FSB đưa 16 nguyên tắc cơ bản của IADI vào Bộ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn hệ thống tài chính
Trong năm 2016, Bộ nguyên tắc sửa đổi 11/2014 (thay thế phiên bản 2009) của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) tiếp tục có mặt trong danh sách các Bộ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn hệ thống tài chính do FSB công bố. Phiên bản mới gồm 16 (so với 18) nguyên tắc cơ bản phản ánh nhu cầu hoàn thiện các nguyên tắc cốt lỗi để phát triển hệ thống BHTG thời kỳ hậu khủng hoảng.
Bộ nguyên tắc bao gồm các vấn đề tổng quát như: mục tiêu chính sách công, vai trò của tổ chức BHTG và các thành viên mạng an toàn tài chính, hợp tác xuyên biên giới ứng phó và quản lý khủng hoảng đến các vấn đề cụ thể như: hạn mức, nguồn lực, chi trả - xử lý - phục hồi tài sản và ứng xử với bên gây đổ vỡ.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2010 đã đặt ra yêu cầu chỉnh sửa Bộ nguyên tắc theo hướng phù hợp với mục tiêu của hệ thống BHTG mỗi nước. Bên cạnh đó, Bộ nguyên tắc cũng giúp các nước đánh giá chất lượng hệ thống BHTG, xác định khoảng cách về cơ sở pháp lý so với thông lệ quốc tế và đề ra giải pháp để cải thiện hệ thống.
IADI tiếp nhận thành viên thứ 83, hội viên thứ 14 và đối tác thứ 10
Ngày 13/9, IADI tiếp nhận NHTW Hà Lan làm thành viên thứ 83, khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế đa dạng (tổ chức BHTG, NHTW, Bộ Tài chính…). Cũng trong năm 2016, IADI kết nạp Quỹ BHTG Brazil và Iran và đón hội viên liên kết thứ 10 (Hiệp hội Kiểm toán các ngân hàng Đức) và đối tác thứ 14 (Nhóm tư vấn hỗ trợ các nước nghèo).
Có thể nói, chính sự đa dạng về loại hình, mô hình tổ chức hoạt động và nhân sự làm phong phú nội dung hợp tác xuyên biên giới. Để thực hiện mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm BHTG với thế giới, IADI đang nỗ lực nghiên cứu và xây dựng chính sách, hướng dẫn và hỗ trợ thành viên thực hiện thông lệ tốt nhất.
Sự kiện thường niên quan trọng khác là lựa chọn tổ chức BHTG của năm, với vinh dự thuộc về Tổng công ty BHTG Kenya vì kinh nghiệm xử lý đổ vỡ, tái cấu trúc thành công 3 ngân hàng lớn trong 27 vụ đổ vỡ.
BHTG Anh phát huy vai trò hậu trưng cầu dân ý Brexit
Tháng 8/2016, Cơ quan bồi thường dịch vụ tài chính Anh (FSCS) áp dụng quy định mới về thời gian chi trả cho người gửi tiền tại Coastal Credit Union Ltd và Hartlepool Credit Union Ltd. Theo đó, thời gian chi trả chậm nhất là trong 7 ngày làm việc và người gửi tiền sẽ được hỗ trợ bằng các hình thức thanh toán đa dạng. Từ sau khi người dân Anh bỏ phiếu tán thành Brexit hôm 23/06/2016, đây là đợt chi trả đầu tiên của FSCS.
Ngoài ra, hạn mức BHTG mới £75.000 (điều chỉnh từ £85.000 giai đoạn 2011-2015), có hiệu lực từ 1/1/2016, phù hợp với Chỉ thị về cơ chế BHTG của châu Âu, bảo vệ toàn bộ được hơn 95% khách hàng. Việc điều chỉnh hạn mức diễn ra trước khi trưng cầu dân ý về Brexit được giải thích là do sự sụt giảm của đồng euro so với bảng Anh và để cân đối quỹ BHTG. Mỗi lần điều chỉnh hạn mức, FSCS đặt ra thời hạn hiệu lực sau 6 tháng để ổn định tâm lý người gửi tiền. Hậu trưng cầu dân ý về Brexit, NHTW Anh đã đề xuất nâng hạn mức trở lại từ ngày 30/6/2017.
