Triển khai nhiều biện pháp giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19
Mỹ: FDIC công bố đảm bảo an toàn cho tiền gửi và chuẩn bị kế hoạch tăng hạn mức giữa khủng hoảng COVID-19
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến nước Mỹ, gây ra rất nhiều tác động tiêu cực về tài chính, kinh tế. Để trấn an công chúng, vào ngày 18/3/2020, Tổng Công ty BHTG liên bang Mỹ (FDIC) đã ra tuyên bố các ngân hàng được FDIC bảo hiểm cho tiền gửi vẫn là nơi an toàn nhất để người dân gửi tiền. Mặc dù các ngân hàng có thể giảm thời gian mở cửa, nhưng tiền gửi của khách hàng, cũng như việc tiếp cận với tiền gửi vẫn được đảm bảo. Tuyên bố cũng khuyến nghị người dân cảnh giác trước những thông tin giả có thể nhận được trong thời gian này liên quan đến an toàn của tiền gửi, cũng như các vụ lừa đảo mạo danh một tổ chức hoặc ngân hàng liên hệ với người dân nhằm lấy các thông tin cá nhân. Ngoài ra, nhằm trấn an người gửi tiền, ngăn ngừa việc rút tiền hàng loạt, FDIC cũng lên kế hoạch tăng cường mức độ bảo vệ và bảo đảm đối với ngân hàng đổ vỡ. Lần này, FDIC có thể tăng hạn mức lên trên mức 250.000 USD rất nhiều, thậm chí có xem xét cả khả năng bảo đảm toàn bộ cho tiền gửi. FDIC cũng tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý tài chính Mỹ để có những biện pháp quản lý phù hợp nhằm tạo ra sự linh hoạt cho ngân hàng trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Canada: CDIC hỗ trợ ngân hàng, củng cố niềm tin của người gửi tiền trong đại dịch
Nhằm giảm bớt gánh nặng cho các tổ chức thành viên BHTG để chống chịu tốt hơn với những bất trắc thị trường và kinh tế, cũng như tập trung nguồn lực nhằm cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong môi trường kinh tế - tài chính khó khăn, Chính phủ và Tổng Công ty BHTG Canada (CDIC) đã nhanh chóng triển khai một số biện pháp:
Lùi thời gian bắt đầu áp dụng Luật Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) sửa đổi 01 năm, từ 30/4/2021 sang từ 30/4/2022, để các tổ chức thành viên tham gia BHTG có thể tập trung vào việc cung cấp dịch vụ phục vụ khách hàng.
Hoãn việc nộp phí BHTG cho các tổ chức thành viên đến 15/12/2020.
Hoãn phần cung cấp thông tin về phân loại tiền gửi được bảo hiểm trong mẫu khai tiền gửi trong phạm vi bảo hiểm (RID) cho CDIC đến 15/12/2020.
Hoãn tuân thủ Quy chế thông tin BHTG (DIIB) đối với các tổ chức thành viên do những thay đổi đối với phạm vi BHTG của CDIC có hiệu lực từ 30/4/2020.
Hoãn việc kiểm tra tuân thủ các yêu cầu của Quy chế Hệ thống và dữ liệu (DSR) đối với các tổ chức thành viên cho đến 15/7/2020.
Tăng cường các hoạt động nhận thức công chúng: thúc đẩy các hoạt động truyền thông (qua TV, các kênh truyền thông số và mạng xã hội) nhằm duy trì niềm tin vào sự an toàn và đảm bảo của tiền gửi của người gửi tiền.
Anh: FSCS tăng thời gian bảo vệ cho tài khoản tiền gửi tạm thời có số dư cao
Thông thường, Cơ quan Bồi thường Dịch vụ Tài chính Anh (FSCS) áp dụng cơ chế bảo vệ tài khoản tiền gửi tạm thời có số dư cao (là tài khoản tiền gửi đặc biệt và ngắn hạn, được lập nhằm mục đích thanh toán mua nhà ở, trả chi phí ly hôn, hoặc để nhận chi trả thất nghiệp, bồi thường sinh mạng…) để bảo vệ chủ tài khoản trước những mất mát lớn về mặt tài chính. Theo đó, FSCS bảo vệ cho tài khoản tiền gửi tạm thời có số dư cao với hạn mức lên tới 01 triệu Bảng Anh (tương đương hơn 1.320.000 USD) trong thời gian 06 tháng kể từ khi tài khoản được lập.
