinh tế nói chung, cũng như DN nói riêng.
Gần đây nhất, thực hiện vai trò chủ đạo, 4 NHTM Nhà nước gồm VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank mỗi ngân hàng đã cam kết và sẵn sàng dành thêm 1.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay đối với các DN, người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch cũng như các tỉnh, thành phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… Đây là những giải pháp rất cụ thể, thiết thực giúp vơi bớt khó khăn cho DN trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các TCTD triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho DN. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng. Thời gian tới, NHNN chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi để các NHTM giảm thêm phí hỗ trợ cho khách hàng.
Chưa phải thời điểm để giảm lãi suất điều hành
Gần đây, đã có những ý kiến đề xuất NHNN giảm thêm lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ người dân, DN. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành hay có sự thay đổi đối với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Bởi, khi đưa ra quyết định thay đổi không chỉ theo ý chí chủ quan của nhà điều hành, mà phụ thuộc vào tính khách quan của nền kinh tế.
Cụ thể, để đưa ra mức độ điều chỉnh, thời điểm nào phải được tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn mà trước hết phải đảm bảo được những yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp nữa đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích DN, người dân, hoạt động của ngân hàng để đảm bảo sự ổn định tài chính của NHTM.
Trong năm 2020, NHNN đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định, tương đối phù hợp với diễn biến thực tế. Việc duy trì lãi suất tiền gửi như hiện nay để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
Hơn nữa trong điều kiện hiện nay, vốn khả dụng của các NHTM, hay đúng hơn thanh khoản của các NHTM rất dồi dào, thể hiện qua lãi suất thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp. Chưa kể, cầu tín dụng của nền kinh tế chưa tăng cao trong thời điểm giãn cách xã hội. Do đó, NHNN nhận thấy việc giảm hệ thống lãi suất điều hành chưa thích hợp.
Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi rất chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng thì NHNN sẽ có điều chỉnh kịp thời. Quan điểm xuyên suốt của NHNN điều hành lãi suất hợp lý theo hướng tạo điều kiện cho DN, người dân, khắc phục khó khăn trước mắt, vừa có tính ổn định để nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc dịch. Bên cạnh đó, NHNN vẫn luôn quan tâm đề phòng đảm bảo các giải pháp điều hành hài hòa với yếu tố lạm phát.
“Do đó, giải pháp ưu tiên là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, lãi suất”- Phó Thống đốc nhấn mạnh.