Chỉ thị về BHTG chung tại Châu Âu thúc đẩy các nước đổi mới chính sách
Nỗ lực thúc đẩy cơ chế BHTG chung châu Âu (EDIS) thu được bước tiến lớn, nếu thành hiện thực sẽ hỗ trợ tiến trình cải cách tài chính. Trong năm 2016, Quy định của EU về thực thi Chỉ thị 2014/49 về bảo đảm tiền gửi chính thức có hiệu lực. Nội dung của Chỉ thị nhằm đồng bộ chương trình BHTG của các nước, tăng cường bảo vệ người gửi tiền, giảm thời gian chi trả, cải thiện tiếp cận thông tin, yêu cầu cấp vốn trước, tăng cường ổn định nội khối và xây dựng ngân hàng an toàn.
Từ 1/1/2016, Czech chuyển đổi Quỹ BHTG thành Hệ thống đảm bảo thị trường tài chính, thành lập Quỹ xử lý khủng hoảng để xử lý các tình huống mà chi trả không phải là giải pháp hiệu quả; Áo, Thụy Điển tăng cường khung pháp lý giám sát ngân hàng, sửa đổi Luật BHTG có hiệu lực tức thì; cả 3 nước áp dụng bảo hiểm có điều kiện cho phần chênh ngoài hạn mức; Bỉ ban hành quy định thực hiện một phần Chỉ thị, bảo hiểm nhiều loại tiền gửi và người gửi tiền; 4 nước trên tăng hạn mức cao hơn 100.000 euro cho một số loại tiền gửi, sửa cơ chế cấp vốn.
Czech, Thụy Điển áp dụng ngay thời gian chi trả 7 ngày; Đức (từng phản đối kế hoạch của EU) đang tìm kiếm lộ trình cho EDIS. EDIS được đánh giá sẽ góp phần củng cố liên minh, bảo vệ tốt hơn người gửi tiền. Mặc dù lộ trình hướng đến bảo hiểm toàn bộ vào năm 2024, EDIS đã tính đến biện pháp xử lý vấn đề rủi ro đạo đức.
Cơ chế bail-in và hợp tác xuyên biên giới trong ứng phó, xử lý khủng hoảng
Tháng 6/2016, Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) áp dụng đạo luật về phương thức cứu trợ “bail-in” (“tự giải cứu”) trong đó nhà đầu tư, chủ nợ ngân hàng tự huy động vốn để bù đắp thua lỗ. Công cụ này đảm bảo tổ chức đổ vỡ vẫn phải phục vụ người dân trong khi tổn thất sẽ do cổ đông và nhà đầu tư gánh chịu. Theo đó, CDIC sẽ được Quốc hội trao quyền thực thi và giám sát tuân thủ quy định mới.
Tại Indonesia, điều kiện ngặt nghèo của IMF đổi lấy khoản vay xử lý khủng hoảng giúp nước này có kinh nghiệm quản trị xử lý và thiết lập kỷ luật nguồn vốn. Indonesia đã ban hành luật quản trị khủng hoảng nhằm cấm sử dụng vốn ngân sách để ổn định ngân hàng và chính thức ngừng giải cứu (bail-out) từ tháng 3/2016. Luật mới cho phép BHTG Indonesia hỗ trợ tài chính cho ngân hàng khó khăn.
Tại Nhật Bản, luật BHTG sửa đổi 2011 yêu cầu chủ nợ gánh chịu lỗ phát sinh trong xử lý phá sản. Xu hướng chuyển từ cơ chế bail-out sang bail-in đang hình thành, giúp hạn chế sử dụng ngân sách, giảm thiểu rủi ro đạo đức ngân hàng.