Tuy nhiên, FSCS đã đề xuất tăng thời gian bảo vệ cho tài khoản tiền gửi tạm thời có số dư cao từ 06 lên tới 12 tháng và được Cơ quan Quy định An toàn – Ngân hàng Trung ương Anh phê chuẩn tháng 8/2020. Động thái trên nhằm đáp lại những lo lắng của người gửi tiền, đặc biệt là các chủ tài khoản khoản tiền gửi tạm thời có số dư cao, rằng tiền gửi có thể phải nằm lâu hơn ở ngân hàng vì hoạt động ngân hàng bị chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, do vậy sẽ rủi ro hơn nếu ngân hàng bị đổ vỡ. Việc tăng thời gian bảo vệ tiền gửi tạm thời có số dư cao sẽ giúp trấn an các chủ tài khoản tiền gửi trong giai đoạn biến động phức tạp, nếu xảy ra đổ vỡ ngân hàng.
Ajerbaijan: Tiếp tục gia hạn thời gian bảo hiểm toàn bộ cho tiền gửi
Nhằm duy trì sự ổn định tài chính của đất nước giữa những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, cũng như duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng và tăng cường niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng, năm 2016, Quốc hội Ajerbaijan đã thông qua Luật theo đó, tiền gửi bằng đồng nội tệ với lãi suất dưới 12%/năm và tiền gửi ngoại tệ với lãi suất dưới 3%/năm được bảo hiểm toàn bộ từ 4/3/2016 trong vòng 03 năm (đến 22/3/2019).
Vào tháng 2/2019, Quốc hội nước này đã phê chuẩn Luật gia hạn thời gian hiệu lực của việc bảo hiểm toàn bộ cho tiền gửi thêm một năm (đến 4/3/2020). Tuy nhiên, trước tình hình bất ổn của nền kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm bảo vệ tốt hơn lợi ích của người gửi tiền và các chủ nợ, qua đó củng cố niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng, vào đầu tháng 3/2020, Hội đồng Ổn định Tài chính Azerbaijan đã thảo luận, đưa ra khuyến nghị và sau đó được Quốc hội phê chuẩn gia hạn Luật bảo hiểm toàn bộ cho tiền gửi thêm 09 tháng (cho đến ngày 4/12/2020).
Indonesia: Tăng cường vai trò của IDIC trong đối phó với tác động của COVID-19
Để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính Indonesia trong đại dịch COVID-19, Tổng thống Indonesia đã ban hành Quy định của Chính phủ thay cho Luật số 1, 2020 về chính sách tài chính nhà nước và sự ổn định của hệ thống tài chính để giảm thiểu tác động của COVID-19, có hiệu lực từ 31/3/2020. Trong đó, Quy định đã tăng thẩm quyền cho Tổng Công ty BHTG (IDIC), bao gồm:
Chuẩn bị để xử lý khủng hoảng và tăng cường sự phối hợp chuẩn bị với Cơ quan dịch vụ Tài chính (OJK) để xử lý các vấn đề về mất khả năng thanh toán của ngân hàng;
Bán/mua lại trái phiếu chính phủ do Ngân hàng Trung ương sở hữu;
Phát hành các chứng khoán nợ;
Vay từ các bên khác; và hoặc vay từ Chính phủ nếu IDIC thiếu thanh khoản trong trường hợp xử lý các ngân hàng đổ vỡ;
Ra quyết định cứu trợ hoặc không cứu trợ một ngân hàng không phải ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống bằng việc xem xét các yếu tố, đặc biệt là điều kiện kinh tế, độ phức tạp của các vấn đề của ngân hàng, thời gian cần thiết để xử lý, các nhà đầu tư sẵn có, và/hoặc hiệu quả của việc xử lý và các chi phí ước tính;
Xây dựng và triển khai chính sách bảo đảm tiền gửi đối với các tổ chức gửi tiền là các ngân hàng trên cơ sở xem xét nguồn vốn, sự phân bổ tiền gửi cũng như giá trị tiền gửi được bảo đảm của nhóm này theo quy định.
