Công cụ bảo vệ người gửi tiền, giữ vững an toàn TCTD
Khi người dân có một khoản tiền nhàn rỗi, ngoài đầu tư hay kinh doanh để sinh lời, họ có thể chọn phương án gửi tiền tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập theo quy định của pháp luật.
Và để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người gửi tiền tại các tổ chức này, đồng thời giúp họ yên tâm hơn, BHTG đã ra đời nhằm đảm bảo cho khoản tiền gửi của khách hàng khi mà tổ chức nhận tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc bị phá sản.
Khoản 1 Điều 4 Luật BHTG quy định, BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Tại Việt Nam có duy nhất 1 tổ chức BHTG với tên gọi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) - tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách công về BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Hiện BHTGVN đang bảo vệ cho hàng triệu người gửi tiền tại gần 1.300 tổ chức tham gia BHTG thông qua triển khai các nghiệp vụ như: Giám sát từ xa; kiểm tra tại chỗ; tham gia kiểm soát đặc biệt, xây dựng phương án xử lý các TCTD yếu kém; chi trả BHTG; tuyên truyền chính sách BHTG nhằm nâng cao nhận thức công chúng; quản lý, thu phí BHTG; đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi an toàn và hiệu quả để nâng cao năng lực tài chính của tổ chức.
Đánh giá về vai trò của BHTGVN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tổ chức này có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hoạt động ngân hàng và xử lý khủng hoảng tài chính.
Cụ thể, là một định chế tài chính đặc biệt trong hệ thống tài chính, BHTGVN cùng với các cơ quan giám sát tài chính quốc gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng. Trong đó, vai trò nổi bật đó là thúc đẩy nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng thông qua việc giúp thu hút tối đa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong cư dân để từ đó có nguồn cung tín dụng dồi dào cho nền kinh tế; góp phần tích cực vào việc duy trì an ninh, trật tự xã hội.
Đối với người gửi tiền, hoạt động BHTG góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Vai trò này đã được thể hiện rõ ràng nhất trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD bằng việc BHTGVN chi trả đầy đủ, kịp thời cho hàng nghìn người gửi tiền tại các QTDND bị đổ vỡ; ngăn ngừa phản ứng dây chuyền đe dọa an toàn của các QTDND đang hoạt động lành mạnh.
Đối với hệ thống các TCTD, việc chính sách BHTG tạo dựng niềm tin cho người dân khi gửi tiền tiết kiệm tại các TCTD chính là nền tảng, cơ sở giúp các TCTD huy động được nhiều vốn nhàn rỗi trong xã hội để cho vay phát triển kinh tế, cũng như đầu tư vào xây dựng hạ tầng hiện đại và thực hiện các dịch vụ tài chính sinh lời khác.
Lĩnh vực đặc thù
Đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó sứ mệnh quan trọng hàng đầu của BHTGVN đó là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận người gửi tiền chưa hiểu rõ về chính sách BHTG bởi BHTG là một lĩnh vực tương đối đặc thù.
Nhận diện vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia đánh giá, mặc dù BHTG là hoạt động không tách rời hoạt động ngân hàng, tuy nhiên các nghiệp vụ BHTG lại rất đặc thù, ít liên quan hay tác động trực tiếp đến người gửi tiền. Trong khi đó, một số nội dung truyền thông chưa gắn kết nhiều với hoạt động, tiện ích ngân hàng.
Bên cạnh đó, BHTGVN chưa có chiến lược truyền thông dài hạn, toàn diện. Đồng thời, BHTGVN chưa thực hiện khảo sát, đánh giá tổng thể về nhận thức của người gửi tiền nói riêng và công chúng nói chung về chính sách BHTG, do đó thiếu cơ sở để hoạch định một chiến lược truyền thông phù hợp. Mặt khác, Luật BHTG không quy định về trách nhiệm phối hợp của tổ chức tham gia BHTG với BHTGVN trong việc thực hiện tuyên truyền chính sách BHTG.
Ông Ngô Quang Lương - Thành viên chuyên trách HĐQT BHTGVN cho biết, Khoản 14 Điều 13 Luật BHTG quy định: “BHTGVN tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về BHTG, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và phương thức quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển của tổ chức BHTG”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một quy định hay hướng dẫn cụ thể nào về việc cho phép BHTGVN được thực hiện và hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng dành cho đối tượng là cán bộ của tổ chức tham gia BHTG.
