Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó khi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 lan rộng đặt ra yêu cầu cần có một định chế tài chính triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, sử dụng tiền phí thu được từ hệ thống ngân hàng để xử lý những vấn đề của chính hệ thống ngân hàng, hạn chế đến mức tối đa sử dụng ngân sách quốc gia vào xử lý đổ vỡ ngân hàng.
Ngày 01/9/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 89/1999/NĐ-CP đặt nền móng pháp lý đầu tiên cho chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Ngay sau đó, ngày 09/11/1999, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 218/1999/QĐ-TTg thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) nhằm triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Nhìn lại 25 năm xây dựng và phát triển
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, BHTGVN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong các mặt hoạt động; cụ thể như sau:
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, từ khung pháp lý ban đầu là Nghị định 89/1999/NĐ-CP, ngày 18/6/2012 Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13; tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam. Bảo hiểm tiền gửi là một trong số ít những lĩnh vực chính sách có một đạo luật riêng. Tiếp theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 và năm 2024 có những quy định mới về bảo hiểm tiền gửi; điều này một lần nữa khẳng định sự quan tâm sát sao của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Thứ hai, về chính sách bảo vệ người gửi tiền, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được thay đổi qua các thời kì, tăng từ mức 30 triệu đồng (1999-2004) lên 50 triệu đồng vào năm 2005, 75 triệu đồng vào năm 2017 và tăng lên 125 triệu đồng đối với một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG từ năm 2021. Theo số liệu khảo sát của BHTGVN vào thời điểm 30/9/2024, hạn mức 125 triệu đồng bảo vệ toàn bộ được 92,36% số người gửi tiền được bảo hiểm tại Việt Nam. Con số này đã đáp ứng được khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) là hạn mức trả tiền bảo hiểm nên bảo vệ toàn bộ 90% đến 95% người gửi tiền được bảo hiểm.
Công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi được triển khai theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức. BHTGVN cung cấp thông tin và duy trì sự tương tác tới đối tượng công chúng, người gửi tiền thông qua các sự kiện tuyên truyền, qua website, Bản tin Bảo hiểm tiền gửi hàng quý, các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động truyền thông thường xuyên được đổi mới, bắt kịp xu hướng truyền thông hiện đại thông qua mạng xã hội và nhiều hình thức truyền thông hiện đại khác. Hoạt động truyền thông của BHTGVN đã và đang đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức của đông đảo người dân về chính sách bảo hiểm tiền gửi, tạo sự an tâm và tin tưởng của người gửi tiền đối với hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Thứ ba, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng
Trong 25 năm vừa qua, BHTGVN luôn đồng hành cùng tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thông qua các hoạt động giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ, tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả tiền bảo hiểm.
Giám sát từ xa
Tính đến tháng 9/2024, tổng số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là 1.278 tổ chức, bao gồm 96 Ngân hàng và Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, 1.177 quỹ tín dụng nhân dân, 01 Ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.
BHTGVN thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; thực hiện giám sát chuyên sâu đối với các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề; định kỳ hoàn thành báo cáo giám sát đối với tổ chức tham gia BHTG và báo cáo giám sát chuyên sâu quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề.
Qua công tác giám sát, BHTGVN đã phát hiện nhiều trường hợp các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi, cũng như quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; phát hiện và đưa ra những đánh giá về tình hình cũng như xu hướng hoạt động có thể tiềm ẩn rủi ro của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, từ đó đưa ra những kiến nghị để Ngân hàng Nhà nước có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, BHTGVN tiếp tục duy trì việc theo dõi thông tin, diễn biến tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, sẵn sàng tham mưu với Ngân hàng Nhà nước để xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh.
Đối với nội dung hỗ trợ chức năng giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được nêu tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, BHTGVN đã phối hợp cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố về kết quả giám sát các quỹ tín dụng nhân dân. Căn cứ vào kết quả giám sát và những trao đổi của BHTGVN, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố đã đưa ra các biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với từng quỹ tín dụng nhân dân.
Kiểm tra tại chỗ
Trong 25 năm qua, BHTGVN đã tập trung nguồn lực, kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra. BHTGVN đã chủ động xây dựng và hoàn thành tốt kế hoạch kiểm tra hàng năm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Bên cạnh đó, từ năm 2019, BHTGVN đã tham gia kiểm tra chuyên sâu đối với các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, kết quả kiểm tra được ghi nhận và đánh giá tốt.
Qua công tác kiểm tra, BHTGVN đã phát hiện nhiều tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi còn tồn tại, sai sót trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi cũng như các quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng; từ đó chỉ rõ nguyên nhân, hướng dẫn, giải thích cụ thể và yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có biện pháp khắc phục, đồng thời kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng có những đề xuất, kiến nghị giải pháp với cơ quan có thẩm quyền để chỉnh sửa, bổ sung về cơ chế, chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý và tạo điều kiện cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát triển an toàn, lành mạnh.
Chi trả tiền bảo hiểm
Trong giai đoạn đầu thành lập, BHTGVN đã tiến hành trả tiền bảo hiểm một cách chính xác, kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, góp phần quan trọng ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương. BHTGVN đã chi trả bảo hiểm cho 1.793 người người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố với số tiền 26,78 tỷ đồng.
Trong giai đoạn hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, ổn định, không phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, các đơn vị trong toàn hệ thống vẫn luôn tập trung bám sát diễn biến, tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém được kiểm soát đặc biệt để có các biện pháp tham mưu, đề xuất xử lý kịp thời khi có tình huống phát sinh. Hiện tại, BHTGVN đang triển khai nghiên cứu và thực hiện mô phỏng trả tiền bảo hiểm tại ngân hàng thương mại có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế.