Ngoài ra, IDIC đã chủ động miễn tiền phạt do nộp phí BHTG chậm đối với các ngân hàng thành viên tham gia BHTG để giúp các ngân hàng quản lý dòng tiền tốt hơn giữa đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, tất cả cán bộ, nhân viên của IDIC đã hỗ trợ cho cộng đồng bị ảnh hưởng của COVID-19 thông qua việc giảm lương tháng và các khoản tiền phụ cấp nghỉ lễ trong vòng 06 tháng (từ tháng 5-10/2020). Đây là một phần của Chương trình “Hỗ trợ của IDIC”, nhằm cung cấp các thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế cũng như các gói cứu trợ khác cho cộng đồng. Ngoài ra, IDIC cũng hỗ trợ các hoạt động xã hội cộng đồng của Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia (BNPB) cũng như một số tổ chức khác nhằm đối phó với COVID-19.
Thái Lan: Gia hạn thời gian áp dụng hạn mức BHTG do đại dịch COVID-19
Ngày 19/4/2020, Chính phủ đã ra thông báo về quyết định kéo dài thời hạn hiệu lực của hạn mức BHTG hiện hành là 05 triệu bath (tương đương hơn 157.000 USD) thêm 01 năm, kể từ 11/8/2020 đến 10/8/2021. Với quyết định này, thay vì áp dụng hạn mức BHTG 01 triệu Bath (tương đương hơn 31.000 USD) cho mỗi tài khoản ngân hàng, từ ngày 11/8/2020, Cơ quan BHTG Thái Lan (DPA) sẽ tiếp tục bảo vệ cho người gửi tiền với hạn mức 05 triệu Bath cho đến ngày 10/8/2021.
Lý do của việc Chính phủ gia hạn hạn mức BHTG là đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế và xã hội, gây ra những biến động trên thị trường tài chính thế giới, trong đó có Thái Lan. Do vậy, để duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống các tổ chức tài chính Thái Lan, tránh việc rút tiền hàng loạt, cần tiếp tục giữ hạn mức BHTG ở mức cao hơn mức được quy định trong Luật DPA 2008. Việc gia hạn mức BHTG sẽ duy trì niềm tin của người gửi tiền khi sử dụng các dịch vụ của các tổ chức tài chính trong hoàn cảnh hiện tại.
Hàn Quốc: KDIC góp phần vào việc giảm nhẹ tác động của đại dịch
Với tư cách là một tổ chức công, KDIC đã nỗ lực hoàn thành các trách nhiệm xã hội của mình trong thời kỳ khủng hoảng COVID-19 nhằm thực hiện tài chính toàn diện thông qua việc giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế.
Cụ thể, KDIC và Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) đã thỏa thuận nỗ lực tạo việc làm và hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Theo đó, KDIC và IBK sẽ lập một quỹ hợp tác phát triển với số vốn 100 tỉ won (tiền Hàn Quốc) để các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tạo ra việc làm cho xã hội nhận được các khoản vay với lãi suất thấp hơn các khoản vay thông thường là 0.6%. KDIC và IBK còn lên kế hoạch thực hiện các chương trình hỗ trợ khác nhau nhằm giúp đỡ một cách thiết thực các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho các chủ kinh doanh nhỏ và cư dân đối phó với những khó khăn do COVID-19, KDIC còn cho phép các cư dân địa phương sử dụng miễn phí các gian còn trống (do KDIC quản lý) trong các tòa nhà thương mại, dưới dạng văn phòng kinh doanh hay trung tâm đào tạo của cư dân địa phương. KDIC khẳng định tiếp tục mở rộng việc cho phép sử dụng miễn phí các không gian còn trống nhằm hỗ trợ các nhóm đối tượng khó khăn trong xã hội trong thời kỳ khủng hoảng COVID-19.
Kenya: KDIC nhanh chóng triển khai các biện pháp giúp ngân hàng trong đại dịch COVID-19
Để giúp giảm nhẹ gánh nặng cho các ngân hàng trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Tổng Công ty BHTG Kenya (KDIC) đã cho phép các ngân hàng được chậm nộp phí BHTG quý 1 tới 06 tháng.
Thông thường các ngân hàng phải nộp phí BHTG quý 1 trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về nộp phí BHTG trong tháng 7. Tuy nhiên, với việc gia hạn kể trên, thời hạn nộp phí BHTG là 31/12/2020.
