Báo cáo trên cũng phân tích khả năng người gửi tiền và các đối tượng hưu trí tại Scotland sẽ không được hưởng ưu đãi về chính sách BHTG nếu Scotland quyết định bỏ phiếu lựa chọn độc lập. Theo nhận định của Bộ Tài chính, nếu tách ra khỏi Anh, Scotland sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong cung cấp dịch vụ bảo vệ người gửi tiền để phù hợp với cơ quan BHTG Anh (FSCS) với hạn mức trả tiền bảo hiểm lên tới 85.000 bảng như hiện nay.
Khi tách ra độc lập, hệ thống ngân hàng bán lẻ của Scotland sẽ bị chi phối bởi hai ngân hàng lớn đó là: Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng Hoàng gia Scotland. Nếu một trong hai ngân hàng này phá sản thì mọi gánh nặng sẽ đổ lên phía còn lại, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn cảnh báo khả năng Quỹ hưu trí Anh quốc (PPF) sẽ không còn bảo đảm khoản trợ cấp cho các đối tượng hưu trí sau khi Scotland tách ra. PPF là mô hình hoạt động theo luật pháp do EU quy định, chính vì vậy, một Scotland độc lập cũng đồng nghĩa với việc thiết lập một quỹ hưu trí hoàn toàn mới. Tuy nhiên, rất khó để triển khai kế hoạch này do tính kém khả thi và chi phí thực hiện thì vô cùng đắt đỏ đối với Scotland trong hoàn cảnh hiện tại.
Trả lời liên quan đến Scotland, ông George Osborne – Bộ trưởng Tài chính Anh cho rằng Scotland khó có thể giữ đồng bảng Anh là đồng tiền của mình nếu các cử tri lựa chọn độc lập, đồng thời ông cho rằng ý định thiết lập một liên minh tiền tệ độc lập mới của Scotland là vô cùng rủi ro và kém khả thi.