“Đây cũng là một bất cập, phần nào cản trở việc đưa chính sách BHTG đến công chúng. Bởi vì, đội ngũ cán bộ của tổ chức tham gia BHTG là những nhân tố đắc lực có thể hỗ trợ BHTGVN đẩy mạnh hiệu quả truyền thông chính sách BHTG đến người gửi tiền một cách nhanh nhất” - ông Lương khẳng định.
Để người gửi tiền hiểu thông tin cốt lõi của chính sách BHTG
Tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2022, tuyên truyền chính sách BHTG để nâng cao nhận thức công chúng được xác định là một trong những nghiệp vụ quan trọng thời gian tới BHTGVN cần tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, bao gồm: Quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; vai trò của tổ chức BHTG trong mạng an toàn tài chính; phương thức bảo vệ người gửi tiền của chính sách BHTG; trong điều kiện nào thì tổ chức BHTG có nghĩa vụ chi trả bảo hiểm.
Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Vũ Văn Long - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành BHTGVN cho biết, BHTGVN đang nghiên cứu, xây dựng Đề án truyền thông tới năm 2025, tầm nhìn tới năm 2030, trong đó bám sát Chiến lược phát triển BHTG và tương hợp với các chủ trương lớn của Chính phủ và của ngành Ngân hàng. Đề án truyền thông sẽ là cơ sở, định hướng cho các hoạt động truyền thông ở tầm vĩ mô của BHTGVN.
BHTGVN cũng xác định đối tượng công chúng trọng tâm để tập trung tuyên truyền là người gửi tiền tại các QTDND ở khu vực nông thôn, miền núi - nơi ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về hoạt động ngân hàng, BHTG. Song hành với đó, BHTGVN vẫn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền đến nhóm công chúng quan trọng khác, bao gồm các tổ chức tham gia BHTG, giới hoạch định chính sách, các cơ quan có liên quan để tạo sự đồng thuận, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ, NHNN đang rà soát, sửa đổi bổ sung Luật BHTG.
Về giải pháp truyền thông, ông Long cho biết, BHTGVN sẽ đa dạng hóa và thường xuyên đổi mới các hình thức, công cụ nhằm đảm bảo tiêu chí dễ hiểu, dễ tiếp cận, đạt hiệu quả truyền thông cao và phù hợp với nguồn lực của tổ chức. Trong đó, website, Bản tin BHTG và báo chí/phát thanh/truyền hình vẫn sẽ tiếp tục là những kênh truyền thông BHTGVN tiếp tục đẩy mạnh để tăng độ phủ của chính sách BHTG, cũng như giúp đưa hình ảnh của BHTGVN đến gần hơn với công chúng.
Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp truyền thông trong các chương trình chung của ngành Ngân hàng; kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị để lồng ghép các nội dung tuyên truyền đến nhóm công chúng trọng tâm; đưa kiến thức về BHTG vào các chương trình đào tạo cán bộ ngân hàng - lực lượng tích cực có thể hỗ trợ BHTGVN tuyên truyền trực tiếp các nội dung chính sách BHTG đến người gửi tiền.
“Định kỳ, BHTGVN sẽ thực hiện việc đánh giá hiệu quả truyền thông, áp dụng các biện pháp khảo sát mức độ hiểu biết về các vấn đề cốt lõi của chính sách BHTG của người gửi tiền, qua đó nhận diện các khó khăn cũng như đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông phù hợp” - lãnh đạo BHTGVN thông tin.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, mặc dù chủ trương của Chính phủ, NHNN là luôn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền trong mọi tình huống, nhưng người dân cũng cần tìm hiểu về BHTG. Bởi vì, khi hiểu đầy đủ chính sách này đối với quyền lợi của mình, họ sẽ cẩn trọng hơn khi quyết định chọn nơi để gửi tiền.
Đặc biệt, với việc Luật Các TCTD mở ra hướng cho phép các TCTD phá sản thì người dân càng cần cân nhắc khi lựa chọn TCTD để gửi tiền, tránh tình trạng bị chèo kéo lãi suất cao mà có thể phải đối mặt với rủi ro mất tiền khi các tổ chức này lâm vào tình trạng phá sản.
Cũng theo bà Mùi, việc người dân tìm hiểu, trang bị đầy đủ cho mình thông tin, kiến thức về BHTG ngoài việc tự giúp mình tránh rủi ro thì cũng là một hình thức giúp BHTGVN giám sát tốt hơn các TCTD thông qua việc cung cấp thông tin cho BHTGVN nếu phát hiện đơn vị nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật để kiến nghị lên NHNN có biện pháp xử lý kịp thời.