Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức, hiểu biết tài chính, khả năng tư duy tài chính và kỹ năng tài chính cho người dân để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể và được hưởng lợi trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Quyết tâm triển khai tài chính toàn diện, mang lại lợi ích cho người dân
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có vai trò hết sức quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho mọi người dân và doanh nghiệp tiếp cận những nguồn lực tài chính cần thiết cho phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống nhân dân, thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, xuất hiện thêm các chủ thể, các kênh phân phối, các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số. Tuy nhiên, các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại cũng cần phù hợp để người dân vùng sâu, vùng xa dễ tiếp cận và sử dụng. Hạ tầng tài chính cần tiếp tục nâng cao chất lượng và kết nối liên thông giữa các cơ sở hạ tầng, nhất là phát triển hạ tầng số, khắc phục tình trạng vùng lõm về sóng viễn thông.
Đặc biệt, phải cải thiện được hiểu biết và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính cho người dân, khiến người dân thấy được sự tiện ích, an toàn thì họ mới tin và sử dụng.
Thủ tướng cho biết, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã đề ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, bao trùm. Điều này khẳng định sự quyết tâm, sẵn sàng tiếp cận những vấn đề mới để triển khai thành công tài chính toàn diện ở Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân.
Bên cạnh đó, Chiến lược coi người dân là trung tâm, là chủ thể, nhất là những người yếu thế, người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tích cực tham gia vào việc thực hiện các chính sách.
Thủ tướng nêu rõ, ngành tài chính ngân hàng cần chủ động đưa ra các giải pháp đi cùng, gắn kết, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Vai trò của tài chính toàn diện ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay để bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực và giải pháp tài chính phù hợp, nâng cao khả năng ứng phó, vượt qua những hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững.
Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, đồng thời tổ chức triển khai tốt hơn nữa các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược, báo cáo tình hình triển khai Chiến lược gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để có những chỉ đạo kịp thời.
Các cơ quan phối hợp chặt chẽ với NHNN - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo để triển khai đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ; tổ chức theo dõi, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động của đơn vị mình để kịp thời rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng lưu ý làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về tài chính toàn diện, nhất là truyền thông để mỗi người nâng cao khả năng tư duy và kỹ năng tài chính, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Đề cập đến kinh nghiệm quốc tế về tài chính toàn diện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương tăng trưởng bao trùm là xu thế của các nước trên thế giới và trong rất nhiều diễn đàn như G20, APEC, ASEAN… Các nhà lãnh đạo các nước trên thế giới đều hướng đến tăng trưởng bao trùm. Để đạt được mục tiêu này, các nước đều có chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp
Đối với Việt Nam, Chính phủ giao cho NHNN chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành và đã trình Chính phủ Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Theo đó, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định 149 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chiến lược). Chiến lược đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để đạt được mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, Chiến lược đã bao trùm đến tất cả người dân, trong đó để người dân phát triển thì Chiến lược hướng đến đặc biệt là các đối tượng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là những khu vực người dân thường gặp khó khăn, người nghèo hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 95% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam), cũng là khu vực tạo công ăn việc làm rất lớn cho người dân hay phụ nữ - đối tượng vừa quản lý chi tiêu cho gia đình, vừa là người đi vay vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh cho cuộc sống.
Để triển khai Chương trình tài chính toàn diện, bên cạnh việc phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức các chương trình giáo dục tài chính tạo được hiệu ứng lớn với công chúng như: Tay hòm chìa khoá, Tiền khôn tiền khéo, Đồng tiền thông thái..., NHNN cũng phối hợp để tổ chức cuộc thi hiểu đúng về tiền ở các trường học như: Trường PTTH chuyên Amsterdam, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng... để học sinh, sinh viên hiểu biết về tiền cũng như đào tạo kỹ năng cho sinh viên biết tiết kiệm, thanh toán, vay vốn để sử dụng đồng tiền hiệu quả.
“Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nâng cao hiểu biết về tiền từ các chương trình phổ thông để tạo cơ sở triển khai trong nhiều năm; qua đó nâng cao hiểu biết và sử dụng thông minh đồng tiền một cách hiệu quả” – Thống đốc nhấn mạnh.
Về Nghị định 101 thanh toán không dùng tiền mặt, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN sẽ cùng với Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện Nghị định.
Hiện nay, mặc dù chưa có cách gọi cụ thể khi nói về tài chính toàn diện hay tăng trưởng bao trùm, nhưng trên thực tế, Đảng và Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng trong tất cả các chỉ đạo đều hướng đến người dân và ấm no hạnh phúc cho người dân. Tất cả chương trình như chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả của Covid-19; chương trình Chuyển đổi số ngành Ngân hàng…đều phục vụ chủ trương của Chính phủ là để không ai bị bỏ lại phía sau.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ tiếp thu những ý kiến, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để Chiến lược tài chính toàn diện được triển khai hiệu quả; phát triển lành mạnh hệ thống tài chính – ngân hàng nhằm tăng niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính; khẳng định vai trò và khuyến nghị các địa phương có quy hoạch cụ thể trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực, sự minh bạch của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện hoạt động của các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó giúp họ dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.