Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất lên các mức cao 8-9%/năm kỳ hạn trên 1 năm. Hiện lãi suất niêm yết bình quân của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước đều có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn.
Đáng chú ý, ngân hàng số Cake by VPBank thông báo biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 17/10 với mức lãi suất cao nhất là 9,5%/năm tại kỳ hạn 36 tháng khi gửi số tiền từ 300 triệu đồng trở lên. Với số tiền gửi nhỏ hơn cùng kỳ hạn, lãi suất tiết kiệm sẽ dao động từ 9,2-9,4%/năm.
Bên cạnh đó, ngân hàng áp dụng lãi suất tiết kiệm từ 9,1-9,4%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, 9-9,3%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 8,5-8,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng tuỳ theo số tiền gửi khác nhau. Với các kỳ hạn ngắn hơn là 1 tháng và 3 tháng, nhà băng này áp dụng đồng loạt lãi suất 5%/năm cho tất cả các mức tiền gửi.
Như vây, Cake by VPBank đang là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống tính đến thời điểm hiện tại.
Nhiều ngân hàng khác đang huy động tiền gửi với lãi suất trên 8%. Viet Capital Bank mới đây đã tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi 18 tháng lên mức 8,4%/năm. MSB đã đẩy lãi suất huy động lên mức 8%/năm từ cuối tháng 9. Ngân hàng số Cake by VPBank công bố mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm dành cho các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng.
Tuy nhiên, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB. Với tất cả các chính sách đưa ra, người gửi tiền tại SCB có thể được hưởng lãi suất cao nhất lên tới 8,92%/năm. Bên cạnh đó, SCB chào bán chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Mới nhất ngày 13/10, VietABank áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 8,8%/năm cho kỳ hạn 13-36 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) với hình thức gửi online. Lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng cũng được nâng lên mức 8,3%/năm; 7-11 tháng lên mức 8,5%/năm.
Trước đó, ABBank đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo hướng khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm tại quầy giao dịch với kỳ hạn 6 tháng hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng lãi suất 8,5%/năm, kỳ hạn 15 tháng lên tới 8,6%/năm. Từ ngày 11/10, lãi suất huy động cao nhất tại Nam A Bank tăng lên 8,4%/năm, áp dụng cho hình thức gửi tiền online, kỳ hạn từ 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Bac A Bank cũng đang áp dụng lãi suất 8,4%/năm cho các khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Trong khi đó, Kienlongbank vừa tăng lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm khi khách hàng gửi tiền từ 1 năm trở lên. SeABank triển khai chương trình “Đầu tư sinh lời hiệu quả” với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, lãi suất tới 8,55%/năm.
Theo đánh giá của NHNN, thời gian qua mặc dù chịu áp lực tăng rất lớn từ thị trường quốc tế, nhưng mặt bằng lãi suất trong nước chỉ biến động ở mức độ rất nhẹ, trong đó lãi suất huy động tăng 0,25%/năm và lãi suất cho vay tăng 0,24%/năm - mức tăng thấp nhất so với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Các nhà phân tích cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.
Tại họp báo Chính phủ tháng 9/2022 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, việc tăng trần lãi suất huy động sẽ có tác động truyền dẫn đến lãi suất cho vay. Tuy nhiên, NHNN đã chủ động yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên được giữ nguyên để tiếp tục hướng dòng vốn vào lĩnh vực này.
Tăng lãi suất điều hành là cần thiết trong bối cảnh hiện nay
Thời gian qua, trước bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Nếu xét về góc độ tương đối trong tương quan với các nước đang có lãi suất tăng thì có thể xem như giảm lãi suất điều hành, qua đó, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. NHNN cũng chỉ đạo TCTD giảm chi phí hoạt động để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh, mạnh và dự báo duy trì trên 4%/năm sau năm 2023. Để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ.
Theo đó, ngày 23/9/2022, NHNN điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành; tăng 0,3-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại TCTD; giữ nguyên trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, theo Quyết định số 1606/QĐ-NHNN ngày 22/9/2022: Lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; Lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Quyết định số 1607/QĐ-NHNN ngày 22/9/2022 quy định trần lãi suất tiền gửi bằng VND tại các TCTD: đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm.
Các chuyên gia nhận định, đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá. Theo đó, trần lãi suất huy động được nới lên giúp lãi suất thực tiếp tục dương, người gửi tiền tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, qua đó giúp hệ thống ngân hàng đảm bảo được nguồn vốn trong khi tỷ lệ dư nợ tín dụng/tiền gửi bằng Việt nam đồng đã ở mức cao ngay từ đầu tháng có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản. Đồng thời, nhờ tiếp tục huy động được nguồn vốn, hệ thống ngân hàng có đủ nguồn vốn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.
TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành thời điểm này là phù hợp. NHNN quyết định tăng lãi suất trong khi lạm phát của Việt Nam vẫn được coi là ở mức thấp - là biện pháp phòng thủ từ xa cần thiết trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn về địa chính trị, kinh tế và cả dịch bệnh.
Ông Trương Văn Phước nhìn nhận, việc NHNN tăng lãi suất điều hành với mức tăng 1 điểm phần trăm là mức có thể chấp nhận được và thời điểm là phù hợp. “Người đi vay vẫn được vay với lãi suất không đổi, trong khi người gửi tiền được hưởng lãi suất cao hơn, như thế, biên lãi thuần của ngân hàng sẽ bị thu hẹp lại. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị mà hệ thống ngân hàng cần chung tay, chia sẻ với doanh nghiệp, người dân” – ông nhấn mạnh.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Ngân hàng châ Á (ADB) tại Việt Nam - nhận định, việc NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm là một ví dụ cho thấy, Chính phủ sẵn sàng đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết để duy trì ổn định tiền tệ, trong bối cảnh lần lượt các ngân hàng trung ương lớn của thế giới như Fed, ECB và một loạt các ngân hàng trung ương trong khu vực đều đã tăng lãi suất.
Giám đốc ADB tại Việt Nam đánh giá, việc tăng một loạt lãi suất điều hành của NHNN là một trong những bước đi cần thiết để giữ ổn định tỷ giá của đồng nội tệ (đồng Việt Nam -VND) với đồng USD có thể làm tăng chi phí tài chính. Đây là điều tuy khó khăn nhưng cần phải làm.
“Tôi cho rằng việc NHNN vừa thực hiện tăng một loạt lãi suất điều hành là một phản ứng kịp thời trước những biến động mạnh mẽ của tình hình thế giới” – ông nói.
Thời gian tới, điều hành giảm lãi suất của NHNN sẽ gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020. Trong nước, mặt bằng lãi suất đã giảm ở mức thấp trong những năm trước đây và đang có xu hướng tăng trở lại, chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại. Tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền gửi VND. IMF khuyến nghị việc triển khai hỗ trợ phục hồi kinh tế thời gian tới của Việt Nam cần dựa chủ yếu vào chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng để đảm bảo kiểm soát lạm phát trước rủi ro ngày càng gia tăng.
NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; kêu gọi các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.