Tham gia kiểm soát đặc biệt
BHTGVN đã cử 80 cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại các QTDND được kiểm soát đặc biệt. BHTGVN theo dõi và cử cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại các quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố; thường xuyên cập nhật diễn biến hoạt động cũng như số liệu, xác định số tiền dự kiến chi trả của các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý các tình huống phát sinh. BHTGVN cũng đã cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của NHNN, đồng thời tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi đối với quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Thứ tư, nâng cao năng lực tài chính, BHTGVN thực hiện tốt công tác quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN.
Phí bảo hiểm tiền gửi là một trong những nguồn thu chủ yếu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. BHTGVN luôn chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo nguyên tắc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định. Phí bảo hiểm tiền gửi thu hàng năm tăng nhanh cùng tốc độ tăng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng phí thu lũy kế đạt trên 90 nghìn tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động đầu tư hàng năm cũng liên tục tăng trưởng ổn định năm sau cao hơn năm trước và đóng góp một tỷ lệ đáng kể vào sự gia tăng nguồn vốn của BHTGVN. Mức thu lãi từ hoạt động đầu tư tăng từ 900 tỷ đồng (năm 2011) lên xấp xỉ 2,14 nghìn tỷ đồng (năm 2017) và đạt trên 4 nghìn tỷ đồng (năm 2023).
Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của BHTGVN đạt trên 120 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt trên 115 nghìn tỷ đồng, sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Thứ năm, nâng cao năng lực hoạt động, bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi, BHTGVN đã tích cực triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ nâng cao hiệu quả hệ thống. Công tác đào tạo được chú trọng, ứng dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại... nhằm nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi. Công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên đảm bảo quản lý tài chính và hoạt động đúng quy định của pháp luật.
BHTGVN luôn chú trọng thiết lập và tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới nhằm học tập và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế, đăng cai nhiều hội nghị quốc tế tại Việt Nam, từ đó nâng cao vị thế của BHTGVN trong cộng đồng bảo hiểm tiền gửi quốc tế.
Hạn chế và khó khăn, thách thức
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, BHTGVN cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục, những khó khăn, thách thức cần vượt qua để bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2012 đã tạo cơ sở pháp lý cao nhất để thực thi chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam, nhưng sau hơn 10 năm triển khai cũng bộc lộ những bất cập so với tình hình thực tế ngành ngân hàng, đặc biệt sau khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được ban hành. Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 đã giao cho BHTGVN một số nhiệm vụ mới; đòi hỏi cần được cụ thể hóa trong Luật bảo hiểm tiền gửi để có thể triển khai thực tế.
Năng lực tài chính của BHTGVN được nâng cao đáng kể nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trong toàn hệ thống. Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt trên 115 nghìn tỷ, chỉ bằng khoảng 1,3% số dư tiền gửi được bảo hiểm toàn hệ thống. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với thông lệ quốc tế là khoảng 2 đến 2,5% số dư tiền gửi được bảo hiểm.
Mô hình hoạt động của BHTGVN chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đánh giá của Hiệp hội BHTG Quốc tế, việc giao thêm nhiệm vụ và nâng cao vai trò của tổ chức BHTG trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vai trò xử lý tổ chức tham gia BHTG yếu kém đang trở thành xu hướng phổ biến tại các quốc gia trên thế giới.
Nguồn nhân lực đã được hình thành và đào tạo nâng cao trình độ. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng, cùng với những nhiệm vụ mới trong tương lai đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với đội ngũ lãnh đạo, cán bộ và người lao động BHTGVN trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Hướng tới tương lai
Bước sang một giai đoạn phát triển mới, BHTGVN sẽ phát huy những kết quả đã đạt được trong 25 năm vừa qua, nỗ lực tối đa để hoàn thành tốt hơn vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đóng góp tích cực hơn nữa vào đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng thông qua một số định hướng cụ thể:
Thứ nhất, chủ động tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của BHTGVN.
Nội dung sửa đổi trong Luật BHTG phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật các TCTD 2024, đồng thời phải đảm bảo để BHTGVN có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật BHTG (sửa đổi) sẽ tập trung sửa đổi các chính sách lớn như (1) Phí bảo hiểm tiền gửi; (2) Nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; (3) Quyền, nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; (4) Hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém tại Việt Nam; và (5) Hoàn thiện quy định về trả tiền bảo hiểm.
Thứ hai, tập trung, chủ động tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, lộ trình tại Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về chính sách bảo hiểm tiền gửi, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%; phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm xuống 30 ngày làm việc vào năm 2025 và 15 ngày làm việc vào năm 2030; phấn đấu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi bao gồm chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thu phí bảo hiểm tiền gửi, giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tham gia kiểm soát đặc biệt; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém; quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, chi trả bảo hiểm tiền gửi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam. Tăng cường năng lực tài chính của BHTGVN để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.
BHTGVN đang từng bước triển khai chuyển đổi số theo hướng linh hoạt, hiệu quả; đặc biệt chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Trong thời gian tới, BHTGVN tiếp tục hoàn thiện và phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của BHTGVN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
BHTGVN xác định việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để có được đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, hợp lý về cơ cấu và gắn bó với tổ chức là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và hợp tác quốc tế nhằm học tập, trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất chính sách.
Tổng kết 25 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu BHTGVN đã đạt được trong thời gian vừa qua là nhờ của sự chỉ đạo sát sao và hỗ trợ kịp thời của Quốc hộiChính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan, cùng sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và người lao động trong toàn hệ thống BHTGVN. Bước sang một trang mới trong lịch sử phát triển, phát huy những kết quả đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, nhận thức thời cơ và thách thức, tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động BHTGVN quyết tâm đoàn kết, đồng sức đồng lòng phát triển BHTGVN trở thành tổ chức Bảo hiểm tiền gửi hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và lộ trình tại Chiến lược bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đặng Duy Cường
Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam