IADI, IMF ban hành một số tài liệu, báo cáo nghiên cứu về BHTG
Trong quý I/2022, Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) ban hành 01 tài liệu nghiên cứu và 01 báo cáo nghiên cứu. Cụ thể, ngày 31/01/2022, dựa trên kết quả khảo sát do IADI phối hợp với Cơ quan BHTG liên bang Nga hồi tháng 9/2021, IADI công bố tài liệu nghiên cứu thứ 2 về đại dịch Covid-19 với chủ đề “Đại dịch Covid-19 và tiền gửi được bảo hiểm”. Mục đích của tài liệu nhằm xem xét tác động của đại dịch tới tốc độ tăng trưởng tiền gửi được bảo hiểm thông qua việc đánh giá tốc độ tăng trưởng tiền gửi được bảo hiểm theo quý giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch và giai đoạn trong đại dịch.
Trong tháng 2/2022, IADI đã ban hành Báo cáo về BHTG năm 2022 về Xu thế toàn cầu và 5 yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức BHTG. Báo cáo phân tích xu thế BHTG trong thời gian qua về mô hình hoạt động; vai trò của tổ chức BHTG trong quá trình xử lý; thời gian chi trả; quỹ BHTG, hệ thống phí cũng như tác động của 5 yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức BHTG trong tương lai gần gồm biến đổi khí hậu, công nghệ tài chính (fintech), hệ quả của chính sách Covid-19, vai trò của các tổ chức BHTG trong quá trình xử lý và các vấn đề xuyên biên giới và đưa ra khuyến nghị các giải pháp ứng phó với các tác động đó. Cũng trong Báo cáo này, IADI cho biết sẽ xem xét, cập nhật và hoàn thiện Bộ nguyên tắc cơ bản và Sổ tay hướng dẫn phương pháp tuân thủ để phù hợp và thúc đẩy hệ thống BHTG phát triển hơn trong thập kỷ tới. Dự kiến, Bộ nguyên tắc sẽ được phê duyệt lần cuối vào cuối năm 2023.
Trong tháng 1/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố tài liệu nghiên cứu về Vai trò của Quỹ BHTG trong xử lý đổ vỡ ngân hàng tại Liên minh Châu Âu. Tài liệu nghiên cứu đã phân tích vai trò của hệ thống BHTG trong xử lý ngân hàng đổ vỡ từ kinh nghiệm quốc tế và thông lệ quốc tế tốt nhất, từ đó chỉ ra các hạn chế của hệ thống BHTG tại Liên minh Châu Âu, đặc biệt đối với vai trò xử lý đổ vỡ các tổ chức tín dụng có quy mô vừa và nhỏ.
Điều chỉnh tăng hạn mức và mở rộng phạm vi BHTG
Trong những tháng đầu năm 2022, Luật BHTG sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hạn mức BHTG và phạm vi BHTG tại một số quốc gia đã chính thức có hiệu lực, qua đó sẽ tăng cường bảo vệ người gửi tiền và góp phần ổn định tài chính.
Tại Georgia, Luật BHTG sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Một số quy định đáng chú ý như hạn mức trả tiền bảo hiểm đối với cá nhân sẽ tăng từ 5.000 GEL (tương đương 1.447 USD, áp dụng từ 01/7/2020) lên 15.000 GEL (tương đương khoảng 4.341 USD). Luật cũng bổ sung đối tượng được BHTG là tổ chức, áp dụng hạn mức tương tự như cá nhân. Ngoài ra, Luật quy định chi tiết về các loại hình "tiền gửi" và một số quy định khác nhằm tăng cường chính sách và cơ chế hoạt động hiệu quả cho hệ thống BHTG.
Tại khu vực Châu Phi, ngày 17/2/2022, Tổng công ty BHTG Zimbabwe (DPC) chính thức điều chỉnh tăng hạn mức BHTG từ mức 10.000 ZWL (xấp xỉ 31 USD) lên tối đa 120.000 ZWL (xấp xỉ 373 USD) cho tiền gửi của mỗi người gửi tiền tại một ngân hàng; và từ 500 ZWL (xấp xỉ 1,55 USD) lên tối đa 5.000 ZWL (xấp xỉ 15,5 USD) cho tiền gửi tại một TCTC vi mô nhận tiền gửi. Việc tăng hạn mức BHTG nhằm mục tiêu lâu dài để phát triển ổn định tài chính, nâng cao nhận thức công chúng về hệ thống tài chính quốc gia và đảm bảo rằng tất cả người gửi tiền có số dư tiền gửi bằng hoặc thấp hơn hạn mức BHTG sẽ nhận được đầy đủ khoản bồi thường từ Quỹ Bảo vệ tiền gửi.
Đổi mới cơ chế hoạt động nhằm nâng cao năng lực của hệ thống BHTG
Bên cạnh việc điều chỉnh chính sách, trong quý 1/2022, một số tổ chức BHTG đã đề ra kế hoạch hoặc triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực của tổ chức.
Quỹ BHTG Kosovo (DIFK) trong tháng 2/2022 đã triển khai giai đoạn đầu tiên của Khuôn khổ quản lý rủi ro, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB); đồng thời, tiến hành thử nghiệm Hệ thống chi trả tiền gửi với các ngân hàng là thành viên của hệ thống BHTG. Những hoạt động này được thực hiện nhằm mục đích cải thiện chất lượng hoạt động, lên kế hoạch, dự phòng và đảm bảo tính sẵn sàng và liên tục của DIFK trước những rủi ro trong hoạt động; qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền.
Cũng trong quý I/2022, Quỹ BHTG Uganda (DPF) công bố Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2022 – 2027, bao gồm 6 nội dung: Thúc đẩy Chính phủ trong việc xây dựng Luật DPF và có cơ chế hỗ trợ trong trường hợp DPF không đủ vốn để chi trả cho người gửi tiền; xây dựng quy trình để quản lý việc thanh lý kịp thời của các tổ chức tham gia BHTG theo quy định tại Luật các tổ chức tài chính năm 2004; Nâng cao nhận thức công chúng về vai trò của DPF và khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm vào các TCTC tham gia BHTG; Phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện quy định về nguồn vốn, Kế hoạch và Phát triển Kinh tế để tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ việc chi trả nhanh chóng, đặc biệt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính hệ thống; phát triển hệ thống quản lý đầu tư mạnh mẽ; Xây dựng trụ sở làm việc thân thiện với môi trường, nơi sẽ diễn ra các hoạt động của Quỹ với mục tiêu từng bước phát triển DPF trở thành một trung tâm BHTG cho Khu vực Đông Phi và hơn thế nữa.
Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về BHTG
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các tổ chức BHTG trên thế giới có xu hướng tăng cường hợp tác giữa các tổ chức BHTG, các cơ quan trong mạng an toàn tài chính và các tổ chức liên quan khác.
Cụ thể, cuối tháng 2/2022, DPF đã kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng công ty BHTG Zimbabwe (DPC), chính thức hợp thức hóa mối quan hệ lâu năm của hai tổ chức. Hai tổ chức cam kết sẽ duy trì và hiện thực hóa các điều khoản được đề cập đến trong Biên bản ghi nhớ.
Tại khu vực Châu Âu, Quỹ BHTG Kosovo (DIFK) đã tham gia cuộc diễn tập mô phỏng do Cơ quan BHTG Albania (ADIA) tổ chức tại Tirana, Albania. Buổi diễn tập nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm và tăng cường năng lực trong quá trình chi trả của tổ chức BHTG cũng như hỗ trợ lẫn nhau khi xảy ra trường hợp ngân hàng đổ vỡ. Cuộc diễn tập lần này không chỉ giúp ADIA và DIFK nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng và năng lực chuyên môn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền mà còn tăng cường hơn nữa mối quan hệ trong khuôn khổ hoạt động hợp tác xuyên biên giới giữa hai tổ chức.
Bên cạnh đó, trong quý I/2022, IADI cũng đón nhận 02 thành viên thứ 89 và 90 là Cơ quan BHTG Oman và Quỹ BHTG Armenia. Gia nhập IADI sẽ là một bước tiến mới, là cơ hội giúp hai tổ chức này học hỏi thêm kinh nghiệm từ những tổ chức BHTG tiên tiến, hoàn thiện tổ chức BHTG theo chuẩn mực quốc tế và mở rộng mối quan hệ với các tổ chức BHTG trong và ngoài khu vực.
Thông qua những diễn biến trên, có thể thấy, hệ thống BHTG tiếp tục được các quốc gia chú ý tăng cường, củng cố và đồng thời có những đóng góp thiết thực, kịp thời vào việc giảm nhẹ các tác động của đại dịch COVID-19 cũng như những bất ổn về chính trị tới người gửi tiền, hệ thống tài chính – ngân hàng. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng, duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, hoàn thành các trách nhiệm xã hội của tổ chức BHTG đối với cộng đồng trong giai đoạn sắp tới.
