Tại châu Âu, DGSD quy định các nội dung liên quan đến “Cơ chế bảo lãnh tiền gửi” (DGS). Theo đó, DGS chi trả BHTG cho người gửi tiền khi tổ chức tín dụng phá sản. Kinh phí cho hoạt động chi trả BHTG được lấy từ nguồn thu phí BHTG và không sử dụng tiền thuế. DGS bảo vệ tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền với hạn mức 100.000 Euro cho mỗi chủ tài khoản (bất kể số lượng tài khoản mà người gửi tiền đó nắm giữ tại một ngân hàng). Mục đích chính của hệ thống này là giúp ngăn chặn việc rút tiền hàng loạt trong trường hợp ngân hàng phá sản, gây bất ổn tài chính.
Đề xuất sửa đổi bao gồm 8 nội dung chính, cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung loại tiền gửi được bảo hiểm mới là tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tài chính gửi tại ngân hàng nhằm mục đích an toàn (bao gồm các tổ chức tài chính không thuộc phạm vi bảo hiểm của DGS như tổ chức kinh doanh tiền điện tử và tổ chức kinh doanh dịch vụ thanh toán).
Thứ hai, phương thức chi trả mặc định khi số tiền chi trả vượt quá 10.000 Euro là chuyển khoản. Bên cạnh đó, DGS được phép tạm dừng chi trả đối với tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản thanh toán bị khóa do vi phạm các quy định chống rửa tiền hiện hành.
Thứ ba, thay đổi hạn mức BHTG đối với các tài khoản có số dư cao tạm thời với hạn mức tối thiểu là 500.000 Euro và tối đa là 2.500.000 Euro trong thời hạn 6 tháng.
Thứ tư, DGS trở thành chủ nợ của tổ chức bị xử lý sau khi hoàn thành các thủ tục xử lý theo luật nước sở tại. Theo đó, thứ tự trả nợ của DGS bằng với thứ tự trả nợ của các khoản tiền gửi được bảo hiểm.
Thứ năm, yêu cầu các tổ chức tín dụng trình kế hoạch về biện pháp phòng ngừa đổ vỡ lên các cơ quan có thẩm quyền. Nội dung chi tiết của kế hoạch bao gồm các biện pháp huy động vốn, quản lý nợ và bán tài sản để huy động vốn… Tổ chức tín dụng phải cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền kế hoạch tái cấu trúc để đảm bảo khả năng tồn tại của tổ chức đó trong một khoảng thời gian hợp lý. Cơ quan Giám sát Ngân hàng châu Âu (EBA) có nhiệm vụ ban hành hướng dẫn để hỗ trợ các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch tái cấu trúc này.
Thứ sáu, bổ sung quy định về tính chi phí tối thiểu. Ngoài ra, EBA có nhiệm vụ xây dựng dự thảo các tiêu chuẩn kỹ thuật để tính chi phí của các biện pháp xử lý mà DGS sử dụng và đảm bảo tính nhất quán khi đánh giá biện pháp có chi phí thấp nhất.
Thứ bảy, bổ sung điều khoản quy định hoạt động chi trả BHTG xuyên biên giới của DGS cũng như tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên trong trường hợp tổ chức tín dụng hoạt động tại nhiều nước ở châu Âu.
Thứ tám, chi nhánh của các tổ chức tín dụng được thành lập tại nước không nằm trong châu Âu phải tham gia DGS của một nước thành viên châu Âu nếu muốn cung cấp dịch vụ ngân hàng và huy động tiền gửi tại khu vực này. Ngoài ra, DGS không bảo hiểm cho người gửi tiền tại chi nhánh ở các nước không thuộc châu Âu trừ trường hợp DGS nhận được các khoản đóng góp từ các tổ chức tín dụng nói trên theo chấp thuận của cơ quan được chỉ định.
Phòng NCTH&HTQT