Cụ thể, Romania đã tránh rơi vào suy thoái kinh tế và đạt mức tăng trưởng 0,5% trong quý 2/2012 so với quý trước đó (và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong khi đó, kinh tế Hungary và Cộng hòa Séc trong quý này sụt giảm 0,2% so với quý 1, đánh dấu quý sụt giảm thứ hai và thứ ba liên tiếp của hai nền kinh tế.
Nhiều dấu hiệu cũng cho thấy nhu cầu nội địa tụt dốc không chỉ trong doanh số bán lẻ, xây dựng mà còn trong hoạt động đầu tư.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã khiến kinh tế khu vực này suy giảm sâu và nhu cầu tiêu thụ yếu đã ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của một loạt nước Đông Âu, nơi các chính phủ cũng đang phải triển khai các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Nhà kinh tế Neil Shearing tại Capital Economics có trụ sở tại London (Anh) nhận định: "Hungary và Cộng hòa Séc là những nền kinh tế mở và đó là nguyên nhân họ phải gánh chịu tác động tiêu cực khi kinh tế khu vực bất ổn. Không có nền kinh tế nào miễn nhiễm với khủng hoảng nợ trong khu vực. Romania dường như là nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất và Hungary cũng vậy."
Cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế đã giúp Cộng hòa Séc, Romania và Hungary khắc phục được vấn đề nợ công, song tác động tới nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với các ngân hàng trung ương trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Như đã đưa tin, theo số liệu công bố ngày 14/8, kinh tế Eurozone đã sụt giảm 0,2% trong quý 2 vừa qua và kinh tế khu vực này vẫn chưa cho thấy triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn, nhất là khi chỉ số lòng tin kinh tế hàng tháng tại Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone - đã giảm xuống ngưỡng âm 25,5, thấp hơn nhiều so với dự báo âm 19,6 của thị trường.
Trong số quốc gia thành viên khối Eurozone, nhiều nước đang chìm trong suy thoái kinh tế, bao gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, Cyprus, Malta, Bồ Đào Nha.
Hy Lạp bị suy thoái nặng nhất khi mà nền kinh tế nước này co lại 6,2% chỉ trong vòng 1 năm. GDP của Bồ Đào Nha đã giảm mạnh 1,2% trong quý 2.
Ý và Tây Ban Nha, 2 nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư châu Âu, cũng có tốc độ tăng trưởng chậm đi 0,7% và 0,4% trong quý 2…