Triển khai một số biện pháp nhằm giảm thiểu tác động trong bối cảnh đại dịch Covid 19
Khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc, đồng nghĩa với việc chính phủ và các tổ chức BHTG tại các quốc gia tiếp tục phải duy trì sự chủ động và linh hoạt trong đề xuất chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định tài chính. Vì vậy, trong quý 1/2022, một số quốc gia đã thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tại Indonesia, Tổng công ty BHTG Indonesia (IDIC) đã thực hiện một số giải pháp như: hạ mức trần lãi suất tiền gửi được bảo hiểm[1] xuống dưới mức thấp nhất trong lịch sử, nhằm tạo ra dư địa để duy trì lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ở mức thấp, qua đó làm giảm lãi suất cho vay. IDIC ban hành chính sách gia hạn thời gian nộp phí BHTG cho các ngân hàng đến năm 2022, đồng thời, nới lỏng việc phạt do chậm đóng nộp phí đến cuối năm 2022 nhằm giúp các ngân hàng có cơ hội sử dụng tối ưu dòng tiền của mình để hỗ trợ phát triển kinh tế. BHTG Indonesia đã phát triển và ứng dụng hệ thống dữ liệu người gửi tiền (Single Customer View), nhằm giúp đẩy nhanh quá trình chi trả bảo hiểm tại IDIC và hệ thống tích hợp quy trình nghiệp vụ cơ bản (Integrated Core System), nhằm số hóa các quy trình nghiệp vụ tại IDIC, qua đó giúp nâng cao năng suất công việc và từng bước thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực BHTG tại Indonesia. Các biện pháp này đã phần nào giúp thúc đẩy nền kinh tế, cũng như bảo vệ người gửi tiền trong giai đoạn đại dịch Covid – 19.
Tháng 3/2022, Chính phủ Trung Quốc đệ trình Quốc hội nước này xem xét thành lập Quỹ ổn định tài chính. Quỹ được hình thành từ ba nguồn chính: phần đóng góp từ TCTC, phần hoàn trả từ các TCTC nhận được cứu trợ và đã hồi phục; và phần vốn đóng góp từ Chính phủ. Quỹ được quản lý bởi Nhà nước và có nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ và xử lý các TCTC và đối phó với các rủi ro và sự cố tài chính lớn, nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của các chủ nợ có liên quan. Ngoài ra, Quỹ có nhiệm vụ xử lý các tài sản có vấn đề theo quy trình và thị trường, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực lên hệ thống tài chính nói chung. Việc thành lập Quỹ sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn tại các TCTC, vận hành theo nguyên tắc thị trường và quy định của luật pháp; đối tượng của Quỹ là các TCTC có tầm ảnh hưởng hệ thống, trong đó đặc biệt chú trọng các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, với mục tiêu ngăn ngừa và xử lý các rủi ro tài chính tại địa phương. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc hiện đang tiếp tục quá trình hoàn thiện năng lực và cơ cấu tổ chức đối với hệ thống BHTG nhằm phát huy vai trò bảo vệ người gửi tiền và đóng góp hơn nữa vào sự ổn định hệ thống tài chính quốc gia tại nước này.
Tại Mỹ, các cơ quan quản lý liên bang bao gồm Cục dự trữ liên bang Mỹ, Tổng công ty BHTG liên bang Mỹ, và Cơ quan giám sát tiền tệ của nước này đã thông qua quy định mới về an ninh mạng (Cyber Security) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2022. Theo đó, các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ nước này được yêu cầu phải báo cáo các sự cố an ninh mạng lên các cơ quan quản lý liên bang trong vòng 36 giờ đồng hồ. Ngoài ra, các tổ chức trên cũng phải thông báo cho các khách hàng của mình về bất kỳ sự cố nào liên quan đến an toàn của hệ thống công nghệ thông tin kéo dài từ 4 giờ đồng hồ trở lên. Đây là một phần trong những cải cách mới của liên bang và là nỗ lực tập trung để tăng cường an ninh mạng.
Phòng NCTH&HTQT
[1] Theo quy định của IDIC, nếu lãi suất tiền gửi thỏa thuận giữa ngân hàng và người gửi tiền vượt quá mức trần lãi suất tiền gửi được bảo hiểm được quy định bởi IDIC thì khoản tiền gửi đó sẽ không được bảo hiểm. Tổ chức tham gia BHTG phải có nghĩa vụ thông báo tới người gửi tiền việc áp dụng lãi suất tiền gửi được bảo hiểm thông qua việc niêm yết thông tin liên quan ở những nơi mà người gửi tiền dễ dàng tiếp cận.