Ngoài ra, KDIC cũng lùi thời hạn dự kiến áp dụng của hệ thống phí BHTG theo rủi ro 01 năm (từ tháng 7/2020 sang tháng 7/2021) vì với đại dịch COVID-19, việc đánh giá xếp hạng ngân hàng nhiều khả năng không phản ánh chính xác tình hình hoạt động thực sự của một ngân hàng, do đó, việc áp dụng phí theo rủi ro có thể mất tính công bằng đối với các ngân hàng. KDIC hi vọng các biện pháp nói trên sẽ góp phần giảm bớt áp lực, đặc biệt về thanh khoản, cho các ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm củng cố các hệ thống BHTG, chia sẻ kinh nghiệm đối phó với COVID-19
Montenegro: Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) giúp tăng cường hệ thống BHTG tại Montenegro
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đang cung cấp hạn mức tín dụng dự phòng là 50 triệu euro cho Quỹ Bảo vệ tiền gửi của Montenegro (DPFM) để bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi các rủi ro về tài chính do tác động của đại dịch COVID-19. Hạn mức tín dụng mới này được chính phủ bảo lãnh và thay thế hạn mức tín dụng dự phòng 30 triệu euro đã ký kết với EBRD vào năm 2010.
Việc bổ sung nguồn vốn cho Quỹ BHTG sẽ cho phép DPFM có đủ nguồn vốn để bảo vệ người gửi tiền cá nhân và doanh nghiệp với hạn mức lên tới 50.000 euro cho mỗi người gửi tiền. Nguồn vốn tín dụng dự phòng của EBRD sẽ góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính trong nước và duy trì niềm tin của thị trường vào khu vực ngân hàng nói chung. Việc tăng cường mạng an toàn tài chính tại Montenegro là chìa khóa để chống chịu các cú sốc bắt nguồn từ tác động của đại dịch COVID-19.
Bosnia và Herzegovina: Ngân hàng tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) giúp tăng cường ổn định tài chính Bosnia và Herzegovina
EBRD cũng cung cấp hạn mức tín dụng dự phòng 50 triệu euro cho Cơ quan BHTG Bosinia và Herzegovina (DIA) nhằm đảm bảo người gửi tiền và các doanh nghiệp của nước này được bảo vệ khỏi những bất trắc tiềm tàng trong lĩnh vực tài chính trong đại dịch COVID-19. Hạn mức tín dụng mới này thay thế hạn mức tín dụng cũ 30 triệu euro theo thỏa thuận năm 2010.
Hạn mức tín dụng mới nhằm bảo vệ, tăng cường và củng cố hệ thống tài chính nói chung và hệ thống BHTG nói riêng của Bosinia và Herzegovina thông qua việc cung cấp nguồn vốn nhằm bảo đảm bảo vệ cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của ngân hàng. Hạn mức tín dụng mới cũng đóng góp vào việc duy trì niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng nước này. Trong bối cảnh hiện nay, củng cố mạng an toàn tài chính là một trong những nhân tố chính để chống chịu các cú sốc về kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19.
Malaysia: PIDM tổ chức Hội thảo trực tuyến quốc tế về biện pháp ứng phó COVID-19 trong lĩnh vực BHTG
Các biện pháp ứng phó COVID-19 là điểm nổi bật của Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Hoạt động kinh doanh trong điều kiện bất thường: Bình thường và khi bị gián đoạn” do Tổng Công ty BHTG Malaysia (PIDM) vừa phối hợp với Diễn đàn Quốc tế về các cơ chế bảo đảm tiền gửi (IFIGS) tổ chức với sự tham gia của 158 đại diện thuộc 20 nước trên thế giới.
Tại hội thảo, IFIGS đã báo cáo kết quả cuộc khảo sát về các biện pháp mà các thành viên IFIGS đã thực hiện trong giai đoạn dịch COVID-19 để hỗ trợ các thành viên mạng an toàn tài chính. Theo đó, với mục tiêu nâng cao niềm tin công chúng, các hệ thống BHTG đã nhanh chóng đưa ra các phương án ứng phó nhằm đảm bảo hoạt động được duy trì ổn định, đồng thời đẩy mạnh tương tác để trấn an công chúng; phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong mạng an toàn tài chính để quản lý các khu vực tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, các thành viên cũng tích cực thảo luận về quan điểm tổng thể, triển vọng hoạt động trong môi trường hậu COVID-19. Hội thảo trực tuyến này là một trong những nền tảng để các thành viên trao đổi ý kiến về các vấn đề cùng quan tâm.
