Sự suy yếu của nền kinh tế thứ 2 châu Á
Giá trị xuất khẩu của Nhật Bản vào tháng 9 đã giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này một lần nữa trở thành gáo nước lạnh, dập tắt hi vọng về sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á.
Trong khi giá trị xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường châu Âu sụt giảm hơn 20% do cuộc khủng hoảng nợ, thì quan hệ thương mại với đối tác kinh tế hàng đầu Trung Quốc cũng đang lâm vào tình trạng bi đát. Xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua đã giảm đến 14% do tranh chấp biển đảo. Doanh thu của các hãng xe hơi Nhật tại thị trường này lao dốc thảm hại. Honda, Mazda, và Nissan đều cho biết, doanh thu của họ giảm gần 30% khi người tiêu dùng Trung Quốc ra sức tẩy chay các thương hiệu Nhật Bản. Nomura thì nhận định, sự lao dốc trong hoạt động xuất khẩu sẽ đẩy nền kinh tế Nhật Bản rơi vào cuộc suy thoái toàn diện.
Ông Stephen Jen đến từ SLJ Macro Partners cho biết, cơn bão suy thoái toàn cầu đã đổ bộ vào châu Á, mở ra một “chương mới” của cuộc khủng hoảng dự báo là sẽ lấn sang cả năm 2013. Nhiều nhà phân tích cho rằng, mức thấp nhất của chu kỳ kinh tế toàn cầu đã được xác lập nhưng khẳng định ấy chưa hoàn toàn thuyết phục. Stephen dự báo, các cuộc chiến tranh tiền tệ vẫn đang và tiếp tục diễn ra ngày càng quyết liệt và mạnh mẽ trên thế giới.
Nhật Bản là gã khổng lồ đang yếu đi. Đồng Yên đã tăng 36% so với nhân dân tệ, tăng 65% so với Euro và 80% so với bảng Anh kể từ năm 2008. Nước này đang nỗ lực để đối phó với tình thế nan giải này.
Sức mạnh đồng nội tệ lại trở thành một rào cản lớn cho sự nghiệp phát triển của nền kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay.
Hans Redeker, chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley, cho rằng không lâu nữa diện mạo của đồng Yên sẽ thay đổi do những biến động chính trị và do núi nợ công của nước này đang ngày một gia tăng và leo lên mức 245%/GDP. Thời kỳ hạ giá đồng Yên có lẽ đang tới gần.
Chiến tranh tiền tệ khó tránh khỏi
Chính phủ và ngân hàng Nhật Bản đang tập trung vào các mục tiêu lạm phát và tiền tệ. Họ đang phải đối mặt với những sức ép về nhiệm vụ nới lỏng tiền tệ ở một biên độ phù hợp sao cho có thể vượt qua bẫy giảm phát mà vẫn đảm bảo được các mục tiêu kinh tế khác.
Ông Redeker dự báo đồng tiền Yên sẽ giảm giá từ mức 79 xuống 84 yên/USD cho đến mùa giáng sinh năm nay và chạm mức 90 yên/USD vào năm tới.
“Chúng tôi nghĩ Nhật Bản sẽ không thể trang trải cho khối nợ công khổng lồ cho đến năm 2015 nếu chỉ dựa và các nhà đầu tư trong nước. Thay vào đó, ngân hàng sẽ phải in tiền. Họ cũng không có đủ khả năng nâng mức lợi tức trái phiếu thêm nữa bởi trái phiếu chính phủ Nhật Bản đã chiếm đến 25% trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng. Sự gia tăng về lợi tức trái phiếu có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng”.
Có những ý kiến trái chiều xung quanh giải pháp giảm giá đồng tiền Yên. Ông Klaus Baader đến từ Societe Generale cho biết, bất cứ nỗ lực nào làm suy yếu đồng tiền Yên cũng có thể làm xáo trộn trạng thái cân bằng vốn đã rất mỏng manh. “Một chính sách hạ giá tiền tệ có thể làm bốc hơi khối tài sản Nhật Bản, và điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong thị trường trái phiếu chính phủ nước này. Lợi ít mà hại nhiều”, ông nói.
Ông Baader cho rằng, Nhật Bản nên học Thụy Sĩ. Thụy Sĩ đã cố định giá trị đồng tiền franc so với Euro ở một mức cụ thể hồi năm ngoái và cam kết bảo vệ tỷ giá đó bằng cách phát hành tiền trong những trường hợp cần thiết.
Tuy vậy, cho dù điều gì xảy ra thì thời mà Nhật Bản là một siêu cường xuất khẩu dường như đã xa. Kể từ thảm họa Fukushima hồi năm ngoái thì thặng dư thương mại không còn là một khái niệm dành cho Nhật Bản. Quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân đã buộc Nhật Bản phải phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Sẽ không lâu nữa, nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại cấu trúc. Lực lượng lao động thì đang trong xu hướng giảm đi trong khi đó lực lượng ăn lương hưu thì ngày một gia tăng.
Đứng trước những khó khăn như vậy, Nhật Bản liệu còn con đường nào khác để vượt qua tình trạng khó khăn? Có lẽ hơn lúc nào hết, đồng Yên sẽ phải gánh vác trọng trách lớn lao của mình trong sự nghiệp chung của cả nền kinh tế.