Ngày 15/12/2016, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông qua quy định ngăn ngừa sử dụng vốn ngân sách cứu trợ ngân hàng. Fed yêu cầu các ngân hàng lớn phát hành số lượng tối thiểu các khoản nợ dài hạn được chuyển đổi thành vốn cổ phần và thiết lập dự phòng vốn cao hơn để tự hỗ trợ khi phá sản. Quy định mới giúp bảo vệ người nộp thuế tốt hơn khi ngân hàng lớn nhất được yêu cầu lập quỹ trước cho các chi phí đổ vỡ và khuyến khích nhà đầu tư mua cổ phần tham gia giám sát ngân hàng. Trong tháng 4, Fed đã yêu cầu 8 ngân hàng lớn nhất tăng vốn để giải quyết tồn tại từ 2007.
Trong nỗ lực quản trị khủng hoảng, trung tuần tháng 10/2016, các cơ quan giám sát tài chính ngân hàng của Mỹ, Anh và châu Âu thực diễn kịch bản phối hợp xử lý đổ vỡ xuyên biên giới tại Washington với sự tham gia của Bộ Tài chính, NHTW và nhiều tổ chức. Hoạt động trên hưởng ứng lời kêu gọi xử lý các tổ chức có vai trò quan trọng đối với hệ thống (SIFIs) và thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong ứng phó khủng hoảng. Với những dự báo kém lạc quan của WB và IMF về kinh tế, không thể xem nhẹ những rủi ro tiềm ẩn.
Tại Châu Á, Ấn Độ xúc tiến xây dựng dự luật thành lập Tổng công ty xử lý đổ vỡ - dự kiến sẽ thay thế cho Tổng công ty BHTG và Bảo đảm tín dụng (DICGC). Dự luật này đề cập nhiều đến SIFIs, được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu để xử lý các vụ đổ vỡ có trật tự và bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền mà không dùng ngân sách quốc gia.
Tại Nga, Tổ chức BHTG (DIA) đã xử lý hiệu quả SIFIs trong bối cảnh nhiều rủi ro tài chính. DIA tham gia xử lý 30 ngân hàng lớn đổ vỡ tính đến hết năm 2016. Chính phủ Nga cho phép DIA sử dụng nhiều nguồn lực để xử lý phá sản như quỹ hỗ trợ tài sản trị giá 3,2 tỷ USD, vốn vay NHTW, quỹ BHTG, và quỹ đầu tư tư nhân. Nỗ lực của DIA đã góp phần ổn định tài chính, bảo vệ tốt chủ nợ và người gửi tiền.
Điều chỉnh chính sách BHTG theo hướng công khai, minh bạch vì người gửi tiền
Chủ đề “Nâng cao nhận thức công chúng về bảo hiểm tiền gửi” tại Hội nghị thường niên IADI đã thúc đẩy các nước thành viên tiếp tục cải cách chính sách theo hướng công khai, minh bạch. CDIC Canada tổ chức tham vấn công chúng Quy chế về trách nhiệm công khai thông tin BHTG của các tổ chức tài chính, Khung chính sách BHTG (mở rộng 7 loại tiền gửi và 4 loại tài khoản được bảo hiểm), và Kịch bản dự phòng ứng phó và xử lý khủng hoảng. Quy định mới khi được Quốc hội Canada thông qua sẽ tăng cường nhận thức của công chúng về BHTG, giúp người dân tiếp nhận thông tin chính xác, kịp thời.
Tại Hàn Quốc, luật bảo vệ người gửi tiền sửa đổi có hiệu lực năm 2016 quy định nhân viên tổ chức tham gia BHTG phải tư vấn cho khách hàng nội dung và hình thức bảo đảm an toàn đối với các sản phẩm tài chính; KDIC có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, đánh giá tuân thủ và xử phạt sai phạm.