Hàn Quốc: Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc tổ chức đào tạo trực tuyến toàn cầu 2020 qua dịch vụ họp trực tuyến
Từ 24-26/11/2020, Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) đã thực hiện Chương trình đào tạo toàn cầu năm 2020 cho khoảng 200 cán bộ, nhân viên của các tổ chức BHTG ở 22 quốc gia thuộc Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và Nam Mỹ. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chương trình đào tạo năm 2020 được thực hiện dưới dạng hội nghị trực tuyến và chủ đề tập trung vào “quản lý khủng hoảng và xử lý” trong đó đề cập đến các biện pháp ứng phó với COVID-19 của KDIC, các tình huống nghiên cứu cụ thể về đổ vỡ ngân hàng và các biện pháp xử lý, dựa trên các trường hợp có thật do KDIC cung cấp.
So với các chương trình đào tạo trực tiếp các năm trước đây thường chỉ cho phép tối đa 20 học viên, đào tạo qua nền tảng hội nghị trực tuyến giúp KDIC tăng số học viên tới 200 người, qua đó cho phép KDIC chia sẻ kinh nghiệm đối phó khủng hoảng tài chính và quản lý hệ thống BHTG rộng rãi hơn với các tổ chức BHTG khắp nơi trên thế giới.
Châu Phi: Sáng kiến tăng cường hợp tác về BHTG tại các nước thành viên ARC
Hội nghị thường niên của Uỷ ban khu vực châu Phi (ARC) vừa được tổ chức trực tuyến trong tháng 11/2020 với đại diện của 9 quốc gia thành viên của ARC (Angola, Ghana, Kenya, Morocco, Nigeria, Rwanda, Tunisia, Uganda và Zimbabwe) và Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI). Hội nghị đã nhất trí đề xuất của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Nigeria (NDIC) thành lập Trung tâm BHTG Châu Phi (ACDI), đặt tại Học viện NDIC, Abuja để đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên các tổ chức BHTG của các nước trên lục địa này.
Các thành viên cũng thống nhất: hiện nay do các hạn chế về đại dịch COVID-19, Trung tâm bắt đầu với các chương trình trực tuyến vào năm 2021. Ngoài ra, các thành viên cũng ủng hộ ấn phẩm ARC, dự kiến được thiết kế để ghi lại những kinh nghiệm và thách thức của các hệ thống BHTG tại Châu Phi và đồng ý thành lập một Ủy ban phối hợp đối chiếu, tổng hợp thông tin từ các nước thành viên để sử dụng trong việc biên soạn ấn phẩm.
Các nước thành viên ARC cũng đã thảo luận tập trung vào việc cần phải liên tục nâng cao năng lực; nâng cao nhận thức cộng chúng; đẩy nhanh việc thanh toán/chi trả người gửi tiền; và tăng cường giám sát các tổ chức tham gia BHTG.
Chuẩn bị triển khai chính sách BHTG, hoàn thiện/điều chỉnh chính sách BHTG
Quần đảo Virgin thuộc Anh: Chính phủ triển khai chính sách BHTG để bảo vệ người gửi tiền
Tháng 2/2020, Chính phủ Quần đảo Virgin thuộc Anh đã thông báo kế hoạch triển khai Chính sách BHTG tại Quần đảo Virgin thuộc Anh vào trước tháng 1/2021. Chính phủ đã ký kết hợp đồng tư vấn để nhận được những tham vấn đối với quá trình xây dựng tổ chức BHTG nhằm triển khai Luật BHTG Quần đảo Virgin được Quốc hội thông qua năm 2016.
Luật quy định sự thành lập của Tổng công ty BHTG Quần đảo Virgin và Quỹ BHTG với mục đích bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt dành cho đối tượng nhỏ lẻ và dễ bị tổn thương vì không có khả năng đánh giá mức độ rủi ro của tổ chức nhận tiền gửi.
Ngoài ra, cơ chế BHTG sẽ giúp duy trì sự ổn định trong hệ thống các tổ chức nhận tiền gửi. Một hệ thống BHTG chính thức giúp Chính phủ, cùng với cơ quan quản lý và cơ quan giám sát xử lý tổ chức tài chính có vấn đề với mục tiêu bảo đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng.
Nam Phi: Chính phủ thông qua đề xuất trình Quốc hội thành lập hệ thống BHTG
Sau khi triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống BHTG đề ra từ năm 2018, tháng 6/2020, Chính phủ Nam Phi đã thông qua việc trình Quốc hội đề xuất thành lập hệ thống BHTG tại Nam Phi nhằm bảo vệ người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Theo đó, hệ thống BHTG được thành lập nhằm mục đích bảo vệ những người gửi tiền nhỏ, lẻ dễ bị tổn thương cũng như góp phần đảm bảo giảm thiểu những tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế Nam Phi khi các tổ chức tài chính rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính.
