NH Việt “cải thiện” tín nhiệm với quốc tế
Hãng xếp hạng tín nhiệm (XHTN) quốc tế Moody’s vừa xếp hạng HDBank ở mức B2 với triển vọng ổn định. Đây là mức xếp hạng cao nhất mà hãng này dành cho các NHTMCP không có vốn Nhà nước chi phối tại Việt Nam. Trước đó, cơ quan xếp hạng hàng đầu thế giới này cũng đã công bố mức xếp hạng tiền gửi dài hạn B2, triển vọng ổn định cho một số NHTMCP lớn như MB, Techcombank, ACB, VIB…
Xu hướng nhiều NH được xem xét nâng hạng tín nhiệm trong thời gian gần đây theo đánh giá của Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải là đã phản ánh sự phát triển về chất lượng tài sản, năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các NH Việt Nam.
Moody’s đưa ra các đánh giá dựa trên thực trạng và dự báo tương lai của NH trên những chuẩn chỉ số khắt khe. Các yếu tố then chốt giúp các NH cải thiện năng lực tài chính có thể kể đến như: Nguồn vốn huy động và khả năng thanh khoản được duy trì ở mức ổn định. Tăng trưởng tiền gửi tích cực, đặc biệt giảm sự phụ thuộc của NH vào các nguồn huy động vốn nhạy cảm với thị trường bao gồm cho vay và tiền gửi liên NH.
“Các NH Việt Nam đã có tiến bộ trong hoạt động quản lý và chú trọng vào việc xây dựng hệ thống và chính sách quản lý rủi ro. Chất lượng tín dụng nhờ đó cũng được cải thiện”, ông Hải bổ sung thêm những tín hiệu tích cực từ hệ thống NH Việt Nam.
Nhìn lại cách đây hai năm, năm 2014 đánh dấu bước ngoặt mới đối với Việt Nam khi cả 3 tổ chức XHTN quốc tế Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch Ratings đều nâng hạng Việt Nam lần lượt ở mức B1/BB-/BB-. Động thái này có ý nghĩa hết sức tích cực giúp các NĐT có nhìn nhận khả quan về Việt Nam, đồng thời nâng cao uy tín của quốc gia và góp phần giảm chi phí huy động vốn cho Chính phủ tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Hiệu ứng của việc nâng XHTN đã lan tỏa tích cực đối với các DN, đặc biệt DN có vốn nhà nước chiếm ưu thế.
Cụ thể, ngay sau khi Fitch Ratings công bố nâng xếp hạng cho Việt Nam thì hai NH Agribank và VietinBank cũng được thông báo nâng một bậc XHTN. Và đến thời điểm này, đã có khoảng mười NH được các tổ chức XHTN nâng hạng.
Việc nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam có sự cộng hưởng giữa chính sách vĩ mô nói chung và hệ thống NH nói riêng. Cụ thể, những kết quả của ngành NH trong mấy năm qua là một trong những yếu tố quyết định giúp Fitch nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên mức “BB-”, Moody’s nâng xếp hạng Việt Nam lên “B1”, tiến gần hơn đến ngưỡng khuyến nghị đầu tư. Nhưng cũng nhờ các chính sách vĩ mô ổn định về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giúp các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm đối với một số NH Việt Nam.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Đứng trước sức ép về hội nhập, bức thiết hơn là bản thân hệ thống NH đang trong quá trình tái cấu trúc, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, các NH buộc phải thay đổi, nỗ lực cải cách nếu không muốn loại khỏi cuộc chơi. Và khi tự củng cố mình, bản thân các NH thu được nhiều lợi ích.
Đơn cử, theo ông Phạm Hồng Hải khi NH Việt đạt chỉ số tín nhiệm cao từ các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới sẽ duy trì được sự phát triển bền vững và đạt kết quả kinh doanh tốt, tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ số tín nhiệm là cơ sở để các NĐT, người gửi tiền có thể tham khảo trước khi ra quyết định hợp tác hoặc giao dịch với NH.
Tuy nhiên, theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu XHTN quốc gia không tăng thì các NH cũng khó có thể cải thiện thứ hạng tín nhiệm của mình đối với NĐT quốc tế. “Các thành phần kinh tế trong một quốc gia không thể XHTN cao hơn quốc gia của mình. Ví như, nếu Việt Nam được xếp hạng B1, thì tất cả các DN, NH, tổ chức tài chính sẽ không được xếp hạng cao hơn mức B1. Đây là rào cản rất lớn đối với các NH Việt Nam”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Hiện tại, theo TS. Hiếu, XHTN quốc gia như trên vẫn đang ở mức chưa thực sự khuyến khích, nếu không nói là còn rủi ro. Đối với bất kỳ NĐT nước ngoài nào khi xem xét đầu tư tại các quốc gia, điều họ quan tâm nhất là XHTN quốc gia. Với hạng tín nhiệm không cao, các NĐT sẽ thận trọng hơn. Nếu độ rủi ro cao thường NĐT đòi hỏi một tỷ lệ lợi nhuận cao để đền bù cho rủi ro. Giả sử với trái phiếu tại các quốc gia được xếp hạng “không khuyến khích đầu tư”, lãi suất thường cao hơn mức lãi suất của trái phiếu phát hành từ các quốc gia được xếp hạng “khuyến khích đầu tư”.
Vì thế, các NH muốn cải thiện XHTN thì phải đợi các tổ chức quốc tế trên nâng hạng mức tín nhiệm quốc gia. Đây là bài toán không hề đơn giản. Việt Nam phải cải thiện rất nhiều chỉ tiêu về ngân sách, nợ công, hệ thống NH, thanh khoản, cán cân thanh toán, xuất nhập khẩu…
Như vậy, đòi hỏi có sự thay đổi rất lớn với những giải pháp đột phá. Nếu XHTN quốc gia thấp, NH đương nhiên bị XHTN thấp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của các đối tác nước ngoài. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, dự báo cạnh tranh rất khốc liệt trong nền kinh tế hàng hóa với sự tự do hóa mậu dịch giữa các quốc gia.
Đặc biệt, dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển mạnh mẽ giữa các quốc gia. Muốn hấp thụ dòng vốn này, việc nâng tín nhiệm quốc gia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, hệ thống NH Việt Nam mới hy vọng được nhìn nhận một cách tích cực dưới con mắt của các nhà tài chính và đầu tư thế giới.
Trong thời gian “chờ đợi”, bản thân các NH phải “cải thiện” hình ảnh của mình thông qua lành mạnh hóa hoạt động, tuân thủ các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế như áp dụng Basel II… Mặc dù các NH vẫn đang chịu nhiều gánh nặng về chi phí cho xử lý nợ xấu, đầu tư công nghệ… nhưng đó là xu hướng chung thế giới, các NH phải chấp nhận để ngày càng minh bạch hơn, tăng uy tín trong mắt NĐT nước ngoài.