Linh hoạt điều chỉnh tỷ lệ phí BHTG
Từ 01/7/2016, FDIC tiến hành điều chỉnh phí BHTG theo rủi ro theo đúng cam kết giảm phí khi tỷ lệ dự phòng Quỹ BHTG (ở 1,17% trong tháng 6) vượt 0,2% ngưỡng trần và nằm trong kế hoạch quản lý hiệu quả nguồn vốn dài hạn. Điều chỉnh trên cho thấy tín hiệu lạc quan đối với tăng trưởng ngân hàng (số tổ chức đổ vỡ giảm, nguồn lực xử lý được cải thiện, quỹ tăng trưởng dương) và hỗ trợ giảm chi phí cho tổ chức tham gia BHTG theo tình hình hoạt động và sự ổn định.
Tại Nga, DIA quyết định nâng mức phí BHTG bổ sung lên 400% và 500% so với mức phí cơ sở (theo hai lộ trình thực thi tháng 1-3/2017 và tháng 4-6/2016), tương ứng 0,48% và 0,56% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. DIA xem việc tăng phí BHTG bổ sung là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính của quỹ BHTG trong bối cảnh kinh tế Nga suy giảm mạnh. Theo DIA, ngân hàng có rủi ro cao hoặc vi phạm quy định an toàn và gây bất ổn tài chính sẽ phải đóng mức phí bổ sung lớn. Nguồn phí thu thêm sẽ giúp Quỹ BHTG trả hết nợ vay vào năm 2020 khi ước tính tổng số tiền chi trả đến hết năm 2019 là 950 tỷ rub.
Trong khi đó, Azerbaijan sửa đổi Luật BHTG và điều chỉnh giảm tỷ lệ phí bổ sung cho Quỹ BHTG xuống 0,1% từ mức trần 0,2% sau khi Quỹ BHTG Azerbaijan (ADIF) nhận được hỗ trợ tài chính của NHTW. Nguồn vốn của ADIF hiện là 80 triệu USD, thấp hơn mức dự kiến chi trả 90 triệu USD; với hạn mức là 19.000 USD.
Điều chỉnh hạn mức BHTG để củng cố niềm tin người gửi tiền
Điều chính hạn mức theo hướng mở rộng phạm vi, kéo giãn lộ trình duy trì để không gây áp lực cho người gửi tiền là chủ đề nóng của chính sách BHTG trong năm 2016. Tại Nigeria, Tổng công ty BHTG (NDIC) trong tháng 8/2016 đã tăng hạn mức trả tiền BHTG từ 200.000 Naira (khoảng 540 USD) - được duy trì suốt từ năm 2010 - lên 500.000 Naira (1.600 USD) nhằm cải thiện cơ chế bảo hiểm, giúp bảo vệ 99% người gửi tiền. Việc điều chỉnh này diễn ra sau vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ 8 tại Nigeria là Skye.
Tại Thái Lan, Quốc hội Thái Lan sửa Luật tổ chức bảo vệ tiền gửi để tiếp tục duy trì hạn mức BHTG 25 triệu baht (720.000 USD) đến 8/2018.