Hệ thống BHTG dự kiến sẽ do Ngân hàng Trung ương Nam Phi quản lý. Hạn mức BHTG là 100.000 Rand (khoảng 5.800 USD). Phí BHTG do các tổ chức tham gia BHTG đóng là phí đồng hạng với mức phí là 0,21% tổng tiền gửi. Ngoài ra, đề xuất trên cũng bao gồm một khung khổ mới để xử lý các tổ chức tài chính, chủ yếu là các ngân hàng, khi tổ chức gặp vấn đề về tài chính, với Ngân hàng Trung ương đóng vai trò cơ quan chịu trách nhiệm xử lý. Chính phủ hi vọng đề xuất nói trên khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần củng cố sự an toàn và ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng Nam Phi cũng như cải thiện các công cụ quản lý của Ngân hàng Trung ương.
Ethiopia: Chuẩn bị thành lập Quỹ BHTG
Chính phủ Ethiopia lên kế hoạch thành lập hệ thống BHTG. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Ethiopia (NBE) đã dự thảo các quy định tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập Quỹ BHTG Ethiopia. Hiện Dự thảo đang trong quá trình tham khảo, lấy ý kiến góp ý.
Cụ thể, theo Dự thảo, quỹ BHTG có trách nhiệm chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền được bảo hiểm khi xảy ra đổ vỡ, quản lý việc thu phí BHTG, xác định và thường xuyên điều chỉnh hạn mức BHTG. Hạn mức BHTG sẽ do HĐQT Quỹ xác định và không thấp hơn 100,000 Br (khoảng hơn 2.277 USD). Hạn mức BHTG sẽ bảo vệ toàn bộ đa số người gửi tiền nhưng vẫn để một lượng đáng kể tiền gửi không được bảo hiểm nhằm giảm rủi ro đạo đức. Tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm là tiền gửi của cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời gian chi trả BHTG trong vòng 90 ngày kể từ ngày NBE rút giấy phép hoạt động của tổ chức tài chính bị đổ vỡ. Quỹ BHTG bao gồm phí BHTG thường niên (với mức phí 0.03% tiền gửi bình quân) thu từ các tổ chức tham gia BHTG và thu nhập từ đầu tư (chủ yếu là trái phiếu chính phủ).
Việc thành lập Quỹ BHTG sẽ tạo ra “tuyến phòng thủ thứ hai” cho hệ thống ngân hàng, ngoài tuyến thứ nhất là các quy định về đủ vốn và dự trự bắt buộc đối với các ngân hàng. Do vậy, kế hoạch trên sẽ giúp củng cố vững chắc hơn hệ thống tài chính của Ethiopia.
Kenya: Chính thức tăng hạn mức BHTG lên 05 lần
Theo kế hoạch được xây dựng từ năm 2019, tháng 6/2020, Tổng công ty BHTG Kenya (KDIC) tuyên bố chính thức tăng mạnh hạn mức BHTG lên 05 lần, từ 100.000 Sh (khoảng 938 USD) lên 500.000 Sh (khoảng 4692 USD) kể từ 1/7/2020. Theo ước tính của KDIC, hạn mức BHTG 100.000 Sh bảo vệ toàn bộ được 97% người gửi tiền, việc tăng hạn mức BHTG lên 500.000 Sh sẽ giúp bảo vệ toàn bộ cho 99% người gửi tiền, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người gửi tiền cũng như hệ thống ngân hàng, phù hợp với mức khuyến nghị theo thông lệ quốc tế.
Armenia: Điều chỉnh tăng hạn mức BHTG
Quỹ Đảm bảo tiền gửi của Armenia cho biết, Tổng thống Cộng hòa Armenia đã ký Luật Cộng hòa Armenia “Về việc sửa đổi Luật Bảo đảm bồi thường tiền gửi ngân hàng của các cá nhân”, trong đó, nổi bật là việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, từ 1/12/2020. Cụ thể như sau:
Nếu người gửi tiền có tài khoản tiền gửi ngân hàng bằng nội tệ (AMD), hạn mức BHTG sẽ tăng lên 16 triệu AMD /người gửi tiền/ngân hàng (hơn 32.000 USD) từ mức 10 triệu AMD/người gửi tiền/ngân hàng (hơn 20.000 USD);
Nếu người gửi tiền có tài khoản tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ, hạn mức BHTG sẽ tăng lên 07 triệu AMD/người gửi tiền/ngân hàng (hơn 14.500 USD) từ mức 05 triệu AMD (hơn 10.300 USD);
Nếu người gửi tiền có tiền gửi ngân hàng bằng AMD và ngoại tệ, với số tiền gửi bằng AMD vượt quá 07 triệu AMD, BHTG sẽ chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi bằng AMD với hạn mức là 16 triệu AMD (so với 10 triệu AMD trước đó);
Nếu người gửi tiền giữ các khoản tiền gửi bằng AMD và ngoại tệ, với số tiền gửi bằng AMD dưới 07 triệu AMD, BHTG sẽ áp dụng cho toàn bộ khoản tiền gửi ngân hàng bằng AMD và bằng ngoại tệ với hạn mức là 07 triệu AMD (so với 05 triệu AMD trước đây).
Ấn Độ: Chính thức tăng hạn mức BHTG lên 05 lần và điều chỉnh phí BHTG
Sau khi xem xét, cân nhắc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG, do hạn mức BHTG cũ ở mức thấp so với các nước trên thế giới, tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ sụt giảm mạnh do hạn mức được giữ khá lâu từ năm 1993 trong khi quy mô tiền gửi tăng mạnh, và sự sụp đổ của Ngân hàng Hợp tác xã Punjab và Maharashtra, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức công bố tăng đáng kể hạn mức BHTG từ 100.000 rupi (khoảng 1400 USD) lên 500.000 rupi (khoảng 7000 USD) từ ngày 4/2/2020.
Theo Bộ Tài chính Ấn Độ, đây là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo tình trạng lành mạnh của tất cả các ngân hàng thương mại, đồng thời đảm bảo với người gửi tiền rằng tiền gửi của họ là an toàn tuyệt đối. Tương ứng với việc tăng hạn mức BHTG, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng tuyên bố, phí BHTG sẽ được điều chỉnh tăng 20% từ mức 0,1% lên 0,12% tổng tiền gửi. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đánh giá mức tăng này làm tăng chí phí hoạt động của các ngân hàng, tuy nhiên, tác động của việc tăng đến tình hình tài chính của ngân hàng sẽ không lớn. Trong khi đó, tỉ lệ tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ được dự tính sẽ được cải thiện khá đáng kể, từ 28% lên mức 40-50%.
Bangladesh: Xem xét tăng gấp đôi hạn mức BHTG
Đầu tháng 2/2020, Bộ Tài chính nước này đang xem xét việc tăng hạn mức BHTG gấp đôi từ 100.000 TK (khoảng 1.178 USD) lên 200.000 TK (hơn 2.300 USD) và tiền gửi được chi trả trong vòng 06 tháng kể từ khi một ngân hàng bị đóng cửa. Hạn mức mới được đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ tiền gửi 2020, sẽ thay thế Luật BHTG ngân hàng năm 2000. Việc xem xét tăng hạn mức trên là kết quả thảo luận giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Bangladesh cùng các ngân hàng.
Được biết, hạn mức BHTG hiện hành bảo hiểm được toàn bộ cho khoảng 90% tài khoản tiền gửi. Việc tăng hạn mức sẽ bảo hiểm được toàn bộ cho khoảng 95-96% tài khoản tiền gửi, do đó giúp củng cố đáng kể niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Trước khi ấn định hạn mức mới, Chính phủ cũng có thể xem xét điều chỉnh tăng mức phí BHTG đối với các tổ chức tham gia BHTG.
Philippines: Đề xuất tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi nhằm củng cố hệ thống ngân hàng
Đầu tháng 10/2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn ra khó lường, trong cuộc trao đổi với Hội đồng các Ngân hàng tiết kiệm (CTB), Ngân hàng Trung ương Philippines cho biết sẽ đưa ra đề xuất về việc tăng hạn mức BHTG hiện tại 500.000 Peso (khoảng 10.300 USD) lên 1,5-2 lần tức là tới 750.000 - 1 triệu Peso (khoảng 15.400 – 20.600 USD) tại cuộc họp của HĐQT của Tổng Công ty BHTG Philippines (PDIC). Để có thể tăng hạn mức BHTG, đề xuất trên cần được HĐQT của PDIC thông qua trước khi trình Tổng thống phê duyệt.