Diễn biến chính sách hạn mức BHTG tại Thái Lan 2007- Nay |
|||||||
2007-7/2011 |
7/2011-8/2012 |
8/2012-8/2016 |
8/2016-8/2018 |
8/2018-8/2019 |
8/2019-8/2020 |
8/2020-8/2021 |
từ 8/2021 |
Bảo đảm toàn bộ |
50 triệu baht |
25 triệu baht ($1,44 triệu) |
15 triệu baht |
10 triệu baht |
05 triệu baht |
1 triệu baht ($29.000) |
Nguồn: DPA-Thailand, DIV tổng hợp
So sánh hạn mức BHTG, Ấn Độ là số ít quốc gia duy trì hạn mức thấp (1.500 USD) trong hai thập kỷ kể từ năm 1997, thấp hơn nhiều hạn mức 12.000 USD của Philippines, 13.000 USD của Hồng Kông, 39.000 USD của Singapore, 75.000 USD của Malaysia; thậm chí thấp hơn 2000 USD của Nepal và 2.200 USD của Việt Nam. Tỷ lệ hạn mức BHTG/GDP bình quân tại Ấn Độ là 0,95 lần (so với 4,5 lần ở Mỹ, 2,5 lần ở Anh, Nhật Bản) và BHTG Ấn Độ hiện chỉ bảo hiểm cho gần 30% tổng số dư tiền gửi ngân hàng (so với mức bình quân 70% ở nhiều nước). Gần giống với Ấn Độ về thời gian duy trì hạn mức, tuy nhiên Hàn Quốc quy định hạn mức tương đối cao, 50 triệu won (45.000 USD). BHTG Hàn Quốc đang đề xuất nâng hạn mức lên hai lần.
Tăng cường cơ sở pháp lý để nâng cao vị thế và bảo vệ người gửi tiền
Sửa đổi luật BHTG là vấn đề được công chúng và người gửi tiền quan tâm. Tháng 6/2016, Philippines ban hành Đạo luật 10846 giúp tăng cường quyền hạn của Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC), trao thêm quyền tự chủ tài chính, quản trị và xử lý ngân hàng có vấn đề khi vẫn đang hoạt động, tăng cường vai trò ổn định tài chính. Theo quy định mới, người gửi tiền sẽ nhanh chóng được PDIC chi trả căn cứ trên chứng từ tiền gửi mà chưa qua cấn trừ nợ. Luật còn khôi phục quyền hạn của PDIC về chấm dứt BHTG đối với ngân hàng yếu kém; trường hợp phải đóng cửa, Luật giúp tăng khả năng thu hồi nợ trong thanh lý. Luật sửa đổi bỏ qua giai đoạn 90 ngày PDIC tiếp quản và chuyển sang thanh lý ngân hàng đổ vỡ.
Tại Hồng Kông, cơ chế BHTG sửa đổi áp dụng hình thức chi trả tổng tiền gửi theo hạn mức và bù trừ nợ sau để giúp người gửi tiền được chi trả trong vòng 7 ngày. Điều này phù hợp với Nguyên tắc 15 của Bộ Nguyên tắc: nếu tính toán bù trừ tiền gửi và các khoản nợ ngân hàng, cần phải kịp thời và không làm trì hoãn việc chi trả tức thì cho người gửi tiền và xói mòn ổn định tài chính. Phương thức chi trả này có thể gặp rủi ro thu hồi nợ nhưng đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.
Trong một diễn biến khác, FDIC yêu cầu 36 ngân hàng có số tài khoản tiền gửi từ 2 triệu trở lên phải lưu trữ hồ sơ đầy đủ và chính xác về người gửi tiền và nâng cấp hệ thống CNTT để tính toán chính xác số tiền gửi được bảo hiểm trong 24 giờ sau đổ vỡ.
P.M.H
Tài liệu tham khảo:
- IADI, 2014, Revised Core Principles for effective deposit insurance systems
- IADI, 2016 Newsletter 14 Volume 1, 2015/2016 Newsletter 13
- IADI, 2016, Annual Report 2015/2016
- iadi.org, fsb.org, bis.org, efdi.org, baodientu.chinhphu.vn, africanews.com, fedreserve.gov, fdic.gov, businessdailyafrica.com, kdic.ogv.kr, dicgc.org.in, dic.go.jp, asv.org.ru,
- NewYork Times, India Times, Strait Times, Bangkok Post
- www.div.gov.vn: Diễn biến và động thái chính sách bảo hiểm tiền gửi tháng 6, 8, 9, 10