Theo Ngân hàng Trung ương, tổng tiền gửi đã tăng 3% lên 14,3 nghìn tỷ Peso vào cuối tháng 7/2020 vì người dân lựa chọn gửi tiết kiệm khi tương lai nền kinh tế không chắc chắn do đại dịch COVID-19 kéo dài. Trong bối cảnh này, rằng việc tăng hạn mức BHTG sẽ mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và người gửi tiền vì củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng khi nhu cầu gửi tiết kiệm đã thực sự tăng lên, trong khi rủi ro cho các ngân hàng cũng tăng do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế và hệ thống ngân hàng.
Jamaica: Tăng gấp đôi hạn mức BHTG
Tháng 7/2020, Ban các vấn đề về Luật và quy định, thuộc Hạ Viện Jamaica đã thống nhất về việc tăng hạn mức BHTG gấp đôi từ 600.000 Đô la Jamaica (hơn 4.100 USD) lên 1,2 triệu Đô la Jamaica (hơn 8.200 USD). Từ 31/8/2020, hạn mức BHTG đã chính thức tăng sau khi được Thượng Viện phê chuẩn.
Được biết, Quỹ BHTG Jamaica do Tổng công ty BHTG Jamaica (JDIC) quản lý. Với hạn mức 600.000 Đô la Jamaica, theo tính toán, có 97% tài khoản tiền gửi được bảo vệ toàn bộ, việc tăng hạn mức lên gấp đôi sẽ bảo vệ tốt hơn nữa tiền gửi của người gửi tiền và củng cố vững chắc thêm niềm tin của họ vào hệ thống ngân hàng Jamaica.
Nga: Điều chỉnh chính sách BHTG để bảo đảm an toàn tốt hơn cho hệ thống tài chính ngân hàng
Ngày 1/10/2020, một số sửa đổi quan trọng của Luật Liên bang ngày 23/12/2003 “về Bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng của Liên bang Nga” đã có hiệu lực.
Cụ thể, các tài khoản tiền gửi của một số tổ chức phi lợi nhuận và hiệp hội phục vụ cộng đồng, như hợp tác xã tiêu dùng (trừ các tổ chức tài chính phi ngân hàng), đối tác của chủ đất (bao gồm các hiệp hội chủ đất, nhà vườn), các tổ chức tôn giáo, quỹ từ thiện…cũng được bảo hiểm với hạn mức 1,4 triệu RUB (khoảng 18.117 USD) như tiền gửi của cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.
Hạn mức BHTG được tăng lên 10 triệu rúp (khoảng 129.404 USD) cho người gửi tiền cá nhân có số dư tạm thời cao trên tài khoản tiền gửi, phát sinh từ việc bán bất động sản nhà ở, thừa kế, trợ cấp xã hội. Hạn mức mới này áp dụng cho các khoản tiền gửi nói trên trong 03 tháng kể từ ngày số tiền đó được ghi Có vào tài khoản.
Ngoài ra, người gửi tiền có các tài khoản tại các ngân hàng được sáp nhập hợp nhất với nhau được hưởng hạn mức BHTG là 1,4 triệu rúp cho từng ngân hàng riêng rẽ trong thời hạn 03 tháng tính từ thời điểm hoàn thành xong thủ tục sáp nhập, hợp nhất.
Luật BHTG sửa đổi được thông qua có ý nghĩa quan trọng, phục vụ lợi ích của người dân và các tổ chức định hướng xã hội, góp phần xây dựng niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng Liên bang Nga.
Những diễn biến trên cho thấy, trong năm qua, các hệ thống BHTG tiếp tục được các quốc gia chú ý tăng cường, củng cố và đồng thời có những đóng góp thiết thực, kịp thời vào việc giảm nhẹ các tác động của COVID-19 tới người gửi tiền, hệ thống tài chính-ngân hàng và cả cộng đồng thông qua nhiều biện pháp đa dạng, theo điều kiện của mỗi quốc gia như: tăng hạn mức BHTG hoặc gia hạn thời gian áp dụng hạn mức BHTG, hoãn nộp phí BHTG, bổ sung vai trò của tổ chức BHTG, đẩy mạnh tương tác để trấn an công chúng, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quốc tế….Tất cả đều hướng tới mục tiêu đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng, duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, hoàn thành các trách nhiệm xã hội của tổ chức BHTG đối với cộng đồng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra hết sức phức tạp.